Trung tâm dữ liệu xanh trên nền điện toán đám mây

00:00, 02/11/2011

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh, và một nền tảng công nghệ luôn được nhắc đến, rồi dần trở thành xu hướng công nghệ đang được áp dụng rộng rãi, đó là Điện toán đám mây. Mới đây, Intel đã tổ chức Hội thảo “Tầm nhìn Intel về Điện toán đám mây và Trung tâm Dữ liệu Hiệu quả”, và chủ đề chính được đông đảo khách tham dự quan tâm đó là tiến tới xu hướng Trung tâm dữ liệu xanh trong tương lai không xa…

 

Lợi ích từ Điện toán đám mây

 

Không thể phủ nhận, vài năm trở lại đây, những giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) trên nền tảng điện toán đám mây đã được ứng dụng khá phổ biến ở Việt Nam.

 


CNTT thời số hóa chính là nền tảng bền vững, góp phần khẳng định vị trí cho một nước mạnh về CNTT. Không những thế, CNTT còn góp phần giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp. Mô hình điện toán đám mây đang ngày càng minh chứng rõ cho điều này. Điện toán đám mây là mô hình sử dụng các công nghệ máy tính, được phát triển dựa vào mạng Internet, trong đó chủ yếu là để đáp ứng những nhu cầu điện toán của người dùng. 

 

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức chung một bài toán là “làm sao đầu tư hiệu quả nhất nhưng chi phí vận hành bỏ ra lại thấp nhất”. Nắm bắt nhu cầu này, ngày 27/10/2011, một cuộc hội thảo về phương thức nâng cao tính hiệu quả của các trung tâm dữ liệu với công nghệ của Intel đã diễn ra tại Hà Nội. Cuộc hội thảo do Intel và các đối tác gồm Công ty Cổ phần Dịch vụ dữ liệu công nghệ thông tin Vina, Công ty cổ phần công nghệ Igreen và Viện công nghiệp phần mềm, nội dung số Việt Nam phối hợp tổ chức. 

 

Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Nhu cầu tiếp cận và dần làm chủ những giải pháp, công nghệ mới của người dân Việt Nam là rất lớn, và bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây cũng đang gia tăng nhanh chóng. Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều khẳng định như vậy. Tại hội thảo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với các công nghệ điện toán tiên tiến nhất với hiệu quả đầu tư cao, chi phí vận hành tối ưu nhất. Những giải pháp giới thiệu tại hội thảo được đông đảo khách tham dự quan tâm bao gồm: trung tâm dữ liệu chuẩn mở, giải pháp mạng hợp nhất và trung tâm dữ liệu hiệu quả. 

 

Đặc biệt, các chuyên gia về CNTT đã giới thiệu những cải tiến về công nghệ nhằm tiết kiệm điện, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu khí thải, và những giải pháp tối ưu hoá trung tâm dữ liệu. Ông Neilsons Leif - Kiến trúc sư Giải pháp điện toán đám mây Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Các Trung tâm dữ liệu hiện nay được thiết kế hoạt động trong dải nhiệt độ từ 18 đến 21 độ C. Nếu hoạt động trong dải nhiệt độ đó sẽ rất lãng phí điện năng tiêu thụ. Giải pháp mới của Intel là nâng cao nhiệt độ này lên để tiết kiệm chi phí làm mát và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm dữ liệu. Hiện, Intel đang tiến hành thử nghiệm đối với Trung tâm dữ liệu tại Đà Nẵng, và với giải pháp công nghệ mới của Intel, trung tâm dữ liệu tại Đà Nẵng vận hành tốt trong dải nhiệt độ từ 21 đến 27 độ C. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố găng tăng nhiệt độ lên 27 đến 35 độ C. Khi đó sẽ giúp cho đối tác tiết kiệm được một lượng điện năng đáng kể đồng nghĩa với việc tiết kiệm được khá nhiều chi phí tiêu thụ năng lượng, đồng thời giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Thành công từ một thực tế

 

Hiện nay, trên toàn thế giới, hầu hết các thiết bị, máy móc đều chạy bằng điện và lượng điện năng tiêu thụ từ các thiết bị này là vô cùng lớn. Nhiều trung tâm dữ liệu hiện đang sử dụng máy điều hoá để làm mát và mỗi năm chi phí tới 27 tỷ đô la tiền điện. Dự kiến đến năm 2014, con số này sẽ tăng gấp đôi. Và hầu hết các nhà máy, nhà xưởng đều sử dụng điện được cung cấp từ các nhà máy nhiệt điện, hay các nhà máy điện năng lượng than đá, nên khi các thiết bị, máy móc tiêu thụ một khối lượng khổng lồ điện năng, cũng đồng nghĩa với việc chúng phát tán ra môi trường một lượng khí thải rất lớn. 

 

Mặt khác, các máy điều hoà từ các Trung tâm dữ liệu cũng phát ra một lượng lớn khí CFC (loại khí có khả năng làm thủng tầng ô-zôn), ảnh hưởng đến môi trường sống. Bởi vậy, với vai trò là người tiên phong trong lĩnh vực điện toán đám mây và công nghệ điện toán trên thế giới, Intel đang nỗ lực giới thiệu những giải pháp tiết kiệm điện và giảm lượng khí thải ra môi trường. Ngoài ra, những giải pháp CNTT nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ của các mối đe doạ về an ninh thông tin cũng đang được tính đến. Điều đáng mừng là  Intel đang hợp tác với thành phố Đà Nẵng xây dựng một trung tâm dữ liệu với kỳ vọng xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ hiệu quả cho mô hình chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. 

 

Hình mang tính chất minh họa (nguồn: Internet)

Ông Lê Sơn Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng CNTT Đà Nẵng cho biết: Đã Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT với 3 năm liên tục đứng đầu của nước về chỉ số ứng dụng CNTT. Đà Nẵng đang tập trung xây dựng hạ tầng lõi nhằm tạo điều kiện cho công nhân trong các khu công nghiệp tiếp cận được với chính quyền. Mặc dù đã có một trung tâm dữ liệu truyền thống, nhưng nhận thấy tính ưu việt của Trung tâm dữ liệu xanh của Intel, nên Đà Nẵng đã mạnh dạn thử nghiệm và xây dựng Trung tâm dữ liệu này tách biệt hoàn toàn với mô hình cũ. Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng mô hình chính phủ điện tử với lượng giao dịch vài chục ngàn thay vì dưới một ngàn như hiện nay. 

 

Việc làm này của Đà Nẵng đang khẳng định ưu thế của mô hình điện toán đám mây ở Việt Nam. Như nhiều chuyên gia CNTT khẳng định, điện toán đám mây đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu của ngành CNTT trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Mong rằng, mô hình mà Đà Nẵng và Intel hợp tác triển khai thành công sẽ là tiền đề để các địa phương khác tiếp tục ứng dụng, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một chính phủ điện tử mà Việt Nam đang hướng tới trong tương lai không xa.


Một vài hình ảnh ghi nhận:




Ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam: Nhu cầu tiếp cận công nghệ của người dân Việt Nam là rất lớn, và nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đang tăng rất nhanh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam tiếp cận với các công nghệ điện toán tiên tiến nhất với hiệu quả đầu tư cao, cộng với chi phí vận hành tối ưu nhất có thể để mang đến những dịch vụ thực sự hấp dẫn cho người tiêu dùng.

Các diễn giả chia sẻ về Tầm nhìn điện toán đám mây của Intel

Hình ảnh trình chiếu cho thấy, hiện Intel đã phát triển thành công những chip vi xử lý đầu tiên có kích thước chỉ 22nm (hiện trên thế giới phổ dụng vẫn là loại 32nm hoặc 45nm). Với chip vi xử lý kích thước 22nm, đồng nghĩa với việc bạn có thể đặt 4.000 Transistor trên tiết diện một sợi tóc.







Trình diễn giải pháp công nghệ mới từ Intel


Đường xanh trên biểu đồ cho thấy mức điện năng đã giảm đáng kể khi Demo vận hành "Trung tâm dữ liệu xanh"

Một vài hình ảnh khác bên lề Hội thảo:










Cẩm Tú