Truyền thông về dịch Covid-19, câu chuyện Việt Nam
Chiều 27/11 đã diễn ra phiên toàn thể "Truyền thông về đại dịch Covid-19: Câu chuyện Việt Nam" trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông khoa học: Quản lý hiện tại và tương lai", do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm Thông tin và Truyền thông châu Á (AMIC) tổ chức.
- Trao giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020-2021
- Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị mô hình 4 lớp để bảo vệ hệ thống CNTT
- Sáng 25/11, sẽ diễn ra Lễ Trao Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020 - 2021
- Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng trên báo chí, truyền thông
- Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lý luận chính trị và báo chí - truyền thông
- Quảng bá trang phục truyền thống Việt Nam thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường
Phiên toàn thể có sự tham gia của các diễn giả Việt Nam là chuyên gia và nhà nghiên cứu truyền thông, cùng đại biểu từ nhiều quốc gia khác. Các diễn giả Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong truyền thông về tình hình dịch bệnh; phòng, chống thông tin sai lệch, tin giả về dịch bệnh và truyền thông vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Đây là chủ đề được giới nghiên cứu và dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát thành công ba đợt dịch đầu tiên và đang nỗ lực kiểm soát đợt dịch thứ tư.
Các diễn giả Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong truyền thông về đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu của bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển, đã làm rõ phương thức Chính phủ sử dụng mạng xã hội Facebook để lan tỏa thông tin về đại dịch. Các thông tin về dịch bệnh được cung cấp đầy đủ và cập nhật thường xuyên trên fanpage Thông tin Chính phủ. Công chúng có sự phản hồi tích cực, thể hiện qua việc số lượt thích trang và thích các bài viết tăng dần theo thời gian.
TS. Vũ Thanh Vân, Giảng viên chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng, niềm tin của người dân vào Chính phủ có vai trò quan trọng trong đại dịch Covid-19. Nghiên cứu 1.260 người từ ba miền Bắc, Trung và Nam của TS. Vũ Thanh Vân cho thấy, người dân có niềm tin với nỗ lực phòng, chống dịch của Chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh ba đợt dịch đầu tiên được kiểm soát thành công. Chính niềm tin của công chúng vào Chính phủ góp phần thúc đẩy người dân chung tay phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm túc quy định của chính phủ như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội...
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu từ nhiều quốc gia.
TS. Nguyễn Văn Thanh Long, Giảng viên chính, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng thành công các nền tảng truyền thông khác nhau để có được lòng tin từ công chúng mục tiêu. Thực tiễn truyền thông của chính phủ cho thấy, thông tin rõ ràng, nhất quán và chính xác về đại dịch là rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng và định hướng hành vi phòng, chống dịch.
TS. Long cũng cho rằng, việc phối hợp cả phương tiện truyền thông mới và phương tiện truyền thông truyền thống đem lại thành công trong việc ứng phó với đại dịch. Những người nổi tiếng cũng có ảnh hưởng nhất định trong việc chia sẻ, lan tỏa thông tin về dịch bệnh đến công chúng. Các clip ca nhạc vui nhộn như “Ghen Côvy” giúp truyền đi thông điệp hiệu quả về hành vi phòng chống dịch.
PV (T/h)