TS. Lê Quang Huy: Doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong sứ mệnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Sứ mệnh của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng không chỉ là của những người làm khoa học công nghệ, năng lượng, môi trường hay các nhà hoạch định chính sách mà của tất cả các chủ thể. Trong đó. phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của các doanh nhân và doanh nghiệp...
Theo TS. Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Trí Phong
Chiều ngày 16/10, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”.
Phát biểu chào mừng diễn đàn, TS. Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá cao sáng kiến Diễn đàn kinh tế mới và việc tiên phong của các cơ quan báo chí, cơ quan nghiên cứu kinh tế trong việc tổ chức diễn đàn với sự hội tụ của đông đảo các bên liên quan.
Theo ông, đây là cơ hội để các bên liên quan bàn thảo về những xu hướng mới, mô hình kinh tế mới và động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế là hết sức cần thiết và có nghĩa quan trọng, không chỉ với quá trình thực thi chính sách pháp luật mà còn giúp các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách kịp thời nắm bắt thực tiễn, làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Theo ông Huy, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình với động lực tăng trưởng mới chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo công nghệ và nỗ lực thực hiện quá trình chuyển đổi.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, tạo sự đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo xu hướng mới, mô hình kinh tế và kinh doanh mới và tạo ra cạnh tranh mới, thách thức mới với mọi quốc gia.
"Đây là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Do đó, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải hết sức chủ động thích ứng, bắt nhịp để phát huy hiệu quả tính đột phá của cuộc cách mạng này, nhằm giải quyết các bài toán quốc gia về tăng trưởng và phát triển bền vững", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ.
Tạo mọi điều kiện cho quá trình chuyển đối số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng
Theo ông Huy, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sớm và rất rõ về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, về thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng và đang ban hành nhiều chính sách chỉ đạo, định hướng quá trình phát triển của đất nước.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đại hội XIII cũng khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là những trụ cột để phát triển nhanh, bền vững, đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế.
Trước đó, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các nghị quyết, kế hoạch hành động.
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, một trong những quan điểm chỉ đạo là phát triển đồng bộ và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
Trong các chủ trương, chính sách đã đề ra, Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của người dân và doanh nghiệp. Trong Nghị quyết số 55 về định hướng phát triển năng lượng nêu rõ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng.
Các đại biểu tham dự diễn dàn - Ảnh: Trí Phong
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng khẳng định Nhà nước ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành và lĩnh vực, có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp, các chủ thể quyết định, tham gia cuộc các mạng lần thứ tư.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số…
Gần đây, tại hội nghị của thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn, về giải pháp góp phần phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong, trong đó có thúc đẩy ứng dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó là tiên phong về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khó khăn vướng mắc, phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng.
Chỉ riêng liên quan tới chuyển đổi số và thúc đẩy chuyển đổi số, thống kê sơ bộ cho thấy từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã ban hành 3 luật, 2 nghị quyết của Chính phủ, 19 nghị định, 21 quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, có tác động điều chỉnh trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy chuyển đổi số.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm tra, giám sát liên quan tới xây dựng và thực thi chính sách pháp luật liên quan tới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian qua, Ủy ban đã thẩm tra, chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội ban hành nhiều luật quan trọng liên quan đến chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch Điện tử sửa đổi, Luật Viễn thông sửa đổi.
Tại kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào ngày 21/10 tới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự án Luật Điện lực sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong năm 2025, dự kiến Quốc hội sẽ xem Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đề nghị của Chính phủ.
3 tiêu chuẩn: Môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp
"Thời gian qua, chúng tôi hết sức chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn đó do nhiều yếu tố chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19, chiến tranh, cạnh tranh địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu.
Theo ông, trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải dối diện với những thách thức chung như chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, net zero trong phát triển năng lượng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong xuất khẩu sản phẩm vào EU, Cơ chế chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), luật thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo dòng chảy thông tin, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…
Toàn cảnh diễn đàn.
Bên cạnh đó là các khó khăn cụ thể như nguồn vốn, tài chính xanh, nhân sự có chuyên môn và lộ trình, cách thức tiến hành, thói quen kinh doanh, công nghệ và các giải pháp kỹ thuật cụ thể…
"Sứ mệnh của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng không chỉ là của những người làm khoa học công nghệ, năng lượng và môi trường, của nhà hoạch định chính sách mà của tất cả các chủ thể. Trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của các doanh nhân và doanh nghiệp", ông Huy nhấn mạnh.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mong muốn các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp…, từ thực tiễn kinh doanh với trí tuệ và kinh nghiệm, tập trung thảo luận, đánh giá các khó khăn thách thức; đề xuất các giải pháp; đặc biệt chú ý 3 tiêu chuẩn là môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất, kiến nghị cụ thể với Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương những vấn đề có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, chương trình diễn đàn được chuẩn bị công phu và chất lượng tốt, với sự nhiệt thành tham dự và tham gia của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các tổ chức hiệp hội ngành hàng trong nước, quốc tế và đặc biệt là thế mạnh nền tảng truyền thông đa phương tiện của các cơ quan báo chí.
Do đó, ông tin rằng diễn đàn sẽ có sức lan tỏa rộng khắp và tạo thêm các động lực để phát huy sức mạnh cộng hưởng trong hành động hướng đến mục tiêu chung, mục tiêu thịnh vượng và phát triển bền vững.