Ưu tiên chuyển đổi số tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh

16:07, 29/12/2020

Chuyển đổi số y tế là nền tảng, động lực để y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ba lĩnh vực mà ngành y tế ưu tiên chuyển đổi số hiện nay là chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và chuyển đối số trong bệnh viện.

Chuyển đổi số y tế Quốc gia – Điểm sáng 2020 là chương trình gồm diễn đàn cấp cao, chuỗi hội nghị và triển lãm do Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức ngày 29, 30-12 tại Hà Nội.

GS, TS Nguyễn Thanh Long cho biết, việc triển khai Chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia theo Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Việc chuyển đổi số đã được ngành y tế triển khai trong thời gian qua với nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 30-6-2020, Bộ Y tế đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao.

Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện, đến nay 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Đã có 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Ngày 25-9 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth.

Trong đợt dịch Covid-19, ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn Covid-19…

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số hiện nay là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và chuyển đối số trong bệnh viện.

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trên cơ sở đó, người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; Phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm…

Phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu thu thập từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Ngành y tế phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế....

Đối với chuyển đối số trong bệnh viện, ngành y tế ưu tiên các nội dung triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân, …) trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.

Về việc đồng bộ mã số định danh y tế (ID), sẽ sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc; Xây dựng bệnh viện thông minh; Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Phiên họp.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, năm 2020 với dịch bệnh Covid lây lan trên phạm vi toàn thế giới, ngành Y tế Việt Nam đã nỗ lực đi tiên phong trong chuyển đổi số, áp dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào lĩnh vực y tế đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid, đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới. Có thể nói, chuyển đổi số đã góp phần thay đổi toàn diện, hiệu quả phương thức quản lý hoạt động khám chữa bệnh và các hoạt động quản lý khác của ngành Y tế.

Một trong những thành tựu lớn nhất của ngành Y tế trong năm 2020 là nỗ lực kết nối 1 nghìn cơ sở y tế, khám chữa bệnh chỉ trong 5 tháng trên nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid, khám chữa bệnh từ xa đã hỗ trợ ngành Y tế vừa hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân, vừa đảm bảo giãn cách xã hội. Quan trọng hơn, hoạt động khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn từ xa vừa tạo thêm lựa chọn mới cho người dân trong khám chữa bệnh, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tại cơ sở tuyến dưới. Đây cũng là cơ sở giải quyết bài toán chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại bệnh viện tuyến trên.

Thứ trưởng nhấn mạnh, giá trị nhân văn của hoạt động khám chữa bệnh từ xa chính là mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân gặp khó khăn trong di chuyển, bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa. Giá trị ấy phù hợp với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau mà Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đặt ra.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế sẽ tạo ra giá trị lớn cho kinh tế số, xã hội số. Bộ TT&TT và Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT và lĩnh vực y tế, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kết nối, liên thông và các vấn đề về đảm bảo an toàn an ninh dữ liệu. Các tập đoàn, công ty công nghệ cần chủ động áp dụng công nghệ mới, đưa ra các giải pháp đột phá cho các cơ sở khám chữa bệnh, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong ngành Y tế nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Mang lại sự tiện lợi, sự hài lòng cho người dân” là mục tiêu cao nhất của quá trình chuyển đổi số ngành Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Các đại biểu ham dự Hội nghị.

Hội nghị nhằm tận dụng tối ưu các thành tựu về công nghệ thông tin, huy động các nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình còn mở ra cơ hội cho các startup, các tập đoàn công nghệ thông tin nói chung và công nghệ thông tin y tế nói riêng, đồng thời mang đến cơ hội cho các đơn vị giữ vai trò là cầu nối giao lưu giữa startup và nhà đầu tư như V-startup. Từ đó đưa ra những chương trình hành động đi vào từng nội dung, từng đề án cụ thể.

Thanh Tùng