Trung tâm CNTT Bắc Ninh: Đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh

07:12, 31/10/2024

Những năm qua, chuyển đổi số ở Bắc Ninh có những chuyển biến bứt phá, nhiều chỉ tiêu quan trọng nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều đóng góp tích cực, khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Công tác quản trị, vận hành hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây là nền tảng quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Trực tiếp quản trị vận hành Trung tâm Dữ liệu tỉnh, tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm CNTT&TT đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước khẳng định được vai trò tiên phong, làm chủ công nghệ hiện đại. Trong những năm qua, Trung tâm Dữ liệu tỉnh luôn được duy trì hoạt động ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tập trung các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước, hạn chế tối đa việc mất an toàn thông tin, dữ liệu, đảm bảo dễ dàng quản lý, khai thác sử dụng 24/7. Duy trì kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng từ Trung ương với tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm yêu cầu dùng riêng, an ninh, an toàn dữ liệu và dự phòng cao, với 235 điểm cầu trên toàn tỉnh.

Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể Trung tâm CNTT&TT về thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số năm 2024.

 

Trung tâm Dữ liệu tỉnh là nơi tích hợp hệ thống chuyên dụng, bao gồm cả phần cứng và các chương trình phần mềm. Trung tâm Dữ liệu tỉnh có tổng số 51 máy chủ vật lý, trong đó có 3 máy chủ quản trị đám mây và 48 máy chủ dạng phiến; 37 hệ thống thông tin của các sở, ngành được triển khai, vận hành trên nền tảng điện toán đám mây của tỉnh. 

Hệ thống camera giám sát, an ninh trên địa bàn tỉnh với gần 1000 chiếc được quản lý tập trung tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh hoạt động ổn định, giúp cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra và xử lý hiệu quả các vụ việc liên quan đến trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến với 165 điểm cầu phục vụ truyền số liệu giữa các hệ thống thông tin, các cuộc họp với Trung ương cũng như họp nội bộ tỉnh được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin. Hệ thống thư điện tử công vụ với hơn 18.000 tài khoản của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức hoạt động thông suốt, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin. Hệ thống quản lý văn bản điều hành (QLVBĐH) được triển khai tập trung, dùng chung cho cả 3 cấp chính quyền, phát huy hiệu quả cao trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị.

Đoàn viên, thanh niên Trung tâm hỗ trợ người dân thực hiện giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Đối với công tác bảo đảm an toàn thông tin, cán bộ, viên chức Trung tâm thường xuyên rà quét, kiểm tra, đánh giá và xử lý kịp thời các sự cố, sự kiện có nguy cơ tấn công mạng cao, kịp thời đưa ra cảnh báo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương cập nhật bản vá bảo mật. Triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của tỉnh theo mô hình 4 lớp. Lập hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo quy định, tổng số hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý của tỉnh hiện là 38. Số hệ thống thông tin được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được phê duyệt là 36, đạt tỷ lệ 94,7%. Bên cạnh đó, Trung tâm tích cực tham gia các chương trình diễn tập, tập huấn chuyên sâu về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu của tỉnh.

Theo phân tích các sự kiện trên hệ thống giám sát an toàn thông tin, cảnh báo nguy cơ tấn công mạng tỉnh Bắc Ninh giảm đáng kể qua từng năm. Năm 2021, hệ thống giám sát phát hiện 5.288 sự kiện có nguy cơ tấn công mạng ở mức cao; năm 2022 là 3.068 sự kiện; năm 2023 giảm còn 1.123 sự kiện. Tất cả các sự kiện có nguy cơ tấn công mạng đều được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra sự cố đáng tiếc, hệ thống thông tin của tỉnh luôn được bảo đảm thông suốt, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

*Tại chương trình diễn tập quốc tế ACID năm 2024 do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ứng cứu sự cố các nước Đông Nam Á tổ chức, với sự tham gia của cán bộ, viên chức Trung tâm, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 6/250 đội tham dự và thứ 3/63 tỉnh, thành phố.

*Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng Chỉ số an toàn thông tin mạng Bắc Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Các ứng dụng, phần mềm dùng chung do Trung tâm xây dựng, quản trị, vận hành luôn hoạt động ổn định, thông suốt. Trung tâm đã hoàn thiện giải pháp kỹ thuật kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh với hệ thống, phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan Trung ương; xây dựng Hệ thống Cổng Dữ liệu mở tỉnh; tích hợp tính năng ký số, kết nối trục liên thông văn bản quốc gia và chức năng "họp không giấy tờ" trên Hệ thống QLVBĐH, phục vụ hiệu quả công tác xử lý văn bản trên môi trường điện tử và đẩy mạnh chuyển đổi số trong các phiên họp trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được đồng bộ hoàn toàn với hệ thống Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia; đã triển khai chức năng ký số công cộng từ xa và liên thông với Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung qua Nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. Hệ thống còn được kết nối với Hệ thống định danh xác thực điện tử VNeID, phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID từ ngày 1/10/2024. Đến nay, đã có hàng trăm phiếu lý lịch tư pháp của người dân đã được đăng ký qua hệ thống VneID. Bắc Ninh là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước sớm hoàn thành các giải pháp kỹ thuật phục vụ việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID theo Thông tư 06 ngày 19/6/2024 của Bộ Tư pháp.

Để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ các đơn vị trong quá trình tích hợp các DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Hiện đã cung cấp 1.385 DVC trực tuyến/1.817 TTHC (đạt 76,2%), đảm bảo 100% DVC đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình. Tích hợp 1.170 DVC thường xuyên phát sinh hồ sơ lên Cổng DVC quốc gia (tỷ lệ 86%). Đồng thời, triển khai giải pháp tích hợp biên lai điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng trong quá trình thanh toán và thực hiện DVC trực tuyến.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã nghiên cứu và xây dựng thành công các sản phẩm phần mềm phục vụ hiệu quả quá trình chuyển đổi số ở tỉnh, được các cấp chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Nổi bật là Ứng dụng "Phản ánh kiến nghị" tỉnh Bắc Ninh trên thiết bị di động. Ứng dụng đã trở thành kênh tương tác tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, được Bộ TT&TT đánh giá là tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Ứng dụng đã được triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, với 1500 tài khoản, tiếp nhận hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị ở 30 lĩnh vực, tỷ lệ xử lý đạt trên 95%.

Song song với công tác quản trị, vận hành, nghiên cứu phát triển phần mềm, Trung tâm còn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng hiệu quả những tính năng, tiện ích trên các hệ thống dùng chung, sản phẩm phần mềm; giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, hiểu rõ những lợi ích, tiện tích từ chuyển đổi số mạng lại, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng.

Với những kết quả đạt được, Trung tâm CNTT&TT đã khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của ngành thông tin truyền thông cũng như quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Bắc Ninh phát triển nhanh và bền vững trong thời đại số.