Việt Nam muốn phát triển thịnh vượng phải có sự đóng góp lớn sở hữu trí tuệ
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy khoa học công nghệ của đất nước phát triển. Một quốc gia phát triển thì 80% tổng tài sản của quốc gia đó là tài sản trí tuệ, tức là tài sản ảo, tài sản vô hình.
Ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định và Thứ trưởng Hoàng Minh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.
Bảo đảm cân bằng và lợi ích quốc gia trong thương mại đa phương về SHTT
Tại buổi làm việc, ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT đã báo cáo đoàn một số kết quả nổi bật trong công tác của Cục trong 2 năm 2023 - 2024. Cục đã chủ trì xây dựng trình ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022, trong đó có chính sách nổi bật là giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN cho tổ chức chủ trì.
Cục đã thực thi quyền SHTT trên môi trường số và nội luật hóa các cam kết quốc tế; Bảo đảm cân bằng và lợi ích quốc gia trong thương mại đa phương khi tham gia đàm phán và tổ chức triển khai nội dung về SHTT trong các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA...
Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT: Cục đã hỗ trợ triển khai 32 dự án hỗ trợ bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ.
Cục đã tiếp nhận hơn 707.000 đơn sở hữu công nghiệp các loại (tăng 34,4% so với giai đoạn 2015 - 2019); xử lý được trên 617.800 đơn (tăng 45,2% so với giai đoạn 2015-2019); cấp 212.370 văn bằng bảo hộ (tăng 45,2% so với giai đoạn 2015 - 2019).
Cục đã đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo (ĐMST) và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua thông qua phương thức triển khai nhiệm vụ KH&CN.
Cục đã hỗ trợ triển khai 32 dự án hỗ trợ bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đối với doanh nghiệp, các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực; hỗ trợ địa phương triển khai 155 dự án về bảo hộ, phát triển TSTT cho các sản phẩm của địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn...
Cục trưởng Lưu Hoàng Long nhấn mạnh: Các hoạt động trong giai đoạn này đã góp phần hoàn thiện pháp luật, nâng cao nhận thức và kiến thức về SHTT, số lượng đơn đăng ký tăng đáng kể; Số lượng TSTT được xác lập quyền tăng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Việt Nam thịnh vượng dựa trên tài sản trí tuệ
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lắng nghe các phát biểu, chia sẻ của các cán bộ, đơn vị của Cục về kế hoạch phát triển trong giai đoạn mới . Cùng với đó là các ý kiến của các Thứ trưởng Lê Xuân Định, Hoàng Minh và đại diện các đơn vị đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ cho công tác của Cục SHTT trong thời gian tới.
Các Thứ trưởng Lê Xuân Định, Hoàng Minh đóng góp ý kiến cho Cục SHTT phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, nói về vai trò của SHTT, Bộ trưởng đề nghị đơn vị nghiên cứu cuốn sách mang tên “Từ đói nghèo đến thịnh vượng” đề cập đến một quy luật là quốc gia phát triển thì 80% tổng tài sản của quốc gia đó là TSTT, tức tài sản ảo, tài sản vô hình. Quốc gia nào sở hữu nhiều tài sản "cứng", tài sản hữu hình là quốc gia kém phát triển.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam phát triển, thịnh vượng chính là dựa vào TSTT, tài sản vô hình. Việt Nam trở thành quốc gia phát triển là có sự đóng góp của SHTT bởi quốc gia càng phát triển thì tỷ lệ SHTT càng cao. Đã có nhiều quốc gia nhỏ nhưng vĩ đại là nhờ SHTT. “Hãy xây dựng tài sản vô hình, trí tuệ dựa trên các cải tiến, sáng tạo thành tài sản”, Bộ trưởng nói.
Nhắc đến định nghĩa về ngày SHTT thế giới (World Intellectual Property Day) (26/4), Bộ trưởng cho biết định nghĩa của ngày này là để nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò của SHTT. Đây là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền SHTT đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, cũng như khuyến khích sự ĐMST trên toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nâng cao nhận thức về SHTT thì mới thúc đẩy được ĐMST và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng 2 con số.
Theo Bộ trưởng, nâng cao nhận thức về SHTT thì mới thúc đẩy được ĐMST và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng 2 con số. Ngày SHTT thế giới cũng nhằm tôn vinh đóng góp của nhà sáng chế, nghệ sỹ, doanh nhân và các tổ chức sáng tạo. Mỗi năm, lĩnh vực cần khen thưởng, đánh giá những người phát minh, sáng tạo và có cách thức tôn vinh họ.
Bộ trưởng chia sẻ làm KHCN, SHTT phải sử dụng trí tuệ, năng lực nghiên cứu toàn cầu để phát triển. Cục SHTT đang sở hữu cơ sở dữ liệu về trí tuệ toàn cầu và có thể khai thác nhờ công cụ phân tích trí tuệ toàn cầu để có thể tìm ra định hướng phát triển công nghệ, nghiên cứu lĩnh vực, TSTT giá cao để cung cấp tri thức cho DN công nghệ, xã hội. “Khai thác trí tuệ toàn cầu, để đóng góp phát triển Việt Nam, nhất là phát triển 2 con số”, Bộ trưởng lưu ý.
Các nước châu Âu có thế mạnh là có các cơ sở nghiên cứu hàng công nghệ hàng trăm năm và có “nghề” nghiên cứu. Nghiên cứu không phải là thế mạnh của các nước châu Á nhưng các nước châu Á dùng nghiên cứu toàn cầu để làm sản phẩm thương mại. Người Việt Nam rất giỏi làm các sản phẩm xã hội cần.
Chú trọng thương mại hoá kết quả nghiên cứu
Bộ trưởng chia sẻ làm lĩnh vực SHTT cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia. Kinh nghiệm cho thấy quốc gia nào nào mạnh về KHCN, ĐMST thì đều mạnh về SHTT. Mỹ thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước (NSNN) rất mạnh mẽ khi dành 3% ngân sách liên bang chi cho các dự án nghiên cứu lớn. Mỗi năm, Mỹ chi 200 tỷ USD từ NSNN, gấp 200 lần Việt Nam.
Trong khi đó, Hàn Quốc có hệ thống bảo hộ sáng chế mạnh. Ngoài bảo hộ, Hàn Quốc còn đẩy mạnh giáo dục về SHTT, hỗ trợ đăng ký sáng chế. Hàn Quốc đứng top 3 thế giới về đơn sáng chế nộp/người. Lĩnh vực SHTT của Việt Nam có thể học hỏi Hàn Quốc.
Cùng với đó, Israel phát triển mạnh dựa trên cơ chế chia trên bằng sáng chế. Người làm ra sáng chế được hưởng tỷ lệ 40%, tổ chức KH&CN được hưởng 40% và dành 10 - 20% chi thương mại hoá sáng chế cho đơn vị trung gian. Israel chú trọng vào đơn vị trung gian. (Theo Bộ trưởng, Nga, Belarus cũng dùng cơ chế này. Bộ KH&CN là đơn vị trung gian kết nối cho bên đặt hàng nghiên cứu).
Israel cũng là quốc gia có rất rất nhiều bằng sáng chế và được thương mại hoá và nhiều công ty được thành lập từ viện, trường để triển khai sáng chế. Làm cho các viện, trường nghiên cứu, các đơn vị, công ty vừa có nguồn lực “nuôi” đội ngũ mà còn có lợi nhuận, giúp cho quá trình đổi mới liên tục, không phụ thuộc NSNN. Các tổ chức nghiên cứu trở thành “cỗ máy cái” để sinh ra TSTT quốc gia và chính tổ chức nghiên cứu làm ra tỷ lệ lớn TSTT cho quốc gia.
“Các nước chú trọng thương mại hoá bằng sáng chế. Không có đơn vị trung gian thương mại hoá bằng sáng chế thì khó phát triển. Cần xem xét luật hoá đơn vị trung gian giúp cho việc thương mại hoá bằng sáng chế”, Bộ trưởng lưu ý Cục SHTT nghiên cứu.
Bộ trưởng nhấn mạnh SHTT bao giờ cũng là nằm trong hệ sinh thái nên cần chú và hệ sinh thái này là dựa trên nền tảng bảo hộ và khai thác tài sản. KHCN, ĐMST muốn tồn tại, phát triển bền vững thì phải thu hút được đầu tư cho nghiên cứu, đẩy mạnh được thương mại kết quả nghiên cứu.
SHTT chính là cơ sở để thương mại hoá và thu hút đầu tư cho KHCN. Sau đó biến kết quả nghiên cứu thành tài sản mà tài sản mới có thể định giá, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp có vốn, tức là hình thành thị trường các kết quả nghiên cứu và chỉ có thị trường mới tạo ra động lực phát triển quốc gia lâu dài cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS.
Nâng cao nhận thức toàn xã hội về SHTT
Bộ trưởng cũng lưu ý không có SHTT thì không ai muốn làm nghiên cứu. Nhà nghiên cứu công bố kết quả nghiên cứu mà hôm sau bị đánh cắp thì không còn động lực. DN nhỏ sáng tạo ra một cái gì đó cũng bị đánh cắp thì sẽ không muốn sáng tạo nên việc bảo hộ là quan trọng.
Sáng tạo không được bảo hộ thì không tạo được sân chơi phát triển thị trường. Trộm cắp tài sản SHTT lan tràn thì không có SHTT, và không có KHCN, ĐMST và không có xã hội phát triển. Theo đó, phải đẩy mạnh thực thi Luật SHTT. Nâng nhận thức toàn xã hội về SHTT.
Theo Bộ trưởng, Cục SHTT cũng nhưng các đơn vị nhà nước khác có hai việc chính là thực hiện các công việc hằng ngày và làm tốt vai trò chính sách nhưng thường quên vai trò làm chính sách. Đảng, Nhà nước hiện nay đang có nhiều chính sách phát triển mới như Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57. Luật KHCN năm 2013 đang được sửa đổi với việc bổ sung nội dung ĐMST. Theo đó, Cục SHTT cần lên kế hoạch sửa luật, chiến lược SHTT.
Thời điểm phù hợp để đổi mới
Cục SHTT đã được hình thành và phát triển 43 năm. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng đã đến lúc đơn vị cần đổi mới. “Phải có đường hướng, sự phát triển mới, triết lý thời đại mới thì tổ chức mới phát triển bền vững. SHTT được xem là một bộ phận quan trọng bởi vì sẽ thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST”.
Cục SHTT phải xem xét biến kết quả sáng tạo nói chung thành tài sản. Một em học sinh có ý tưởng cũng có thể xem xét đăng ký thành hàng hoá, thị trường. TSTT thì vô hạn, còn tài sản vật chất là hữu hình. Tại sao không đẩy vô hạn lên?
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Cục trưởng Cục SHTT phải khởi tạo đổi mới. Hãy nghĩ lớn để thành công. Nghĩ lớn hơn thì có nguồn lực lớn hơn thay vì “loay hoay” với chứng nhận, công bố.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cục trưởng Cục SHTT phải khởi tạo đổi mới. Hãy nghĩ lớn để thành công.
Cục SHTT hiện có gần 400 cán bộ, là đơn vị lớn. Cục muốn tuyển dụng thêm cán bộ nhưng theo Bộ trưởng, Cục cần nghiên cứu thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ. Trợ lý ảo có thể nhớ nhiều, “giữ” nhiều dữ liệu. Cùng với đó, cần xem xét việc luân chuyển cán bộ, xã hội hoá, thuê ngoài đối với một số công việc. Làm khéo các việc này, Cục có thêm hàng trăm người làm việc.
“Ít đơn vị nghĩ tăng người bằng công nghệ khi đây là cách tốt nhất. Việt Nam có một chiến lược là phát triển công nghiệp robot - tức là robot sẽ giúp tăng người. Công cụ xuất sắc năng suất sẽ tăng gấp đôi”, Bộ trưởng lưu ý.
Về công tác chuyển đổi số (CĐS), Bộ trưởng lưu ý cần làm tốt. Cục phải đặt mục tiêu CĐS lĩnh vực SHTT trong nhóm các quốc gia đi đầu về “nghề SHTT” - có thể đặt mục tiêu là trong top 30 thế giới. Trong ASEAN, SHTT Việt Nam cần phải vào Top 3. “Muốn ở trong các xếp hạng Top thì phải có dữ liệu. Phải chọn đối tác CĐS chiến lược, lâu dài để liên tục phát triển”.
Cục SHTT cần sớm kết hợp với Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) triển khai nhanh việc đăng ký đào tạo nghề SHTT để có thể tuyển sinh ngay đầu năm học mới 2025. “Nghề SHTT là một là nghề hay. PTIT cần tiên phong phải nhanh chóng mở ngành đào tạo này, giống như đã tiên phong mở các ngành công nghệ tài chính (fintech), multimedia, an toàn thông tin, thương mại điện tử…".
Cục SHTT cũng cần coi trọng truyền thông, tăng nhận thức về SHTT cho người dân, xã hội, DN để hiểu rõ về SHTT trong bảo vệ cạnh tranh. SHTT vẫn bị coi nhẹ nên việc dùng hàng giả, hàng nhái vô tư nên đất nước gặp khó phát triển.
Theo đó, Cục cần đẩy mạnh phối hợp các đơn vị truyền thông trong Bộ gồm báo VnExpress, Vietnamnet, Tạp chí, Trung tâm Truyền thông để truyền thông lĩnh vực SHTT. Cùng với đó, phải có cẩm nang về SHTT.
Bộ trưởng cũng lưu ý hệ sinh thái SHTT không tách khỏi hệ sinh thái KHCN, ĐMST và CĐS. Phải có công cụ đo lường SHTT và cuối tháng 6 phải hoàn thành. “Phải coi trọng công tác đo lường. Không có bộ chỉ số đo lường thì khó đánh giá được sự phát triển của ngành, lĩnh vực”.
Bộ trưởng cũng nêu hệ thống thực thi quyền SHTT hiện chưa có, nhân lực chuyên sâu về SHTT trong các lực lượng thanh tra, hải quan, toà án, giải quyết tranh chấp kéo dài… còn thiếu. DN ít khai thác giá trị của thương mại của TSTT, ví dụ như nhượng quyền, cấp phép…. Theo đó, cần phải sửa đổi thể chế, đặc biệt là thực thi trên môi trường số để tăng năng lực khai thác TSTT.
Bộ trưởng cũng nêu hạn chế là số các văn bằng của Việt Nam lớn nhưng tỷ lệ thương mại, nhất là sáng chế thấp so với trung bình thế giới là 5%. Việt Nam đang là 0,1%. Các nước phát triển là 10%. “SHTT mới mang tính bảo vệ chưa được xem lài tài sản chiến lược, theo đó, SHTT phải được đẩy lên mức tài sản chiến lược của DN, của quốc gia để đạt tới tỷ lệ 80%”.
Cùng với đó, hạ tầng SHTT, hệ thống tra cứu thông tin, định giá TSTT, cho phép DN khai thác, viết phần mềm tạo ra giá trị để bán còn thiếu. Đặc biệt là thiếu các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về tư vấn, bảo vệ, định giá thương mại hoá, tư vấn - phải có quy định ưu đãi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các công việc cần thực hiện là phổ cập nhận thức. Thứ hai là số hoá trong toàn bộ thực thi vừa là quản lý. Thứ ba, các công nghệ mới ra nhanh phải cập nhật kịp thời, đặc biệt là có hoạt động hỗ trợ tích cực cho khai thác TSTT.
“Nâng cao nhận thức là cái gốc của sửa luật. Nếu làm không đúng thì không có những cái tiếp theo. Trong luật có thể bổ sung nội dung đào tạo về SHTT từ bậc phổ thông, giáo dục đại học. Để tăng tài sản vô hình cho quốc gia thì phải đào tạo. Muốn đào tạo về SHTT phải luật hoá hoặc phải bổ sung module vào các chương trình đào tạo ĐMST”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Lê Xuân Định, Thứ trưởng Hoàng Minh và đoàn công tác chụp ảnh với cán bộ Cục SHTT.
Chuyển đổi số toàn diện hoạt động SHTT
CĐS toàn diện hoạt động SHTT, tăng cường thực thi công tác SHTT trên môi trường số…. đặc biệt liên quan đến công nghệ mới, công nghệ số. Hỗ trợ các DN khai thác thương mại SHTT. “CĐS phải thiết kế lại quy trình phù hợp với một môi trường số. Không thay đổi quy trình thì đừng làm CĐS”, Bộ trưởng lưu ý Cục SHTT.
Cơ sở dữ liệu phải sạch, mở để các bên có thể viết phần mềm, khai thác. Gắn SHTT với thị trường công nghệ nên sàn KHCN và SHTT là một “cặp song sinh”. Hãy lồng ghép SHTT vào 1 chương trình quốc gia để từ đó đi lên, ví dụ như chương trình OCOP, Bộ trưởng gợi mở.
Bộ trưởng cũng lưu ý Cục phải làm nhiều việc trong thời gian ngắn thì cần có cách tiếp cận mới, tư duy mới để giải quyết một khối lượng lớn công việc. Cục lưu ý không thúc đẩy SHTT thì không có KHCN Việt Nam, không có thị trường, không có giao dịch.
Cuối cùng Bộ trưởng lưu ý về truyền thống hơn 40 năm của Cục. Một số tồn tại của Cục phải được xem như một cơ hội phát triển.
Theo Bộ trưởng, SHTT cùng với lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng, KHCN, ĐMST và CĐS là 5 lĩnh vực chủ chốt của Bộ. Cục SHTT lưu ý việc này để thấy trách nhiệm lớn hơn rất nhiều./.