Từ 2026, KOL/KOC muốn bán hàng buộc phải được đào tạo về thương mại điện tử
Theo Luật Thương mại điện tử sửa đổi (sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2025), từ 2026, KOL/KOC sẽ bắt buộc tham gia các khóa đào tạo về pháp luật thương mại điện tử và chỉ được cấp giấy chứng nhận hoạt động livestream sau khi hoàn thành.
Theo thông tin tại sự kiện với chủ đề "Fun Selling - Sustainable Growing" (Bán hàng vui vẻ - Tăng trưởng bền vững), Luật Thương mại điện tử sửa đổi (sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2025 và có hiệu lực từ năm 2026) đặt ra nhiều yêu cầu mới để siết chặt hoạt động livestream bán hàng của KOL/KOC.
Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (Bộ Công Thương) chia sẻ, khi luật được thông qua, KOL/KOC được xác định là “người bán hàng”, chịu trách nhiệm pháp lý tương tự người bán truyền thống nếu vi phạm, như quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả hoặc hàng không rõ nguồn gốc. Để được livestream, họ phải cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm cho nền tảng. Trường hợp thuê người khác livestream, thông tin vẫn phải đầy đủ, minh bạch.
Từ năm 2026, KOL/KOC sẽ bắt buộc tham gia các khóa đào tạo về pháp luật thương mại điện tử và chỉ được cấp giấy chứng nhận hoạt động livestream sau khi hoàn thành. Chế tài vi phạm nghiêm khắc: tùy mức độ, có thể bị đình chỉ hoạt động, khóa tài khoản hoặc buộc đào tạo lại.
Không chỉ là người bán, KOL/KOC còn không được “lẩn tránh trách nhiệm”. Các nền tảng thương mại điện tử chịu trách nhiệm liên đới nếu để lọt hàng giả, hàng nhái; phải kiểm duyệt nội dung, xác thực danh tính người bán, lưu trữ dữ liệu ít nhất 3 năm và gỡ thông tin sai phạm trong vòng 24 giờ.
Những quy định mới hướng tới mục tiêu ngăn chặn tình trạng hàng giả tràn lan, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, hứa hẹn mang lại sự minh bạch, chuyên nghiệp và có trách nhiệm hơn cho thương mại điện tử Việt Nam.