ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ Ở LAI CHÂU
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 về việc “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 17 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025”, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hiệu lực hoạt động của cấp chính quyền, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai 3 cấp (từ cấp xã đến cấp tỉnh) kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, thiết lập cho 50 cơ quan, đơn vị, với 8098 tài khoản được thiết lập để gửi nhận văn bản điện tử. Hệ thống không chỉ đáp ứng trao đổi gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước mà còn cho các hội, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến 31/12/2019, số lượng văn bản điện tử gửi nhận qua hệ thống trong nội bộ tỉnh và liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia đã đạt tới 1.366.349 văn bản điện tử, trong đó 1.195.019 văn bản đến, 171.330 văn bản đi. Trong đó 4000 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã được cấp hộp thư công vụ và thường xuyên sử dụng trong trao đổi công việc, đảm bảo an toàn và bảo mật trong giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
Việc triển khai, áp dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử đã được tỉnh kiên quyết thực hiện theo tinh thần quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Chính phủ. Tính đến 31/12/2019 tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cấp 1753 chữ ký số, trong đó 1265 chữ ký số cá nhân, 488 chữ ký số của tổ chức. Tích hợp chữ ký số trên sim và trên các hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử, Hệ thống thanh toán tài chính của Kho bạc, Bảo hiểm…
Cổng dịch vụ công tích hợp một cửa điện tử tỉnh đã triển khai thống nhất trong toàn tỉnh tại địa chỉ dichvucong.laichau.gov.vn, đăng tải 2081 dịch vụ công, trong đó 1950 dịch vụ công mức độ 1, 2; 59 dịch vụ công mức độ 3; 72 dịch vụ công mức độ 4; Tại đây công dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh chóng thuận tiện việc nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu thủ tục, nhận kết quả… của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tổng số hồ sơ tiếp nhận từ 01/01/2019 đến 20/11/2019: 195.948 hồ sơ, tổng số hồ sơ qua DVC trực tuyến mức độ 3, 4: 21.140 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn toàn tỉnh đạt trên 95%. Việc triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công - Hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
100% các mục trong danh mục của Cổng thông tin điện tử được cập nhật đầy đủ; các tin tức sự kiện, văn bản pháp quy, thủ tục hành chính, thông báo… được cập nhật liên tục, kịp thời, đúng quy định tại Nghị định số 43 ngày 13-6-2011 của Chính phủ. Tính đến cuối tháng 12/2019 số lượng truy cập trên Cổng thông tin điện tử tỉnh đã lên tới 54.508.655 lượt, với 6394 tin bài, là Cổng thông tin chính thức về hoạt động của các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một trong những điểm nổi bật về viễn thông – công nghệ thông tin của tỉnh năm 2019 là mạng internet đã phủ sóng 8/8 huyện, thành phố, 08/108 xã, phường, thị trấn với tổng số 29.534 thuê bao, đây là kết quả sự nỗ lực không ngừng của cơ qua quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo trang bị máy tính cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp đạt tỷ lệ 100% trung bình đạt 01 người/máy tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố là 100% trung bình đạt đạt 01 người/máy; cấp xã là 70% trung bình đạt 1,5 người/máy. Số lượng máy tính được kết nối Internet cấp tỉnh là 100%, cấp huyện là 100%, 93% cấp xã kết nối mạng LAN; 80% máy tính cấp xã được kết nối Internet. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại: Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử; Hệ thống thông tin hướng dẫn, màn hình cảm ứng tra cứu thủ tục; Hệ thống lấy số chờ phục vụ, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống camera an ninh, âm thanh thông báo, ghế chờ với đầy đủ tiện ích như: máy tính in trực tiếp mẫu kê khai, wifi miễn phí, sạc pin điện thoại, máy đánh giầy và các dịch vụ miễn phí khác. Có quầy tiếp dân, thu phí, lệ phí, trả kết quả; Quầy dịch vụ bưu điện phục vụ chuyển kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Nguồn nhân lực của tỉnh cũng từng bước được nâng cao về trình độ công nghệ thông tin, tính đến tháng 11/2019 đã ã có 4.630 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh thi và được cấp chứng chỉ tin học theo chuẩn Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014.
Sự phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin gắn với Chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu so với các tỉnh tuy còn chưa cao, nhưng những kết quả đạt được là sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền các cấp và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đã phần nào đáp ứng so với yêu cầu của tình hình mới. Trong thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục ứng dụng, phát triển CNTT trong rất cả các lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ ở mức độ cao, hiệu quả, nhanh chóng, thân thiện, trước hết là các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như: giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp...
Bùi Lan