Trung Quốc thử nghiệm sử dụng CBDC xuyên biên giới với Thái Lan, Ả Rập Xê Út và Hồng Kông
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động phát triển thanh toán xuyên biên giới bằng đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) trước bối cảnh đồng tiền này không nhận được sự ủng hộ trong nước…
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang gặp khó khăn trong nước, nơi ước tính 80% thanh toán hiện nay không dùng tiền mặt.
Trung Quốc đã khởi động thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) với Ả Rập Xê Út và các đối tác khác. Đây được xem là động thái nhằm thúc đẩy hoạt động của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong bối cảnh quốc gia này đang gặp khó khăn tại thị trường trong nước.
Những bên tham gia khác bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và các tổ chức khác cũng tham gia với tư cách là người quan sát.
Sử dụng CBDC xuyên quốc gia giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch
CBDC sử dụng công nghệ Blockchain để ghi lại các giao dịch. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, chúng có thể cho phép hoàn tất thanh toán xuyên biên giới trong vòng vài giây và cắt giảm chi phí tới 50%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Lu Lei cho biết ngân hàng trung ương muốn thúc đẩy khả năng kết nối trong cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu theo khuôn khổ đa phương. Vị lãnh đạo này chia sẻ việc thử nghiệm mới này nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh trong thanh toán xuyên biên giới.
Hiện tại, các khoản thanh toán quốc tế được thực hiện thông qua các ngân hàng đại lý dựa trên các lệnh được đặt qua nền tảng SWIFT. Quá trình này có thể mất vài ngày đến một tuần.
Các khoản thanh toán xuyên biên giới cũng thường được thực hiện bằng đô la. Việc chuyển khoản bằng CBDC có thể giúp thúc đẩy các giao dịch không phải bằng đô la và hạn chế sự phụ thuộc của Trung Quốc vào đồng đô la.
Trước những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển CBDC, 7 ngân hàng trung ương của các quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước châu Âu - cũng đã công bố thử nghiệm chung về thanh toán CBDC vào tháng 4.
Ông Naoki Tsukioka, chuyên gia phân tích tại Mizuho Research & Technologies cho biết, Trung Quốc đặt mục tiêu đóng vai trò dẫn đầu trong việc tạo ra các công nghệ và tiêu chuẩn mới cho các giao dịch thế hệ tiếp theo.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số gặp khó khăn trong nước
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thành lập một nhóm nghiên cứu vào năm 2014 để ra mắt đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY), hướng đến việc sử dụng đồng tiền này trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc.
Ý tưởng là các ngân hàng thương mại sẽ ra mắt ví kỹ thuật số có thể được sử dụng để thanh toán tại các nhà hàng và cửa hàng khác bằng cách quét mã. Chương trình thí điểm đầu tiên đã khởi động vào tháng 10 năm 2020 tại Thâm Quyến. Kể từ đó, quyền truy cập đã được mở rộng đến 26 khu vực trên 17 tỉnh, thành phố.
Trung Quốc cũng đã thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán lương và thuế. Theo PBOC, các giao dịch bằng nhân dân tệ kỹ thuật số đã đạt tổng cộng 7 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 992 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2024.
Tuy nhiên, vẫn chưa có lộ trình rõ ràng cho việc triển khai toàn diện. Thách thức của việc phát triển CBDC còn đến từ việc người dùng Trung Quốc đang sử dụng chủ yếu các ứng dụng thanh toán phổ biến của khu vực tư nhân, chẳng hạn như WeChat Pay và Alipay.
Hiệp hội Thanh toán Nhật Bản từng ước tính hơn 80% giao dịch thanh toán ở Trung Quốc hiện đã không dùng tiền mặt. Người dân quốc gia này không thấy sự khác biệt hay lợi thế khi sử dụng đồng tiền CBDC.
Một nhân viên làm ở Bắc Kinh chia sẻ: “ Tôi đã sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số trong một đợt thí điểm, nhưng về cơ bản nó giống như WeChat Pay và các nền tảng khác".