Tỷ phú công nghệ Elon Musk sẽ thử nghiệm cấy chip vào não người vào năm sau
Tỷ phú công nghệ Elon Musk mới đây cho biết quá trình cấy ghép chip máy tính vào bệnh nhân bị liệt sẽ diễn ra năm 2022.
Theo đài RT (Nga), phát biểu tại một sự kiện do Wall Street Journal tổ chức vào đầu tuần này, ông Elon Musk cho biết thiết bị cấy ghép não, đã được sử dụng thành công trên động vật như lợn và khỉ, sẽ sẵn sàng để thử nghiệm trên người thật vào năm 2022.
“Neuralink đang hoạt động tốt ở khỉ. Chúng tôi đang tiến hành rất nhiều thử nghiệm và xác nhận rằng nó rất an toàn và đáng tin cậy. Thiết bị Neuralink có thể được tháo ra một cách an toàn”, ông nói.
Công ty Neuralink đã thử nghiệm cấy chip ở khỉ nhưng Musk cho rằng áp dụng thành công công nghệ trên ở người vẫn là một thách thức lớn.
Ông Elon Musk hy vọng thiết bị này sẽ hoạt động tốt khi thử nghiệm trong cơ thể của các tình nguyện viên đầu tiên vào năm tới, sau khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ là những người bị chấn thương tủy sống nghiêm trọng, người bị liệt tay – chân, hoặc người bị liệt cả tứ chi.
Trong một bài viết được đăng vào hôm 7/12, ông Elon Musk nói thêm rằng công ty của ông hy vọng thiết bị này sẽ giúp thay thế các tế bào thân kinh não “bị lỗi” hoặc “bị khuyết”. Ông cũng lưu ý rằng nhiều bệnh lý có thể được giải quyết chỉ bằng cách bắc cầu tín hiệu giữa các tế bào thần kinh hiện có.
Tỷ phú công nghệ cũng nói rằng các quy tắc của FDA không phải là một trở ngại lớn, vì các tiêu chuẩn riêng của Neuralink để cấy thiết bị vào cơ thể con người “về cơ bản là cao hơn” so với những gì cơ quan liên bang yêu cầu. Điều này cho thấy chậm trễ trong thử nghiệm có thể là lý do kỹ thuật chứ không phải do quy định.
Là một trong số các dự án gây tranh cãi của tỷ phú giàu nhất thế giới, chip Neuralink hoạt động bằng cách cấy điện cực vào vùng não bộ kiểm soát chuyển động tự nguyện, sau đó nối với mạng lưới lớn hơn gọi là Link, phụ trách xử lý, kích thích và truyền tín hiệu thần kinh. Thiết bị sử dụng sạc không dây ở bên ngoài và kết nối không dây với thiết bị cho phép người sử dụng điều khiển mà không cần chạm vào. Theo Neuralink, hệ thống điện cực này tinh vi đến mức công ty phải phát triển riêng một hệ thống robot để cấy thiết bị vào vị trí chính xác.
Neuralink không phải công ty duy nhất phát triển thiết bị giao diện não - máy tính. Hồi tháng 4 năm ngoái, một thiết bị do công ty BrainGate phát triển cho phép bệnh nhân bại liệt điều khiển máy tính bằng trí não và kết quả rất hứa hẹn. Cả BrainGate và Neuralink đều dựa vào kết nối không dây để thiết bị trở nên khả thi hơn trong đời sống hàng ngày.
Chân Hoàn (T/h)