Vĩnh Phúc phát triển hướng đi nền nông nghiệp thông minh

10:30, 25/01/2022

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu, nhằm tạo đột phá đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển nhanh và bền vững đang là mục tiêu của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng tới.

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, nông dân thời 4.0 của Vĩnh Phúc đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số.

Vĩnh Phúc hiện hình thành nhiều vùng, hợp tác xã sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.

Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thuý Lan thăm mô hình trồng lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm.

Khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng đã được số hóa để theo dõi và giao dịch. Khi đến kỳ thu hoạch, thiết bị sẽ thông báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua; doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất, mọi thông tin về sản phẩm từ giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Phương thức này có thể kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian giúp giá bán nông sản ổn định, ít bị thao túng. Thay vì trông thời tiết, nông dân thời công nghệ số sẽ trông dữ liệu, mua dữ liệu để lên kế hoạch gieo trồng cho phù hợp với mùa vụ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tiềm năng, lợi thế đang có thì việc vươn lên làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số của đại đa số nông dân Vĩnh Phúc hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do diện tích đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tập quán, ý thức sản xuất của người dân còn tự do, thiếu liên kết, nguồn lực đầu tư hạn chế… Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất, từ đó, hướng tới phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. 

Một trong những tín hiệu tích cực tạo đà cho nông nghiệp phát triển theo hướng thông minh, trong những tháng cuối năm 2021, tham gia Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam thăm Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã trực tiếp trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn Sojitz và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam về đầu tư và phát triển dự án cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối tại huyện Tam Đảo.

Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Ngọc Mỹ cấp bò sinh sản cho người dân.

Tại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Ngọc Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những doanh nghiệp tích cực “đi tắt, đón đầu” ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Công ty đã thực hiện chương trình liên kết với hộ dân nuôi bò sinh sản, đầu tư dự án chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao với quy mô 2.000 lợn nái sinh sản, 20.000 lợn thịt và 3.000 con bò. Mô hình chăn nuôi này sẽ được tổ chức khép kín gồm cả nhà máy chế biến thức ăn gia súc cũng như chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây dược liệu, cây ăn quả phục vụ cho công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu

PV