Trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức luôn đi đầu trong việc ứng dụng CNTT

Thùy Chi 16:50, 11/05/2020

Trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức là một trong những trường luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quản trị trường học, với một hệ thống quản trị các hoạt động trong nhà trường một cách đồng bộ và hiệu quả.

ThS. Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi đã bước đầu chuẩn bị những điều kiện và nghiên cứu cần thiết để hướng tới một môi trường học tập thông minh, một trường học thông minh trong tương lai không xa”.

Việc trao đổi thông tin, triển khai công việc giữa các phòng, khoa, trung tâm trong trường được thực hiện tốt, nhịp nhàng và kịp thời qua hệ thống eOffice của trường. Việc quản trị liên quan đến các hoạt động đào tạo được thực hiện đồng bộ và thống nhất trên hệ thống UIS và hệ thống online của trường.

Báo Khoa học Phổ thông cho biết, mọi đối tượng liên quan trong quá trình đào tạo (khoa chuyên môn, phòng công tác chính trị sinh viên, phòng quản lý đào tạo, sinh viên, phụ huynh học sinh, giảng viên...) đều có quyền truy xuất, tương tác và lấy được những thông tin cần thiết. Sinh viên có thể đăng ký học tập trực tuyến mọi lúc mọi nơi, xem lịch học cá nhân, tự điều khiển tiến độ học tập của mình cho phù hợp, phản hồi công tác giảng dạy của từng giảng viên, xem kết quả học tập của mình... thậm chí nhận các cảnh báo sớm nếu vi phạm nội quy, quy định của nhà trường (nghỉ học, kết quả học tập thấp...).

Với sinh viên, đây thực sự là công cụ hữu hiệu để các em quản lý mọi hoạt động học tập cá nhân của mình trong suốt 2,5 năm học. Với phụ huynh học sinh, hoàn toàn có thể dõi theo mọi hoạt động cũng như kết quả học tập của con em mình.

Tại phòng quản lý đào tạo, mọi hoạt động đào tạo từ lên thời khóa biểu, tiến độ học tập cho từng khoa, lớp học, công bố quy chế, sổ tay học tập, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo... cho đến kiểm soát tiến độ bài giảng đều được thực hiện hiệu quả, đầy đủ trên hệ thống này.

Với giảng viên trực tiếp giảng dạy, có thể thực hiện mọi thao tác quản lý chung của lớp học như theo dõi từng lớp, xem thời khóa biểu, lịch giảng dạy, tạo nhật ký giảng dạy, kết quả giảng dạy, thông tin đến người học, nhận phản hồi từ người học, thực hiện các hoạt động cố vấn học tập, nhập điểm thi, cấm thi... Nhìn chung, mọi hoạt động quản lý và điều hành lớp học đều có thể thực hiện đầy đủ và hiệu quả.

Ngoài ra, những hoạt động trực tiếp trên lớp học (làm bài tập, kiểm tra, tài liệu, hướng dẫn...) của những tiết học cụ thể cũng được quản lý hiệu quả qua hệ thống quản lý học tập Moodle (hệ thống LMS - Learning Management System) và hệ thống NetSchool, qua đó cả giảng viên và sinh viên đều có thể tương tác và thực hiện tốt hoạt động giảng dạy cũng như học tập của mình.

ThS. Nguyễn Thị Lý cho biết, nhận thức rõ xu hướng tất yếu của giáo dục thông minh, từ những năm 2013 trở lại đây, nhà trường đã khuyến khích giảng viên thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhằm từng bước nghiên cứu, thiết lập và triển khai môi trường học tập thông minh tại trường trong tương lai không xa.

Trường đã xây dựng hệ thống tự học thích nghi, là hệ thống cho phép người học có thể học tập theo nhu cầu và sở thích của từng cá nhân dựa trên công nghệ Ontologies: cùng một khóa học, không phải tất cả mọi người đều phải học những nội dung giống nhau, mà tùy theo khả năng, nhu cầu, mục đích của mỗi cá nhân, hệ thống sẽ gửi những nội dung phù hợp nhất đến cho người đó. Như vậy, với sự trợ giúp của hệ thống học tập thích nghi, từng cá nhân tham gia vào khóa học sẽ có một tiến trình học tập riêng, phù hợp với mỗi người.

Trường cũng thực hiện cải tiến hệ thống Moodle cho phù hợp với yêu cầu giảng dạy. Hệ thống LMS - Moodle đang được sử dụng tại trường về cơ bản đáp ứng hầu hết những chức năng quản lý cho các khóa học trực tuyến truyền thống. Tuy nhiên còn nhiều chức năng chưa phù hợp với nhu cầu: khó khăn trong việc đăng ký sinh viên vào các lớp cố định, khó khăn trong việc kiểm soát kết quả bài thi trực tuyến trên mạng... Nghiên cứu này nhằm hoàn thiện hệ thống LMS đang có của trường cho phù hợp với yêu cầu hiện tại.

Xây dựng các bài giảng điện tử theo chuẩn SCORM và có thể tích hợp với hệ thống LMS là một trong những yêu cầu nhà trường đặt ra, toàn bộ giảng viên trong trường đã được tập huấn về cách sử dụng Moodle hiệu quả và các kỹ thuật xây dựng bài giảng điện tử theo chuẩn SCORM.

Các hệ thống eOffice, UIS và online của trường đều tập trung vào các hoạt động nghiệp vụ và đào tạo chung của toàn trường. Tuy nhiên, việc trao đổi và giao việc trong nội tại từng đơn vị thì chủ yếu được thực hiện qua hệ thống email, SMS hoặc các nhóm trên mạng xã hội (Facebook hoặc Zalo, Viber) do vậy vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống giao và nhắc việc thông minh đã được nghiên cứu để giải quyết cho vấn đề đó.

Bên cạnh đó, còn có ứng dụng tìm kiếm việc làm và nhu cầu tuyển dụng (do sinh viên thực hiện). Ứng dụng cho phép người học có thể dễ dàng tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng trên địa bàn (để từ đó có cách học phù hợp) và tìm kiếm các việc làm phù hợp (để tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp).

Thùy Chi (T/h)