Trong quý đầu năm 2022 đã có thêm khoảng 70 triệu thuê bao 5G.
Theo Báo cáo Di động Ericsson mới nhất - ấn bản thứ hai mươi hai về phân tích chi tiết và dự báo lưu lượng mạng của Ericsson vừa được công bố, lưu lượng dữ liệu mạng di động toàn cầu đã tăng gấp đôi trong hai năm qua.
Sự tăng trưởng lưu lượng này được thúc đẩy bởi việc gia tăng sử dụng smartphone và băng thông rộng di động cũng như quá trình số hóa xã hội và các ngành công nghiệp. Các số liệu thống kê và dự báo gần đây nhấn mạnh các nhu cầu mạnh mẽ về kết nối dữ liệu và các dịch vụ kỹ thuật số đang có, và dự kiến sẽ có, bất chấp đại dịch Covid-19 toàn cầu và những bất ổn về địa chính trị. Hàng trăm triệu người đang đăng ký thuê bao băng rộng di động mới mỗi năm.
Báo cáo Di động Ericsson tháng 6/2022 cũng xác minh việc 5G mở rộng quy mô nhanh hơn tất cả các thế hệ công nghệ di động trước đây. Khoảng một phần tư dân số thế giới hiện được tiếp cận với vùng phủ sóng 5G. Riêng trong quý đầu năm 2022 đã có thêm vào khoảng 70 triệu thuê bao 5G. Theo báo cáo, đến năm 2027, khoảng ba phần tư dân số thế giới sẽ được tiếp cận 5G.
Tại Đông Nam Á và châu Đại Dương, cuối năm 2021, thuê bao 5G vào khoảng 15 triệu và dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm 2022. Với việc thêm nhiều hệ thống mạng được triển khai trong vài năm tới, thuê bao di động 5G dự kiến sẽ tăng mạnh với tốc độ CAGR đạt 83% trong giai đoạn dự báo, đạt 570 triệu vào năm 2027. Con số này sẽ gần tương đương tổng số lượng thuê bao 4G trong khu vực tại thời điểm đó.
Lưu lượng dữ liệu di động trên smartphone tiếp tục tăng mạnh và dự kiến đạt khoảng 45GB mỗi tháng vào năm 2027 – tốc độ CAGR đạt 30%. Tổng lưu lượng dữ liệu di động dự kiến sẽ tăng gấp khoảng 6 lần trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2027, do bởi sự tăng trưởng liên tục mạnh mẽ về thuê bao 4G và gia tăng thuê bao 5G ở một số thị trường. Việc triển khai 5G rộng hơn cùng các dịch vụ XR mới dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng lưu lượng trong nửa sau giai đoạn dự báo tới năm 2027.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào khẳng định: “Với quy mô toàn cầu và năng lực chuyên sâu của mình, chúng tôi mong muốn tiếp tục hành trình hỗ trợ Việt Nam triển khai mở rộng mạng 4G và 5G trong tương lai. 4G và 5G đang giúp Việt Nam khai thác toàn bộ tiềm năng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - và sẽ là nền tảng để Việt Nam phát triển hơn nữa trên hành trình chuyển đổi số.”
Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Truy cập Không dây Cố định (FWA) trong việc cung cấp các dịch vụ băng thông rộng. Ericsson dự báo rằng số lượng kết nối FWA sẽ vượt mức 100 triệu vào năm 2022; và sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2027, đạt gần 230 triệu.
Đề cập đến Internet Vạn Vật (IoT), báo cáo cũng lưu ý rằng vào năm 2021, băng thông rộng IoT (4G / 5G) đã vượt qua 2G và 3G để trở thành công nghệ có tỷ trọng kết nối lớn nhất trong tất cả các thiết bị di động kết nối IoT, chiếm 44% tổng số kết nối.
Các công nghệ IoT quy mô lớn (NB-IoT, Cat-M) tăng gần 80% trong năm 2021, đạt gần 330 triệu kết nối. Số lượng thiết bị IoT được kết nối bằng các công nghệ này dự kiến sẽ vượt qua 2G / 3G vào năm 2023.
Quang Minh (T/h)