Tương lai phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam qua góc nhìn của CEO Trương Anh Tuấn

14:35, 13/10/2022

Khi nhắc đến tên Trương Anh Tuấn, người trong giới CNTT đều biết đến anh với vai trò là một trong những thành viên sáng lập, phó Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), đồng thời là CEO Công ty Cổ phần Giải Pháp Thông Tin (iWay) - một trong những công ty tiên phong trong việc ứng dụng, phát triển và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam.

Hiện nay trên thế giới, phần mềm tự do nguồn mở đang đóng vai trò then chốt, không thể thay thế trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, và là đầu tầu đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên phần mềm tự do nguồn mở vẫn chưa thực sự được đánh giá và khai thác hết tiềm năng, hiệu quả tại thị trường Việt Nam. Vậy làm thế nào để phần mềm tự do nguồn mở thật sự được phát triển trong tương lai? 

PV: Chào anh, xin được bắt đầu cuộc trò chuyện về việc thành lập iWay khi mà tôi được biết cách đây 20 năm anh có một công việc rất ổn định và đáng mơ ước với nhiều người nhưng anh đã quyết định rời khỏi một công ty công nghệ rất lớn thời điểm đó để thành lập iWay?

Ông Trương Anh Tuấn: Vâng, đúng là cách đây gần 20 năm, tôi đang có công việc rất ổn định tại một công ty công nghệ rất lớn, lúc đó tôi được tham gia vào nhiều dự án lớn và cuối cùng là một dự án liên quan đến nguồn mở là Linux Việt, sau đó vì một số lý do dự án đó dừng lại còn tôi thì không muốn dừng, vì thế tôi với một vài người bạn quyết định mở công ty iWay với sứ mệnh tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, cung cấp dịch vụ liên quan đến phần mềm tự do nguồn tự do mở tại Việt Nam. Thấm thoắt đã hơn 18 năm, có thể iWay chưa làm được nhiều, chưa phải là một công ty công nghệ lớn nhưng chúng tôi có thể tự hào iWay là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực phần mềm tự do nguồn tự do mở tại Việt Nam, chúng tôi đã có nhiều đóng góp nhất định và được ghi nhận trong cộng đồng phần mềm tự do nguồn tự do mở toàn cầu và đã góp phần cung cấp những giải pháp, dịch vụ phần mềm tự do nguồn tự do mở tiên tiến mang giá trị Việt.

Anh Trương Anh Tuấn - CEO Công ty Cổ phần Giải pháp thông tin iWay.

PV: Tại sao anh lại lựa chọn lĩnh vực phần mềm tự do nguồn mở - một lĩnh vực có tốc độ và khả năng phát triển được đánh giá là chậm hơn các lĩnh vực khác tại Việt Nam? Anh có nghĩ rằng đây là một bước đi mạo hiểm hay không?

Ông Trương Anh Tuấn: Một trong những thứ được định hình từ đầu của iWay là phát triển các giải pháp hữu ích cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam dựa trên phần mềm tự do nguồn tự do mở dù trước đó trong vòng 4-5 năm, tôi đã có dịp tham gia nhiều dự án liên quan đến phần mềm nguồn mở, nhưng phần lớn đều chưa làm việc trực tiếp, đóng góp với cộng đồng. Ban đầu, mọi thứ đều mới mẻ và đầy rẫy khó khăn, chỉ sau khi tham gia trực tiếp vào các dự án trên thế giới, tiếp cận với cộng đồng quốc tế thì tôi phát hiện ra dự án nguồn mở mà mình đang làm không đúng cách mà rộng hơn là ở Việt Nam hầu hết chưa ai làm đúng. Có lẽ cách đây 18 năm trước thì đây chính là kiểu đầu tư mạo hiểm mà nhiều người vẫn nói đến (cười). Lúc đó, tôi chỉ có sự nhiệt huyết và khả năng kỹ thuật, mà lại thiếu đi sự am hiểu về thị trường. Thực tế thì hiện nay cũng có rất nhiều các công ty phần mềm phát triển mạnh mẽ, nhưng thường là tham gia vào chuỗi xuất khẩu phần mềm (hay xuất khẩu lao động phần mềm) vì có những lợi thế về giá nhân công rẻ, cũng như sự sáng tạo và chăm chỉ của người Việt Nam. Còn mình thì đi theo một con đường gai góc hơn, phát triển những sản phẩm thực sự hữu ích cho xã hội, mang giá trị Việt thật sự (Make in Việt Nam) và vươn tầm ra thế giới. Chính vì thế, để không bị đào thải khỏi thị trường cạnh tranh, mình phải điều chỉnh hướng đi. Xuất thân từ một người chỉ học và làm về kỹ thuật thuần túy, tôi tìm kiếm những đồng nghiệp giỏi các lĩnh vực kinh doanh, phát triển thị trường... cùng tham gia công ty. Phải định hình các sản phẩm, giải pháp về nguồn mở mà phù hợp với khách hàng và thị trường Việt Nam, ứng dụng được một cách bài bản và rõ ràng hơn. Trong vòng 5-7 năm gần đây, iWay đã có những bước tiến triển tốt cả về kỹ thuật và cung cấp dịch vụ, đem lại những giá trị thực, lớn hơn cho doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đang có chỗ đứng và mức độ phát triển tương đối ổn định, và cũng đang trong quá trình liên tục cải tiến.

PV: Anh và iWay đã có những sản phẩm và thành tích như thế nào trong việc phát triển và mở rộng phần mềm tự do nguồn mở? 

Ông Trương Anh Tuấn: Sau những đóng góp nhỏ cho các dự án nguồn mở giai đoạn mới thành lập công ty, tiếp theo iWay đã tham gia tích cực vào Fedora Project - một dạng LINUX distribution gần như phổ biến nhất trên thế giới, sau đó iWay tiếp tục tham gia vào dự án Zimbra, một dự án về thư điện tử nguồn mở có thể coi là một giải pháp hoàn hảo để thay thế cho Gmail hay Microsoft. Đến nay ở Việt Nam, cứ 10 người ứng dụng LINUX để làm máy chủ thì có đến 9 người dùng Redhat, rồi cứ 10 người dùng nguồn mở làm email thì có đến 5,7 người dùng Zimbra, thống kê đó cho thấy tính hữu dụng của 2 dự án này đối với người Việt. Trong quá trình cùng đồng hành phát triển các dự án PMTDNM lớn này, chúng tôi kết nối, gặp gỡ và cùng hợp tác với các công ty nguồn mở tầm cỡ thế giới. Cách đây hơn hai năm, iWay đã ký một hợp tác chiến lược quan trọng với Zextras - một công ty lớn đến từ Ý, tích hợp Zimbra lớn nhất châu Âu và hợp tác chiến lược này nhằm đưa sản phẩm Zimbra kèm theo Zextras Suite đến với thị trường Việt Nam. Vào đầu năm nay, khi có quyết định của Google về việc khai tử Google Legacy Free, cũng như mong muốn xây dựng một dịch vụ thư điện tử mang đấu ấn Việt, có máy chủ đặt tại Việt Nam nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng Quốc gia, iWay đã phối hợp cùng với Zextras mở ra một dịch vụ thư điện tử mới mang tên Email+ từ những giải pháp nguồn mở chạy ở Việt Nam và cung cấp cho khách hàng dưới dạng Cloud.

Hợp tác giữa Zextras và iWay với giải pháp thư điện tử và liên lạc tích hợp Email+.

Bên cạnh đó, ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã tập hợp và vận động những người đồng chí hướng để thành lập Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) và chúng tôi đã có những hoạt động tích cực trong việc, tuyên truyền, quảng bá về phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam, không chỉ thay đổi nhận thức của mọi người về phần mềm tự do nguồn mở mà chúng tôi còn góp phần thay đổi sự cách làm, cách triển khai phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam. Cần hiểu rằng nếu muốn nắm chắc về các dự án thì phải tham gia vào quá trình sản xuất, thiết kế ra sản phẩm chứ không chỉ đọc tài liệu và chỉ hiểu sơ qua bên ngoài. Những đóng góp mang tính nhỏ bé, thầm lặng về mặt kỹ thuật và phát triển cộng đồng của iWay dần dần được biết đến, giúp thay đổi nhận thức của xã hội Việt Nam về phần mềm tự do nguồn mở. Trước đây, người ta nghĩ rằng làm phần mềm nguồn mở là làm free (miễn phí), rồi mãi về sau mới hiểu rằng để có những sản phẩm chất lượng thì những người làm về phần mềm tự do nguồn mở đã phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực và kiến thức. Những ai đang dùng sản phẩm mà chưa bỏ tiền ra hoặc chỉ bỏ tiền ra cho những nhà cung cấp dịch vụ theo kiểu chỉ đọc tài liệu thì khi tìm đến chúng tôi sẽ được phục vụ tốt hơn, chuyên sâu hơn và ứng dụng một cách hiệu quả hơn. 

Như đã khẳng định ở trên, có thể vẫn còn nhiều việc chưa làm được nhưng có thể nói ở Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, iWay tự hào đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển phần mềm tự do nguồn mở.

CEO Trương Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo “Khoa học và Công nghệ mở - Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” của VFOSSA.

PV: Vậy sắp tới, iWay có những dự định gì để tiếp tục phát triển những sản phẩm kể trên, cũng như những kế hoạch mới để lĩnh vực này được tiếp cận nhiều hơn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Trương Anh Tuấn: Tiếp nối những cam kết từ ngày thành lập công ty, với mong muốn đóng góp phát triển các ý tưởng, dự án phần mềm tự do nguồn mở hữu ích cho tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới, hiện tại chúng tôi đang tích cực tham gia vào một số dự án quan trọng có thể kể đến như Zimbra, Carbonio (hợp tác với Zextras), Fedora Linux, Ansible Automation (hợp tác với Red Hat) và nhiều dự án PMTDNM do chính iWay là sáng lập, đồng sáng lập... Nói riêng về Carbonio, dự án phần mềm hệ thống Email tách nhánh từ Zimbra. Kể từ khi công ty Zimbra được mua lại và có nhiều động thái giảm bớt mức độ mở của dự án, Zextras đã cùng iWay và nhiều thành viên cộng đồng chuyển hướng phát triển, đảm bảo duy trì tính mở ở mức cao nhất cho dự án Zimbra, bao gồm việc duy trì bản đóng gói Zimbra 9 Open Source, duy trì phát triển các phần mở rộng tính năng cho Zimbra và bước tiến tới cuối cùng  là tách nhánh thành một dự án phần mềm tự do nguồn mở độc lập mang tên Carbonio, việc làm này tương tự các chuỗi sự kiện cộng đồng LibreOffice và MariaDB đã khai sinh khi Oracle (sau khi mua lại Sun Micro Systems) chủ trương không duy trì tính mở cao nhất với OpenOffice và MySQL.

Dự án nguồn mở mới Carbonio của Zextras.

Carbonio ra đời với 80-90% gốc là Zimbra nhưng phát triển thêm những thứ mà Zimbra đã đóng lại. iWay đã và đang tham gia sâu vào dự án này. Buổi họp giữa đội kỹ thuật iWay và Zextras ngày 10/10 vừa qua, hai bên đã bàn về tích hợp thêm OpenPGP vào Carbonio Webmail (cũng dựa trên module tích hợp OpenPGP iWay đã phát triển trong dự án Zimbra). Thực tế thì chúng tôi có thể tự làm, nhưng rất muốn đồng hành và có sự đồng ý của Zextras để được quyền truy cập vào những phần thô, chưa phát hành (internal resource) chứ không phải chỉ những thứ đã được công khai.

PV: Theo anh, phần mềm tự do nguồn mở liệu có một tương lai tươi sáng tại thị trường Việt Nam?

Ông Trương Anh Tuấn: Trong 10 năm trở lại đây, đã có một số chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như cách triển khai phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến cộng đồng, tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay phần mềm tự do nguồn mở vẫn chưa được hiểu, đánh giá đúng và khai thác hiệu quả tại Việt Nam.

Ví dụ đầu tiên là khi áp dụng phần mềm tự do nguồn mở mọi người đều chỉ nghĩ đơn giản là miễn phí và do đó coi là phần mềm không có bản quyền nhưng thực tế phải hiểu rằng phần mềm tự do nguồn mở nói chung (trừ phần đặt ở public domain - mã nguồn cho tải về tự do không kèm giấy phép hoặc giấy phép không kèm theo bất cứ ràng buộc gì) đều là phần mềm có bản quyền, có tác giả, có giấy phép sử dụng quy định các ràng buộc khi sử dụng, thay đổi và phân phối phần mềm. Vì thế cần phải có những điều chỉnh, quy định pháp luật để phần mềm tự do nguồn mở là phần mềm có bản quyền, được bảo vệ bởi Luật Sở hữu trí tuệ, cần có văn bản pháp quy thừa nhận các giấy phép Phần mềm nguồn mở(do FSF hoặc OSI cấp hoặc phê chuẩn) được pháp luật Việt Nam bảo hộ nhằm bảo vệ các phần mềm nguồn mở được phân phối theo các giấy phép này trên lãnh thổ Việt Nam.

Một ví dụ nữa là khi triển khai phần mềm tự do nguồn mở thì mọi người đều nghĩ là không mất phí hoặc mất phí rất ít nhưng thực tế khi áp dụng phần mềm tự do nguồn mở thì chỉ không mất phí giấy phép sử dụng, song vẫn phải "mua" nhiều thứ: tư vấn, tùy biến (nếu cần thiết), cài đặt, huấn luyện, chuyển đổi, bảo hành, bảo trì, đây chính là các gói dịch vụ khác nhau đi kèm và các tổ chức, doanh nghiệp có thể chọn mua các gói mà mình không tự làm được hoặc tự làm đắt hơn. Cũng chính vì thế, các tổ chức doanh nghiệp cần nhận thức rằng đầu tư ban đầu cho áp dụng phần mềm tự do nguồn mở tại một cơ quan hay doanh nghiệp đôi khi không kém, thậm chí có trường hợp còn nhỉnh hơn việc mua sắm một giải pháp thương mại đóng gói tương đương, tuy nhiên lợi ích lâu dài của việc áp dụng phần mềm tự do nguồn mở là rất lớn, cụ thể là giảm phụ thuộc vào một nhà cung cấp độc quyền, có thể làm chủ công nghệ để phát triển bền vững, phát huy nội lực, giảm "chảy máu" chất xám và ngoại tệ, đảm bảo an toàn, an ninh theo quy định của pháp luật.

Tôi nghĩ bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, quảng bá, đào tạo để nâng cao nhận thức cũng như hiểu về cách làm phần mềm tự do nguồn mở mà VFOSSA đang rất tích cực làm thì Chính phủ và Bộ ban ngành liên quan cần có chiến lược quốc gia về phần mềm tự do nguồn mở, có những điều chỉnh chính sách và pháp luật nhằm bảo vệ các phần mềm nguồn mở được phân phối theo đúng pháp luật Việt Nam và các Quy định Quốc tế.

Việt Nam tuy có thể là đã đi sau nhưng may mắn là cũng đã nhận ra và từng bước bắt kịp các bước phát triển trên thế giới và tôi tin rằng phần mềm tự do nguồn mở chính là một kho tàng quý giá, tài sản trí tuệ miễn phí của nhân loại có thể giúp ích cho Việt Nam nhanh chóng làm chủ công nghệ, tận dụng tri thức và kỹ năng của thế giới nguồn mở để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình chuyển đổi số một cách bền vững, tự chủ và an toàn và tạo ra những sản phẩm, giải pháp mang giá trị Việt “Make in Việt Nam”. 

Nguyệt Hằng