Việt Nam lần đầu có Tuần lễ Sách của người làm báo

11:29, 07/06/2023

Tuần lễ Sách của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM, Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức nhân kỉ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Ngày 6/6, tại tòa soạn Báo Thanh Niên TP.HCM đã diễn ra buổi họp báo, thông tin chi tiết về Tuần lễ Sách của người làm báo (diễn ra từ ngày 17 – 22.6). Tham dự buổi họp báo có đồng Trưởng ban tổ chức: nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lâm Đình Thắng – thành ủy viên, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, nhà báo Dương Vũ Thông – Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP.HCM, ông Trịnh Hữu Anh – Trưởng phòng Xuất bản - Phát hành (Sở TT&TT TP.HCM), nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Ủy viên T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhắc lại ý tưởng để có ngày hội sách của những người làm báo, nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023). Ông Trần Trọng Dũng nói: "Khi tham dự triển lãm sách của các doanh nhân viết - do Công ty Đường sách TP.HCM và tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, thực sự tôi rất ấn tượng và bỗng nảy ra ý tưởng phải tổ chức được Tuần lễ Sách của người làm báo. Từ khi có ý tưởng cho đến nay mới chỉ hơn 1 tháng nên có quá nhiều việc phải làm. Như vậy, lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta sẽ có một Tuần lễ Sách thật sự ấn tượng dành cho các nhà báo".

Theo nhà báo Trần Trọng Dũng: "Rất nhiều đồng nghiệp gọi về cho tôi mong muốn được mở rộng đối tượng tham gia, thời gian sách xuất bản và số lượng đầu sách. Sau khi trao đổi thận trọng và kỹ lưỡng, Ban tổ chức quyết định không hạn chế số tác phẩm gởi về. Vì có tác giả có tới 5 – 10 tác phẩm, mà đứa con tinh thần nào cũng cực kỳ quý giá thì biết chọn sao đây. Trong khi 2 năm qua, đại dịch Covid-19 kéo dài việc xuất bản cũng gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi sẽ đón nhận tất cả các loại sách của những người làm báo gởi về, không khống chế số lượng, thời gian xuất bản".

Ban tổ chức trả lời các câu hỏi của Phóng viên.

Nhà báo Trần Trọng Dũng bày tỏ mong muốn tổ chức trại sáng tác nhằm tạo điều kiện cho các nhà báo có đam mê viết sách giao lưu cùng các nhà văn để trau dồi thêm khả năng viết sách.

"Tôi kì vọng dịp kỉ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ giới thiệu sách của các nhà báo Việt Nam ở cả 3 miền", Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ.

Nói về ý nghĩa của Tuần lễ Sách của người làm báo, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng nhấn mạnh: "Khi các bài báo hay được nhà báo tuyển chọn để in thành sách tất nhiên bạn đọc sẽ rất thú vị. Đơn cử như anh Huỳnh Dũng Nhân vừa qua đã có những tập sách vừa xuất bản, chứng tỏ bút lực dồi dào cũng như khuynh hướng của tác giả, đặc biệt dưới góc nhìn của một nhà thơ, họa sĩ, giảng viên về báo chí nữa thì thật tuyệt vời. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với nhiều tác phẩm sách do Báo Thanh Niên tuyển tập từ những cuộc thi do báo tổ chức, cùng góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Thông qua những cuốn sách, độc giả nhận ra người làm báo khi tham gia vào lĩnh vực sách, sẽ tạo ra thêm những tác phẩm để lại cho đời, để lại trong các thư viện và những tủ sách gia đình, thì càng đáng quý".

Giới thiệu thêm về các ấn phẩm của Báo Thanh Niên và về những nhà báo ở Thanh Niên có in sách, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng: "Ban Biên tập Báo Thanh Niên luôn ủng hộ các nhà báo của cơ quan viết sách và sẵn sàng hỗ trợ một phần kinh phí hoặc kết nối với những đơn vị giúp cho các tác giả xuất bản. Nhiều cuộc thi hấp dẫn viết về Sài Gòn - TP.HCM, Hà Nội, miền Trung và miền Tây do chúng tôi tổ chức thời gian qua thu hút rất đông bạn đọc tham gia, và sắp tới là cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen và viết miền Đông Nam bộ, sau khi kết thúc, cũng dự kiến sẽ tập hợp in thành sách".

Thay mặt Ban tổ chức Tuần lễ Sách của người làm báo, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng đặc biệt cảm ơn sự đồng hành của hai đơn vị tài trợ là Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Ông cũng thông tin thêm đến các nhà báo: "Cùng với các hoạt động văn nghệ của nhiều cơ quan báo chí, giới thiệu hàng trăm tựa sách của các tác giả, còn có nhiều chương trình giao lưu giữa các tác giả sách là những nhà báo kỳ cựu: nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Hoàng Hải Vân, Dương Thành Truyền, Lê Minh Quốc, Huỳnh Dũng Nhân... cùng sự góp mặt của các đồng nghiệp trẻ: Tấn Tú, Phương Huyền, Bùi Tiểu Quyên, Hồ Huy Sơn, Trung Nghĩa..., hy vọng Tuần lễ Sách của người làm báo lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Sách của các nhà báo tham dự chương trình.

Thông tin từ Ban tổ chức, hiện tổng số sách tham gia trưng bày tại Đường sách TP.HCM có khoảng 128 cuốn, trong đó 66 cuốn của các cơ quan báo chí và 62 cuốn của báo Thanh Niên. Các đơn vị tham gia, gồm: Nhân Dân, Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Quân Đội Nhân Dân, Người Lao Động, Công an Nhân dân, Công an TP.HCM, Lao Động, Phụ Nữ Việt Nam, Phụ Nữ TP.HCM, Doanh nhân Sài Gòn, Giác ngộ, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố (VOH), Văn nghệ TP.HCM…

Ban tổ chức tiếp nhận tất cả các thể loại sách của các nhà báo, không giới hạn số lượng đầu sách. Các cơ quan báo chí và các tác giả tham gia gửi sách về cho Ban tổ chức (Hội Nhà báo TP.HCM số 14 Alexandre de Rhodes Quận 1) trước ngày 2/6/2023. Toàn bộ số sách trưng bày trong đợt hoạt động sẽ được gửi tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hà Nội) và Khoa báo chí, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Với những cuốn sách của các nhà báo đã được giải thưởng cấp tỉnh trở lên, Ban tổ chức tặng kỉ niệm chương tri ân tôn vinh những nhà báo viết sách.

 Bảo Ngọc (T/h)