Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành nhà sản xuất tin cậy của thế giới
Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chịu ảnh hưởng bởi những quyết định từ chính quyền Washington, các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển hướng sản xuất ưu tiên vào các quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam và Ấn Độ là điểm đến được lựa chọn hàng đầu.
Theo Moneyweek, các sản phẩm công nghệ "Made in Vietnam" đang khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Theo CNBC, Việt Nam và Ấn Độ là những lựa chọn sản xuất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài, một phần do chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, giữa hai nước, Việt Nam vẫn dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt tổng cộng 96,99 tỷ USD, so với 75,65 tỷ USD của Ấn Độ.
Chia sẻ với CNBC, Giám đốc điều hành của India Index, ông Samir Kapadia, cho biết: “Việt Nam được biết đến với khả năng sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu, trong khi Ấn Độ mới tham gia vào cuộc chơi nên điều đó mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh hơn”.
Một lợi thế quan trọng khác đối với Việt Nam là những đề xuất đơn giản hơn so với Ấn Độ. Các nhà phân tích, cho rằng Ấn Độ có 29 bang, mỗi bang đều có thể có chính sách khác nhau, điều này thiếu sự thống nhất trong khi với Việt Nam là hoàn toàn nhất quán.
Giám đốc cấp cao về chiến lược chuỗi cung ứng tại công ty phần mềm Coupa, ông Nari Viswanathan, cho biết: “Việt Nam chiếm thế thượng phong khi nói đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô sản xuất.
“Các lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động thủ công và có tỷ suất lợi nhuận thấp như sản xuất hàng may mặc “sẽ không tạo được động lực” cho Ấn Độ”, ông Viswanathan lưu ý
Một trở ngại nữa đối với tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của Ấn Độ là thuế nhập khẩu 10% đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Theo ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital, mức này cao hơn thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam khoảng 5%.
Thuế nhập khẩu của Ấn Độ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhưng việc giảm thuế này sẽ là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút các công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa trong nước.
“Năm 2024 sẽ là năm Thủ tướng Modi dỡ bỏ nhiều mức thuế này, nhưng chính quyền của ông Modi sẽ thực hiện điều đó tập trung vào từng ngành chứ không phải theo từng quốc gia. Chẳng hạn, Ấn Độ vào tháng 1 đã giảm thuế nhập khẩu đối với một số bộ phận kim loại và nhựa được sử dụng trong sản xuất điện thoại di động từ 15% xuống 10%. Điều đó mang lại lợi ích cho các công ty như Apple và Dixon Technologies, nhà sản xuất điện thoại cho Xiaomi, Samsung và Motorola.
“Với thế mạnh của Việt Nam về sản xuất điện tử và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đó là nơi chúng ta sẽ sớm thấy lực kéo mạnh nhất khi Ấn Độ cố gắng chiếm thị phần. Điều này bao gồm tất cả các loại nhựa, thành phần kim loại và các mặt hàng cơ khí”, ông Kapadia nhấn mạnh.
Nhưng ông Ho của VinaCapital cảnh báo rằng việc giảm thuế nhập khẩu “không phải là nguồn lợi thế bền vững trong việc thu hút đầu tư FDI về lâu dài”.
“Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quan tâm hơn là các vấn đề về kinh doanh dễ dàng, đặc biệt là tính linh hoạt trong việc thuê và sa thải công nhân, hơn là thuế và thuế quan. Đây là nguồn lợi thế lâu dài chính của Việt Nam so với Ấn Độ”, ông Ho nói với CNBC trong một email.
Theo Tạp chí Thương Trường