Vạch trần âm mưu chống phá thành tựu nhân quyền tại Việt Nam

06:23, 28/10/2022

Một số trang tin thiếu thiện chí, tổ chức phản động lặp lại những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam để bôi nhọ thể chế, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Xuyên tạc, bôi nhọ, bịa đặt... là những thủ đoạn các lực lượng phản động, thù địch vẫn thường xuyên sử dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Gần đây nhất, những chiêu trò này lại được chúng sử dụng để chống phá thành tựu nhân quyền của Việt Nam.

Ngày 11/10, Việt Nam cùng 13 quốc gia khác đã được cộng đồng quốc tế tin tưởng bầu chọn tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. Thế nhưng, phủ nhận tiếng nói của đa số cộng đồng quốc tế, một số trang tin thiếu thiện chí, tổ chức phản động bên ngoài vẫn lặp lại những luận điệu xuyên tạc cũ rích, lạc lõng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam để bôi nhọ thể chế, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và giữa người dân với Đảng, chính quyền, hòng thực hiện mưu đồ không thay đổi là thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.

Vạch trần âm mưu chống phá thành tựu nhân quyền tại Việt Nam - Ảnh 1.

Những bài viết này đăng ngay sau khi Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền mới đây. Trích dẫn những báo cáo thiếu thực tế, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, có bài viết thậm chí xuyên tạc vô lối, cố tình bôi nhọ lá phiếu của đa số cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền. Tổ chức phản động Việt Tân còn ngang ngược đòi xem lại cả cơ cấu Hội đồng Nhân quyền.

Cản trở Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là mục tiêu của số tổ chức phản động ngay từ khi Việt Nam ứng cử. Có tổ chức rêu rao thỉnh nguyện thư cốt để đánh bóng tên tuổi. Có số thì ráo riết vận động để cản trở Việt Nam trúng cử. Có số lại tăng cường tuyên truyền xuyên tạc, rồi âm mưu kích động số chống đối trong nước tăng cường hoạt động khi Việt Nam trúng cử.

Thực tế, gần 30 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 60% xuống còn 2%. Không chỉ thu nhập được nâng lên mà chất lượng sống cũng được chú trọng. Tự do thông tin không chỉ nằm ở các cam kết quốc tế mà đã trở thành động lực cho phát triển. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo thực sự phong phú và phát triển với 43 tổ chức tôn giáo, 26 triệu tín đồ.

Ngay cả trong điều kiện ngặt nghèo của dịch bệnh, bản chất và năng lực của thể chế càng được khẳng định khi tính mạng, sức khỏe và phẩm giá của con người được đặt lên trên hết. Đây là những minh chứng đanh thép đáp trả những chiêu trò chống phá lạc lõng này.

Rõ ràng ngay cả khi Việt Nam ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền con người thì cũng không làm thay đổi mưu đồ của các thế lực thù địch và tổ chức phản động. Thậm chí chúng ta càng làm tốt thì chúng càng tức tối hơn. Những lá phiếu bầu chọn Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này đã thể hiện rõ nhất sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế với vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người, một trong những trụ cột của hợp tác quốc tế.

Lá phiếu bầu chọn Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người, cả ở trong nước và trên phạm vi quốc tế. Ở một khía cạnh khác, mỗi lá phiếu bầu chọn cho Việt Nam cũng là sự bác bỏ đối với các quan điểm sai trái, phủ nhận những thành tựu và đóng góp về nhân quyền của Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, nguyên Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: "Tôi nghĩ Việt Nam xứng đáng được biểu dương. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Gần đây tại Geneva, Nghị quyết được thông qua vào tháng 7 do Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines khởi xướng được chấp thuận và đã được thông qua. Nghị quyết này xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Tôi cho rằng đây là một đóng góp rất quan trọng của Việt Nam".

"Việt Nam luôn ở tuyến đầu trong những cải tổ của Liên Hợp Quốc, đi đầu triển khai sáng kiến Thống nhất hành động của Liên Hợp Quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên Hợp Quốc ở cấp độ quốc gia. Rất nhiều bài học về giảm nghèo và ứng phó COVID-19 của Việt Nam nên được ghi chép lại và chia sẻ hơn nữa", ông Kamal Malhotra, nguyên Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (2017-2021) nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nhận định: "Từ chỗ là quốc gia nhận viện trợ lương thực, bị chiến tranh tàn phá, bị cô lập và nạn đói chực chờ, nay Việt Nam đang gửi những người lính đi gìn giữ hòa bình thế giới. Đó là minh chứng mạnh mẽ cho sự kiên cường, vượt khó của người Việt và là thành quả của chủ trương nhất quán lấy con người làm trung tâm của sự phát triển".

Nhìn lại cả quá trình phát triển của đất nước cho đến nay, ở bất cứ thời kỳ nào, dù là trong chiến tranh hay hòa bình, trong khó khăn hay thuận lợi thì chăm lo cho người dân về mọi mặt vẫn luôn là ưu tiên cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Và điều này cũng tương đồng với các mục tiêu về bảo đảm quyền con người mà thế giới luôn luôn theo đuổi.

Theo vtv.vn