Việt Nam muốn Nhật Bản là nhà đầu tư tốt nhất
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh các doanh nghiệp Nhật Bản có thể không có quy mô vốn đầu tư lớn ở Việt Nam nhưng Chính phủ Việt Nam mong muốn Nhật Bản là nhà đầu tư tốt nhất.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai mạc các hội thảo, diễn đàn kinh tế, du lịch, lao động Nhật Bản-Việt Nam - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Cùng tham dự còn có ông Nikai Toshihiro, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, thành phố Đà Nẵng cùng 1.100 các nghị sĩ, quan chức chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân của Nhật Bản và hàng trăm đại biểu từ Việt Nam.
Đây là sự kiện đặc biệt của quan hệ hai nước khi mà ông Nikai Toshihiro đã nói “Mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từng có”. Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sáng nay đánh giá: “Sự kiện này là hiếm có, là động lực trong hợp tác thực chất kinh tế, thương mại, du lịch, lao động giữa Nhật Bản-Việt Nam, đặc biệt là giữa Nhật Bản và miền Trung của Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc chuỗi các sự kiện chính của Đoàn giao lưu Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam và Nhật Bản đều là hai quốc gia ủng hộ tự do thương mại toàn cầu.
Với Việt Nam, trong năm 2019, mặc dù tình hình thế giới bất định, phức tạp và khó khăn nhưng nền kinh tế vẫn đạt được những thành quả quan trọng, trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, tăng trưởng cao, lạm phát thấp, tỷ giá và lãi suất ổn định có xu hướng giảm, khách quốc tế đến Việt Nam trên 18 triệu người và là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt giải thưởng điểm đến hàng đầu châu Á, năm xuất siêu thứ 3 liên tiếp và là 1 trong 25 quốc gia có khối lượng thương mại lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực cơ cấu lại nền kinh tế cũng đạt kết quả tích cực như nợ công, xử lý nợ xấu, thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI)...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới mô hình đầu tư kinh doanh. “Năm nay chúng tôi đặt mục tiêu tăng 10 bậc về môi trường đầu tư kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nên chúng tôi có thể vượt qua được thách thức có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với các vị khách Nhật Bản.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Với các nhà đầu tư Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cùng với việc tham gia xây dựng Chiến lược phát triển trong 10 năm tới, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị Việt Nam, trong đó khẳng định lại các quan điểm lớn là: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp...
Ở bình diện rộng hơn, Việt Nam là một thành viên của Tiểu vùng sông Mekong đã thống nhất hợp tác với Nhật Bản ở 3 kết nối: Hạ tầng giao thông, năng lượng; hạ tầng mềm về thể chế, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và kết nối con người gắn với kết nối số. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy 3 trọng tâm kết nối trong thời gian tới.
Do vậy, xuất phát từ mối quan hệ chiến lược sâu rộng, sự tin tưởng giữa các đảng, chính phủ và nhân dân hai nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ Việt Nam không chỉ muốn Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu mà còn là nhà đầu tư tốt nhất tại Việt Nam.
Thứ hai, hai bên đẩy nhanh hoàn thiện khung khổ thể chế, chính sách nhằm xây dựng quan hệ hợp tác lao động thực chất giữa 2 nước. “Nhật Bản mở cửa thực chất cho thị trường lao động nói chung và lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Việt Nam mong muốn Nhật Bản và doanh nghiệp 2 nước hợp tác thực chất, thúc đẩy khung khổ thể chế, giúp đào tạo tiếng Nhật cho tu nghiệp sinh và lao động của Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, nâng cao năng lực hiểu biết về pháp luật, văn hoá tại Nhật Bản và sau này chính họ là lực lượng nòng cốt để làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Thứ ba, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác giao lưu nhân dân và du lịch khi năm 2019 mới có 900.000 khách Nhật Bản sang Việt Nam, mới chỉ bằng 1/5 lượng khách Hàn Quốc- một quốc gia láng giềng của Nhật Bản và cũng có mối quan hệ chiến lược với Việt Nam. Các hãng bay tư nhân của Việt Nam đang sở hữu nhiều máy bay thân rộng thế hệ mới sẽ giúp cho giao lưu nhân dân, du lịch của hai bên nhiều hơn trong thời gian tới.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng mong muốn chính quyền các địa phương của hai bên nắm bắt cơ hội, tạo dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác thực chất để góp phần đưa quan hệ hai quốc gia tiếp tục “đơm hoa, kết trái”.
Ông Nikai Toshihiro, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt phát biểu tại lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nikai Toshihiro nhấn mạnh những phát biểu và kiến nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng là nguyện vọng của Chính phủ và Quốc hội, nhân dân Nhật Bản trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Kết quả của chuỗi hội thảo, diễn đàn diễn ra trong hôm nay sẽ là những hướng hợp tác quan trọng để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hai bên triển khai sau đó.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Nikai Toshihiro, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của hai bên đã tham dự Lễ công bố mở các đường bay mới từ Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM đến Nagoya, Fukuoka, Kagoshima (Nhật Bản) của hãng hàng không Vietjet Air trong năm 2020.
Theo Chinhphu.vn