Việt Nam tăng trưởng thương mại điện tử vượt bậc

Bảo Ngọc 15:37, 16/02/2023

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm qua tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc. Người dân đã trở nên quen thuộc với mô hình mua sắm trực tuyến và coi đó như một xu hướng tất yếu hiện nay.

Việt Nam chạm mốc 60 triệu người tiêu dùng số

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn tăng trưởng âm, điều này đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong suốt 7 năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%.

Nếu như năm 2015 TMĐT bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD (tăng 23% so với năm trước) thì đến năm 2018 con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Đến năm 2019, TMĐT Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021.

Sang năm 2022, kinh tế TMĐT của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Với mức tăng trưởng ấn tượng, quy mô TMĐT Việt Nam được dự báo lên tới 49 tỷ USD vào năm 2025. Thậm chí, Google còn dự báo lên tới 57 tỷ USD trong năm 2025.

Thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo tăng trường cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Dự báo giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, đạt 260 - 285 USD/người trong năm nay.

Việt Nam có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến trên tổng số 75% người dân sử dụng Internet. Những loại hàng hoá dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất như quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm,… Theo đó, điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Cần cơ chế thuận lợi, hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh

Những con số trên cho thấy thị trường TMĐT của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại lớn như thanh toán trực tuyến, thu hút đầu tư nước ngoài, hoàn tất đơn hàng, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật. Ngoài ra, người tiêu dùng có thói quen dùng tiền mặt và chưa đặt lòng tin vào các sản phẩm được bán online.

Theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất, quan trọng nhất đối với TMĐT Việt Nam là môi trường chính sách pháp luật. Bởi các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế. Hơn nữa, dù có chính sách thì vấn đề thực thi vào thực tế cũng không hề đơn giản.

Tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT đã đề cập đến những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp TMĐT như: giảm phạm vi cấp phép cho hoạt động TMĐT. Bên cạnh đó, nghị định cũng đưa ra những quy định đối với hàng hoá TMĐT, cách thức quản lý nguồn gốc và truy xuất, các quy định liên quan đến kinh doanh TMĐT …

Ngày 30/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường TMĐT.

Để thương mại điện tử phát triển cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp lý.

Nghị định này đã đưa ra các điểm sửa đổi tập trung vào các nội dung về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan quản lý thuế.

Do đó, để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, Chính phủ cần có cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Cùng với đó, hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho TMĐT. Bởi đây vẫn là một lĩnh vực mới phát triển ở Việt Nam, đây còn là lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số.

Hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ để giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Có thể nối, hạ tầng công nghệ chính là những con đường cao tốc kết nôi để cho các yếu tốc phát triển của TMĐT lưu thông trong đó. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, các bộ, ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển TMĐT trong tương lai.

Quan tâm đến phương thức thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển với hàng loạt các ứng dụng thanh toán của các ngân hàng. Để TMĐT phát triển một bước cao hơn, việc thanh toán trực tuyến là yêu cầu tất yếu. Để làm được việc này, ngoài việc các ngân hàng, các trung gian thanh toán hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, cần có những tác nhân, biện pháp cụ thể để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Hạ tầng logistics nói chung cũng như hạ tầng logistics cho TMĐT cần được đầu tư hoàn thiện để đảm bảo cho TMĐT phát triển. Sự liên kết giữa thị trường và hạ tầng logistics sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng nữa là việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng về TMĐT, giúp họ hiểu được những tác dụng tích cực mà công nghệ cũng như TMĐT mang lại, các thức ứng dụng TMĐT hoạt động. Đây là những yếu tố rất quan trọng để có thể làm thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức truyền thống theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

Về phía cơ quan quản lý, cần hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hoá trong và ngoài nước một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất. Cùng với đó là phương án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới nhằm đẩy mạnh các hoạt động TMĐT xuyên biên giới một cách bài bản hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất Việt đa dạng hoá các kênh xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài.

Theo Tạp chí in số tháng 1+2+3/2023