Vietnam Airlines dư thừa hàng trăm phi công vì Covid-19
Dù chủ trương không hủy hợp đồng lao động do dịch bệnh nhưng Vietnam Airlines vẫn phải cho hàng loạt nhân sự tạm nghỉ vì chuyến bay bị cắt giảm đột ngột.
Trong tờ trình vừa được Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành gửi đến hội đồng quản trị, người điều hành hãng bay đã dự tính một kịch bản ảm đạm cho thị trường hàng không và bản thân Hãng hàng không Quốc gia trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lãnh đạo Tổng công ty xác định số phi công của hãng có thể dư thừa đến 59% từ nay đến hết năm. Tính cả năm, mỗi tháng Vietnam Airlines thừa 530 phi công vì lượng chuyến bay phải giảm đột ngột.
Chủ trương không chấm dứt hợp đồng lao động với bất cứ cá nhân nào vì dịch bệnh, tuy nhiên, Vietnam Airlines sẽ phải áp dụng các biện pháp tạm ngừng việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động để giảm bớt gánh nặng.
Đối với đội ngũ phi công, Tổng giám đốc kiến nghị ngừng sử dụng toàn bộ phi công nước ngoài đến hết năm, trừ trường hợp sản lượng tăng hoặc cần thay thế phi công Việt Nam bị cách ly.
Với phi công người Việt, hãng khuyến khích các phi công tạm hoãn, nghỉ không lương trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6, ngừng sử dụng phi công trên 60 tuổi.
Vietnam Airlines dự định ngừng sử dụng tiếp viên hàng không nước ngoài trong bối cảnh nguồn tiếp viên cả năm đang dư đến 1.700 người.
Một lượng phi công sẽ được sử dụng với mức giờ bay nhất định, đảm bảo duy trì năng định, chứng chỉ, tay nghề. Số phi công còn lại sẽ cho tạm ngừng việc và hưởng lương tối thiểu vùng.
Vietnam Airlines dự định ngừng sử dụng tiếp viên hàng không nước ngoài trong bối cảnh nguồn tiếp viên cả năm đang dư đến 1.700 người. Với tiếp viên người Việt, hãng sẽ ngừng sử dụng tiếp viên Alsimexco đến hết tháng 6. Ngừng việc với số tiếp viên Vietnam Airlines dư thừa từ tháng 4 đến tháng 6 và tạm hoãn hợp đồng lao động giai đoạn sau đó (tiếp viên ngừng việc được hưởng lương tối thiểu vùng.
Với chính sách cắt giảm lao động được đề xuất, Vietnam Airlines ước tính giảm được khoảng 3.400 tỷ đồng, tương đương 57% tổng chi phí lao động kế hoạch năm 2020.
Minh Phương