Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương

19:02, 24/01/2024

Năm 2024, Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 01/7/2024. Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương- Ảnh 1.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ thông tin về tình hình KTXH năm 2023, định hướng phát triển KTXH năm 2024. Ảnh VGP.

Ngày 24/1, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9, khóa IX và thông tin về tình hình KTXH năm 2023, định hướng phát triển KTXH năm 2024.

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới

Theo đó, tình hình KTXH năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới.

Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kinh nghiệm hơn, đổi mới, chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn Thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trình Quốc hội tháo gỡ ngay những khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; bám sát tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, đúng thời điểm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trên các lĩnh vực.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi và phát triển KTXH, nhanh chóng "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái"; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các quy hoạch; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin để điều hành theo hướng đến tận cơ sở; thành lập 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương; Tổ công tác của Chính phủ để giải quyết vấn đề bất động sản.

Tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để xử lý kịp thời các vấn đề quan trọng, cấp bách. Tập trung chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%.

Thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng. Đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD (nhiều nhất từ trước đến nay), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo với giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cao nhất từ trước đến nay); cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định", là 01 trong 02 nước ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng hạng; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%)cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thông tin chi tiết về các nội dung: Tập trung thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược; phát triển văn hóa, xã hội được chú trọng, đạt kết quả toàn diện; đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và là điểm sáng của năm 2023. Tập trung xử lý, tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài…

Đồng chí Lê Minh Khái khẳng định: Đạt được những kết quả nêu trên có vai trò, sự đóng góp thiết thực, quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự phối hợp công tác tích cực, chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương- Ảnh 3.

Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9, khóa IX.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%)

Theo đồng chí Lê Minh Khái, năm 2024 dự báo tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Bên cạnh thuận lợi là có nền tảng vĩ mô ổn định, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Quán triệt Kết luận số 64 của Trung ương, Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội; Chính phủ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn cho phép, cắt giảm chi thường xuyên 5%.

Tập trung vào 03 động lực tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 6% so với năm 2023.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng

Hai là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả 03 đột phá chiến lược. Bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình ban hành các dự án luật… Khẩn trương hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 01/7/2024. Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.

Nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép-Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; khởi công một số dự án đường bộ cao tốc.

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và các hạ tầng quan trọng khác.

Nghiên cứu, đề xuất ban hành một số chủ trương, cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển điện lực, năng lượng tái tạo; triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII, kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.

Tích cực triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững đô thị Việt Nam; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 43,7%.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực giai đoạn 2024-2030.

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Ba là, thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới.

Phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn; thúc đẩy phát triển, hội nhập thị trường tín chỉ các bon.

Tích cực triển khai Đề án trồng 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và huy động, sử dụng hiệu quả khoản vay 2,5 tỷ USD vốn vay ưu đãi, vốn ODA cho phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương- Ảnh 4.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội

Bốn là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76 của Bộ Chính trị; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42 của Trung ương về chính sách xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, năm 2024 hoàn thành tối thiểu 130 nghìn căn. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; chủ động, dự phòng, kiểm soát tốt dịch bệnh; đáp ứng đủ vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Năm là, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Quyết tâm hoàn thành toàn bộ 7 mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế, 16 chỉ tiêu về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện nền tảng tích hợp cơ sở dữ liệu, tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia; tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Sáu là, tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa kết quả làm việc của lãnh đạo cấp cao với các đối tác.

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới, mang tính đột phá. Chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương; nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi được các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên không thể thiếu được vai trò đặc biệt quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - là nơi hiệu triệu, quy tụ, tập hợp nhân dân thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị vẻ vang của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/uu-tien-thuc-day-tang-truong-quyet-liet-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-trien-khai-dong-bo-hieu-qua-chinh-sach-cai-cach-tien-luong-102240124132847218.htm