VinFast hợp tác với ProLogium sản xuất pin thể rắn ở Việt Nam
Ngày 3/3, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược. Theo đó, VinFast được quyền sử dụng các bằng sáng chế của ProLogium để sản xuất pin thể rắn (Solid-state battery) ở Việt Nam.
Theo thỏa thuận, VinFast và ProLogium sẽ thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe ô tô điện tại Việt Nam. Liên doanh này sẽ được tiếp cận các bằng sáng chế và được phép sử dụng công nghệ đóng gói pin thể rắn MAB (Multi-Axis Bipolar + Technology - công nghệ lưỡng cực đa trục +) của ProLogium để sản xuất gói pin thể rắn CIM/CIP tại Việt Nam.
Đây là một bước đi chiến lược trong việc tự chủ công nghệ pin dành cho xe điện của VinFast, là tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển ra các dòng xe điện thông minh, tiên tiến trong tương lai.
ProLogium là công ty đi đầu thế giới về việc thương mại hoá công nghệ pin thể rắn từ năm 2013. Năm 2017, ProLogium trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới có dây chuyền thử nghiệm công nghệ pin thể rắn ứng dụng cho ô tô.
Đến nay, các bản mẫu pin thể rắn dành cho ô tô của ProLogium đã vượt qua nhiều bài kiểm tra về an toàn ở châu Âu và Trung Quốc - những thị trường xe điện lớn nhất thế giới. ProLogium cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất xe điện lớn hàng đầu thế giới để thử nghiệm công nghệ pin mới trên các dòng ô tô, và dự kiến sẽ đưa vào khai thác, sản xuất đại trà từ năm 2023-2024. Việc sử dụng pin thể rắn sẽ giúp cho các xe ô tô điện VinFast có thể đi được quãng đường dài hơn, giảm thời gian sạc và tăng tổng số lần có thể sạc pin.
Việc hợp tác với ProLogium là bước đi tiếp theo của VinFast trong lộ trình hướng đến mục tiêu trở thành thương hiệu xe điện thông minh được ưa chuộng toàn cầu. Trước đó, VinFast đã công bố 3 dòng ô tô điện đầu tiên có khả năng tự hành cấp độ 2-3 mang tên VF31, VF32, VF33 và đang triển khai lắp đặt hệ thống trạm sạc trên khắp cả nước, với mục tiêu có hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện vào cuối năm nay.
PV