Ứng dụng Blockchain trong Chính phủ điện tử
Hiện nay, tuy các nền tảng blockchain phổ biến được thiết kế với mục đích chủ yếu xoay quanh việc quản lý tiền và các tài sản mã hóa, nhưng công nghệ này có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong số những ứng dụng nổi bật nhất của công nghệ blockchain là hỗ trợ Chính phủ điện tử, mang đến nhiều thay đổi tích cực cho lĩnh vực công.
Trọng điểm của công nghệ blockchain nằm ở khả năng quản trị dữ liệu một cách toàn vẹn, minh bạch và có độ tin cậy cao. Khả năng quản trị dữ liệu này được xem là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu thí điểm và triển khai mô hình Chính phủ điện tử tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Phân quyền và toàn vẹn dữ liệu
Các hệ thống blockchain được thiết kế nhằm mục đích đạt đến mức độ bất biến cao. Chúng có thể được tùy chỉnh để đảm bảo rằng thông tin lưu trữ trên blockchain chỉ có thể được truy cập hoặc được sửa đổi bởi các bên được ủy quyền.
Trên thực tế, các cơ quan quản lý khác nhau có thể đóng vai trò là tổ chức xác thực, mỗi tổ chức đóng góp vào quá trình phân phối và xác minh dữ liệu. Điều này sẽ làm giảm đáng kể khả năng giả mạo dữ liệu và gian lận.
Các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức dân sự cũng có thể cùng tham gia vào mạng lưới blockchain dưới vai trò thành viên xác thực. Cơ chế này cho phép thiết lập mức độ phân quyền linh hoạt hơn, đồng thời hạn chế những lỗi phổ biến trong quá trình nhập liệu hay đối chiếu thông tin truy xuất.
Ứng dụng Blockchain trong Chính phủ điện tử
Bầu cử công bằng và cởi mở là một trong những nền tảng của nền dân chủ. Mức độ bất biến cao của blockchain giúp nó trở thành một giải pháp tuyệt vời để đảm bảo rằng phiếu bầu không thể bị can thiệp. Ngoài việc nâng cao tính bảo mật cho việc bỏ phiếu tại các địa điểm bỏ phiếu, blockchain còn có khả năng khiến việc bỏ phiếu trực tuyến an toàn trở thành hiện thực. Việc tiểu bang West Virginia đã thí điểm là ví dụ thực tế về một hệ thống như vậy trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 của Hoa Kỳ.
Minh bạch
Cơ sở dữ liệu blockchain có thể được sử dụng để lưu trữ và bảo vệ hồ sơ của chính phủ khiến không ai có thể thao túng hoặc che giấu thông tin. Blockchain có thể phân phối quá trình xác minh và lưu trữ dữ liệu cho nhiều bên, nhờ đó có thể phân cấp quyền lực một cách hiệu quả. Blockchain có thể được sử dụng như một cơ sở dữ liệu minh bạch giúp làm giảm (hoặc loại bỏ) nhu cầu tin tưởng giữa các cơ quan chính phủ và dân thường.
Hiện nay, một số quốc gia châu Âu đang xem xét khả năng lập các sổ đăng ký dựa trên blockchain để giảm bớt các tranh chấp tài sản. Mô hình này có thể dựa trên một hệ thống phân tán mà cả các cơ quan chính phủ và người dân có thể truy cập và xác minh, mỗi bên có thể giữ một bản sao các tài liệu và yêu cầu chính thức một cách an toàn.
Ngoài ra, các blockchain phân quyền có thể cung cấp quyền truy cập vĩnh viễn vào các hồ sơ mà các quan chức thực thi pháp luật và các tổ chức giám sát có thể cần sử dụng để phát hiện ra các vụ việc tham nhũng hoặc lạm quyền. Bằng cách giảm hoặc loại bỏ sự cần thiết của các trung gian trong chia sẻ dữ liệu và giao dịch tài chính, các hệ thống blockchain cũng có thể ngăn chặn việc các quan chức chính phủ che giấu hành vi sai trái bằng cách chuyển tiền thông qua một loạt các công ty tư nhân mờ ám.
Tăng mức độ hiệu quả
Một lý do khác để sử dụng blockchain trong quản trị là để giảm chi phí vận hành bằng cách tối đa hóa hiệu quả công việc của các tổ chức quốc gia. Các hệ thống blockchain và hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để tự động hóa các nhiệm vụ và quy trình công việc. Hiệu quả cao hơn và chi phí thấp hơn có thể giúp các cơ quan quản lý đạt được xếp hạng chấp thuận cao hơn. Bằng cách cắt giảm chi phí vận hành, chính phủ có thể đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực khác, chẳng hạn như giáo dục, an ninh và y tế công cộng.
Công nghệ blockchain cũng có thể được áp dụng trong một lĩnh vực quản trị quan trọng khác là thu thuế. Sổ cái dựa trên blockchain có thể dễ dàng di chuyển tiền giữa các bên theo các điều kiện đặt trước. Điều này có thể giúp cắt giảm đáng kể những chi phí hành chính liên quan đến việc thu và phân phối tiền thuế và thi hành các luật lệ về thuế. Chẳng hạn, bằng cách lưu trữ hồ sơ và xử lý lợi nhuận trên các blockchain riêng, các cơ quan thu thuế cũng có thể bảo vệ người nộp thuế khỏi gian lận hoặc ăn cắp danh tính.
Ví dụ thực tế
Estonia được xem là hình mẫu hàng đầu về việc triển khai Chính phủ điện tử. Theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới, khi quốc gia này bắt đầu sử dụng thẻ công dân điện tử vào năm 2002, họ đã vượt qua khoảng cách số bằng sự phối hợp giữa chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. Có nhiều lý do đưa hệ thống Chính phủ và Xã hội điện tử của Estonia đến thành công, nhưng hai điểm nổi bật nhất có thể kể đến là tính phi tập trung hóa và tính bảo mật của nền tảng.
- Phi tập trung hóa kết hợp với khả năng kết nối giữa các hệ thống bằng việc sử dụng phương pháp lưu trữ dữ liệu phân tán; mỗi bên tham gia (các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và thậm chí cả những cá nhân) có quyền tự do chọn hệ thống sử dụng và hoạt động với nguyên tắc tất cả các hệ thống tham dự phải có thể làm việc với nhau vào thời điểm phù hợp.
- Lựa chọn cách tiếp cận nền tảng mở, bảo mật: mục đích là mọi tổ chức hay cá nhân có thể sử dụng cơ sở hạ tầng khóa công khai được cung cấp.
Theo Tạp chí An toàn thông tin