Việt Nam cần trở thành quốc gia về AI
Đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn và chờ đợi, thì Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển.
Đây là thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp (DN) tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới diễn ra ngày 10/2.
Hội nghị đã nghe phát biểu của các DN, doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng DN tư nhân cả nước, chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng, các sáng kiến, cách làm mới, thể hiện tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, các đề xuất táo bạo giải quyết những bài toán lớn của quốc gia, từ đó phát huy tối đa mọi sức mạnh của các DN tư nhân, thúc đẩy DN tăng tốc, bứt phá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2025, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Kết luận Hội nghị, nhấn mạnh thông điệp "đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn và chờ đợi, thì Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành trao đổi, bàn bạc với các DN để có cam kết triển khai công việc cụ thể, thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
Nhân dân chờ đợi, Nhà nước phải kiến tạo, DN phải đóng góp, đất nước phải phát triển
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với DN, doanh nhân.
Về các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, các Bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý ngay với tinh thần 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Nêu rõ khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, một thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng, ngưỡng mộ, khâm phục, tự hào và tin tưởng về những kết quả đã đạt được và sự phát triển của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam trong tương lai.
Sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong thành quả chung đó, có đóng góp quan trọng của đội ngũ DN, doanh nhân, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp vào gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của đội ngũ DN, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đặc biệt trong những lúc khủng hoảng, những thời điểm quan trọng, những lúc đất nước gặp khó khăn như đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ… Theo Thủ tướng, những lúc như vậy, đội ngũ DN, doanh nhân luôn sẵn sàng đóng góp và các đại biểu dự Hội nghị ai cũng có đóng góp.
Thủ tướng: Đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn và chờ đợi, thì Nhà nước phải kiến tạo, DN phải đóng góp, đất nước phải phát triển. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, luật để thúc đẩy phát triển, tạo thuận lợi cho DN, doanh nhân, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các DN dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển DN nhỏ và vừa.
Theo Thủ tướng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, phải phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số.
Đây cũng là là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước - kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước; là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Cũng trong năm 2025, chúng ta thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy; quyết liệt thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS).
Thủ tướng đề nghị các DN phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số, đóng góp triển khai các nhiệm vụ lớn nói trên, góp phần vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập Nước).
Người đứng đầu Chính phủ nêu 8 mong muốn với các DN, doanh nhân: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo (ĐMST), CĐS, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN); đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; ngày càng có nhiều DN dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.
Về các băn khoăn, trăn trở, Thủ tướng cho rằng băn khoăn, trăn trở nhất mà nhiều đại biểu để cập là việc các cấp, các ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
"Chúng tôi cam kết rà soát lại việc này, xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và DN. Đồng thời, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, DN, nền kinh tế và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước, cho xã hội, trong đó có phục vụ các DN", Thủ tướng cam kết.
Với các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần trao đổi, bàn bạc với các DN, hai bên có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông Vận tải có cam kết với Hòa Phát về đường ray, với THACO về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường… Thủ tướng nhấn mạnh điều này phải trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, DN, người dân và không có tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng cũng đề nghị các DN, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp: "Chính phủ, bộ, ngành, địa phương "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình, giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn và chờ đợi, thì Nhà nước phải kiến tạo, DN phải đóng góp, đất nước phải phát triển".
Bình dân hóa AI
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị khẳng định khu vực kinh tế tư nhân nói chung, trong đó có DN tư nhân quy mô lớn, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Một số tập đoàn, DN tư nhân quy mô lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào CĐS, các ngành công nghiệp mới như: AI, chip bán dẫn, hydrogen; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và cam kết "net zero" của Chính phủ vào năm 2050.
Các DN lớn từng bước trở thành lực lượng tiên phong dẫn dắt và động lực quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với hàm lượng chất xám cao và khả năng đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Các DN đã chú trọng đầu tư vào các dự án quan trọng, có tính then chốt, lan tỏa, bước đầu đã phát huy động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Các DN quy mô lớn đã có sự chuyển mình trong áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, hoạt động đầu tư của khối DN này đã hỗ trợ, bổ sung nguồn lực, giảm bớt đầu tư từ ngân sách Nhà nước; góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nhiều DN tư nhân, hiệp hội DN và cá nhân các doanh nhân tiêu biểu đã đóng góp tích cực, quan trọng vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ (siêu bão số 3 Yagi), tham gia triển khai các chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, tích cực chăm lo cho các đối tượng yếu thế…
Các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp để các DN tư nhân tiên phong thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là tham gia đầu tư, thực hiện, các dự án quan trọng, dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, CĐS, chuyển đổi xanh, khoáng sản thiết yếu, chất bán dẫn, AI…, tạo ra giá trị gia tăng, vươn tầm khu vực và quốc tế; đề xuất hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để các DN nói chung và DN tư nhân tăng tốc bứt phá, góp phần phát triển nhanh, bền vững, thực hiện tốt sứ mệnh trong kỷ nguyên mới của dân tộc…
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. (Ảnh VGP)
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, vào thời điểm này cả nước hào hứng, có niềm hy vọng to lớn là Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ là một quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới.
"Chính thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ. Trong bối cảnh đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) viết một báo cáo gọi là 2-3-4-5 tức là: 2 mục tiêu lớn, 3 điểm tắc nghẽn, 4 mũi giáp công và 5 hành động chính.
Ở đây tôi muốn tập trung vào 2 ý: Thứ nhất, tôi đề nghị phải giải phóng tiềm lực KHCN. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì khi nghiên cứu, tôi thấy mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực KHCN vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Thứ hai, Chủ tịch FPT đề nghị "bình dân AI vụ". "Ngày trước, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ". Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa AI", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được", Chủ tịch FPT chia sẻ.
Cơ hội đang đến, ông Trương Gia Bình đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục.
"Chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về AI…", ông Trương Gia Bình kiến nghị.
Nghị quyết 57 sẽ giúp đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn
Cũng phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ: Nghị quyết 57 được xây dựng như một bản đồ chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước. May mắn thay, chúng tôi đã có cơ hội tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng nghị quyết này và tin tưởng rằng nó sẽ tạo động lực giúp Việt Nam vươn mình mạnh mẽ hơn.
Trong năm 2024, CMC đã công bố chiến lược chuyển đổi AI và kiến nghị với Chính phủ về việc tận dụng AI như một tiềm năng, năng lực công nghệ của người Việt để phục vụ xây dựng đất nước.
Ông Nguyễn Trung Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh VGP)
Ông Chính cho biết, CMC được giao thực hiện hai nhiệm vụ quốc gia quan trọng. Trong đó, một nhiệm vụ là xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ dẫn đầu tại Việt Nam mà còn vươn tầm khu vực. Dự án này có quy mô đầu tư lên đến 80 MW, gần gấp đôi tổng công suất hiện nay của Việt Nam (khoảng 50 MW), với mục tiêu hoàn thành vào năm 2030. Chúng ta phải vươn lên bằng chính công nghệ AI của mình.
Nhiệm vụ thứ hai là phát triển C.OpenAI. “C.Open đã được CMC công bố từ năm 2017, và đến nay, chúng tôi đã chuyển đổi thành C.OpenAI, tập trung vào xây dựng Core AI mang dấu ấn trí tuệ của người Việt và sử dụng cho người Việt”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC đề xuất ba kiến nghị quan trọng:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế. Cụ thể, Nhà nước giao các Bộ, ngành, địa phương các chỉ tiêu cụ thể (KPI) về thời gian giải quyết và thực thi các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông đề nghị chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm cho khoản đầu tư 5 năm tới, với khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD xây hạ tầng kỹ thuật. “Băn khoăn của chúng tôi là nguồn vốn”, ông Chính chia sẻ.
Cuối cùng, ông đề cập đến các điều kiện đầu tư cơ sở đào tạo tại các địa phương chưa phù hợp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực, CMC đang triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc mở phân hiệu đào tạo tại các địa phương yêu cầu có quỹ đất tối thiểu 2ha. Trên thực tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh, việc bố trí quỹ đất này là vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, theo ông Chính, CMC đã có sẵn cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu đào tạo ngay lập tức. Chẳng hạn, với quy mô tuyển sinh 1.000 - 2.000 sinh viên ngành AI, CMC có tòa nhà gần 10.000m², đủ khả năng đào tạo 2.000 sinh viên. Nhưng quy định 2ha đất để triển khai phân hiệu mới thì thực sự không đơn giản về thủ tục.
Do đó, cần có sự điều chỉnh linh hoạt về chính sách, giúp DN tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để nhanh chóng triển khai đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao./.