Vào năm 2025, thanh toán qua di động Việt Nam sẽ tăng 400%

Minh Thùy 11:55, 18/06/2020

Theo báo cáo của Fintech và ngân hàng số 2025, do nền tảng ngân hàng kỹ thuật số Backbase và Công ty nghiên cứu thị trường IDC phối hợp thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoạt động thanh toán qua giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số.

Theo khảo sát về sử dụng ứng dụng thanh toán di động tại Việt Nam do Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus công bố đầu năm nay, 70% người dùng thanh toán di động ít nhất một lần một tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày, trong đó hoạt động thanh toán qua ứng dụng di động phổ biến nhất là nạp thẻ điện thoại với hơn 50% người dùng thực hiện. 

Những hoạt động khác được người dùng thực hiện nhiều còn có một số dịch vụ như: hóa đơn Internet, điện, nước (41%), chuyển tiền đến bạn bè hoặc người thân (40%), vé tại rạp chiếu phim (35%)…

Thanh toán điện tử tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua đã thúc đẩy rộng hơn hoạt động thanh toán di động. Theo thống kê của Moca - ví điện tử đang liên kết với Grab - tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43% trong giai đoạn dịch bệnh. 

Riêng với dịch vụ GrabMart có tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%. Lượng người dùng Việt Nam lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3-2020 tăng lên 22,5% so với tháng trước đó…

Một khảo sát mới đây của Visa tại Việt Nam cho thấy có đến 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. 

Mới đây, Thủ tướng cũng đã cho phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). Theo đánh giá của các chuyên gia, mobile money được triển khai sẽ là một cú hích với thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa...

"Ngành ngân hàng Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động rất cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ nân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Khi nền kinh tế dần phục hồi từ những thách thức của năm 2020, thị trường sẽ chứng kiến các câu chuyện kỹ thuật số từ phân khúc ngân hàng thương mại cổ phần" - ông Riddhi Dutta, giám đốc khu vực châu Á của Backbase, nhận định.

Điều quan trọng không kém là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam coi chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngân hàng là một trong những nhân tố quyết định đến việc thúc đẩy sự thành công trong quá trình số hoá. Do đó, đã có một sự quan tâm lớn vào việc đào tạo và tái đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng.

Đối với xu hướng phát triển của khu vực, báo cáo của Backbase dự đoán sẽ có 63% số khách hàng sẵn sàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng kỹ thuật số kiểu mới và tổ chức tín dụng trong 5 năm tới. Báo cáo cũng cho thấy khu vực này dự kiến sẽ có thêm 100 tổ chức tài chính mới vào năm 2025, được thành lập nhờ chính sách mở cửa đối với một số thị trường và cấp phép cho ngân hàng mới.

Đại dịch COVID-19 cũng đặt ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng của ngân hàng số tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi 70% khách hàng đang đnáh giá các dịch vụ ngân hàng hiện tại là "tẻ nhạt". Các ngân hàng truyền thống đang mải tập trung vào hệ thống vận hành cũ và không chú trọng ưu tiên tích hợp kỹ thuật số.

Minh Thùy (t/h)