Việt Nam nhận 3 Bằng Độc quyền sáng chế về các chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer, plastic

13:45, 26/08/2020

Ô nhiễm rác thải polymer, plastic (chất dẻo) có liên quan đến nhu cầu tiêu thụ, sử dụng trên toàn thế giới. Việc xử lý rác thải polymer, plastic cũng chính là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia. Mới đây các nhà khoa học VN đã đưa ra những giải pháp xử lý sinh học thân thiện với môi trường.

Ô nhiễm rác thải polymer, plastic (chất dẻo) có liên quan đến nhu cầu tiêu thụ, sử dụng chúng ở các quốc gia, châu lục và trên toàn thế giới. Dầu thô, than đá, khí tự nhiên đã là nguồn nguyên liệu cơ bản để chế tạo polyme, chất dẻo. Chất dẻo do con người tạo ra có thành phần bao gồm carbon, hydro, silicon, oxy, clorua và nitơ. Theo các số liệu thống kê năm 2015, mức tiêu thụ polymer, chất dẻo trung bình trên đầu người của thế giới là gần 79 kg/năm và polyetylen được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm tới 38%,tương đương với 76 triệu tấn/năm.

Đề tài “Đánh giá khả năng phân hủy của các polymer phân hủy sinh học hiện có ở Việt Nam trong các điều kiện môi trường xử lý khác nhau” cho Viện Công nghệ Sinh học chủ trì và PGS TS Đặng Thị Cẩm Hà làm Chủ nhiệm đề tài được thực hiện từ năm 2016. Đề tài còn có sự phối hợp thực hiện của các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Các loại túi polymer, chất dẻo sử dụng trong nghiên cứu.

Đề tài trên được thực hiện với mục tiêu chính là nhằm đánh giá được khả năng phân hủy sinh học của các polymer, chất dẻo do Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cung cấp và các loại túi polymer, chất dẻo đang được sử dụng ở Việt Nam và được quảng cáo là tự phân hủy sinh học trong các điều kiện và các tác nhân khác nhau (tác nhân vật lý, tác nhân sinh học, điều kiện tự nhiên, các quy trình ủ compost và chuyển hóa bằng các công nghệ kỵ khí hay hỗn hợp của hiếu khí và kỵ khí).

Trong quá trình tiến hành đề tài, các nhà khoa học đã công bố 1 bài báo trên tạp chí quốc tế Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology, 1 bài báo trên tạp chí quốc gia, 1 báo cáo trình bày ở Hội nghị quốc tế về vật liệu tiên tiến Châu Á (ASAM 6) tại Hà Nội tháng 10 năm 2017, đào tạo một Thạc sỹ (đã được cấp bằng).

Một trong ba bằng độc quyền sáng chế được cấp cho các nhà khoa học VN.

Để đưa ra được các kết quả chính xác trong việc đánh giá khả năng phân hủy của các polymer phân hủy sinh học trong điều kiện môi trường xử lý khác nhau. Nhờ vào việc sử dụng đa dạng các phương pháp kỹ thuật hiện đại, các nhà khoa học đã xác định khả năng phân hủy sinh học polymer, chất dẻo bằng enzyme ngoại bào laccase; khả năng phân hủy sinh học polymer, chất dẻo bằng vi sinh vật ưa nhiệt (vi khuẩn, xạ khuẩn); đánh giá khả năng phân hủy sinh học của polymer, chất dẻo trong điều kiện tự nhiên để làm đối chứng; xác định khả năng phân hủy sinh học của polymer, chất dẻo sau khi có tác động của các tác nhân vật lý; đánh giá khả năng phân hủy sinh học của polymer, chất dẻo trong đống ủ compost; đánh giá khả năng phân hủy sinh học của polymer, chất dẻo trong điều kiện hiếu khí, kỵ khí hay kết hợp cả kỵ khí và hiếu khí.

Từ kết quả thực hiện đề tài, các nhà khoa học đưa ra các kiến nghị: Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Bộ KHCN cho phép tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm mới vật liệu di truyền từ Việt Nam (là vi sinh vật) và sử dụng các tác nhân mà đề tài đã chứng minh có khả năng cao để tạo công nghệ hướng tới xử lý rác thải polymer, chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học.

Các nguyên liệu được sử dụng trong nghiên cứu là các túi polymer, chất dẻo của Hà Lan (HL) và CHLB Đức được cấp chứng chỉ phân hủy sinh học và có khả năng ủ compost; túi polymer, chất dẻo từ đề tài nghiên cứu của Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (VHL); túi từ siêu thị được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu (VN1, VN2,VN3, VN5) và túi polymer có nguồn gốc dầu mỏ được dùng hàng ngày tại Việt Nam (VN4).

Những chế phẩm mà đề tài đã tạo ra được mô tả trong 3 sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Bằng Độc quyền sáng chế cho phép thử nghiệm xử lý rác thải polymer, chất dẻo ở qui mô lớn dần.

Các sáng chế đã được cấp bằng gồm: Chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer và plastic có nguồn gốc từ dầu mỏ; Chủng xạ khuẩn ưa nhiệt Streptomyces sp. XKBD2.1 và chế phẩm xử lý rác thải màng polymer có nguồn gốc từ dầu mỏ có khả năng phân hủy sinh học hay thân thiện môi trường chứa chủng xạ khuẩn ưa nhiệt này; Chủng xạ khuẩn ưa nhiệt Streptomyces sp. XKBD2.4 và chế phẩm xử lý rác thải màng polymer có nguồn gốc từ dầu mỏ có khả năng phân hủy sinh học hay thân thiện môi trường chứa chủng xạ khuẩn ưa nhiệt này.

Dung Hoàng