Vĩnh Phúc: Quyết liệt ngăn chặn, không để dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp
Xác định công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch, duy trì hoạt đoạt sản xuất kinh doanh, giữ vững “vùng xanh” trong các khu công nghiệp.
Suốt 2 năm qua, linh hoạt áp dụng các giải pháp để bảo vệ sản xuất công nghiệp, bảo vệ “vùng xanh an toàn Covid-19” trong các doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tổ chức nhiều hội nghị đối thoại tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, động viên các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của Trung ương, của tỉnh. Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết 31 về triển khai một số biện pháp thực hiện mục tiêu duy trì và giữ vững tỉnh Vĩnh Phúc là "vùng xanh an toàn về Covid-19”. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215 về triển khai “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, với một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong kế hoạch là phải đưa Vĩnh Phúc là vùng an toàn về dịch, vừa chống dịch tốt vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh; phấn đấu 100% các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp là “vùng xanh” nhằm tạo ra vành đai bảo vệ an toàn, chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, giúp công việc và thu nhập của người lao động được bảo đảm.
Nỗ lực, tự cường vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, nhất là trong những tháng cuối năm, cùng với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói riêng đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bởi các doanh nghiệp nhận thức rõ rằng, phòng, chống dịch tốt, bảo vệ được sự an toàn cho người lao động là bảo vệ được sản xuất, doanh thu, lợi nhuận. Hiện ngoài các biện pháp được áp dụng suốt 2 năm qua là đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, chia giờ ăn ca, bàn ăn có vách ngăn, từng doanh nghiệp đã chủ động xây dựng tủ thuốc, mua bộ kit test nhanh, bố trí phòng y tế, phòng cách ly, bảo đảm công nhân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên từ 3-5% người lao động mỗi tuần.
Chia ăn theo ca, bàn ăn có vách ngăn - một trong những giải pháp phòng chống dịch được tất cả các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp áp dụng.
Công ty cổ phần ống thép Việt Đức là một trong những doanh nghiệp đã siết chặt, linh hoạt áp dụng các biện pháp để phòng, chống dịch từ bên trong và không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài. Ông Nguyễn Hữu Thể, Tổng giám đốc công ty cho biết: Xác định nhiệm vụ số một để doanh nghiệp hoạt động ổn định trong bối cảnh hiện nay là phòng chống dịch tốt, bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người lao động, Thép Việt Đức đã thành lập ban chỉ đạo, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, bố trí nhân lực thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày, thường xuyên phun khử khuẩn xe chở hàng, thành lập tủ thuốc, phòng cách ly y tế, phòng y tế; bố trí chỗ ở cho 39 cán bộ, công nhân viên ngoại tỉnh; bố trí xe đưa đón cán bộ, người lao động, bảo đảm “một cung đường, 2 điểm đến”. Đặc biệt, xây dựng phương án xử lý trong trường hợp phát sinh ca nghi nhiễm Covid-19, công ty đã bố trí 1 phòng cách ly tạm thời tại nhà máy sản xuất thép xây dựng; thành lập phòng y tế với 2 giường bệnh, trang bị đầy đủ các loại thuốc, bộ kit test nhanh cần thiết. Tổ chức cho 100% cán bộ, công nhân lao động ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Cùng với phòng, chống dịch, xác định chất lượng sản phẩm là kim chỉ nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Thép Việt Đức đã tích cực đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 và chương trình 5S của Nhật Bản, đưa doanh nghiệp từ một nhà máy sản xuất ống thép đen, ống thép mạ kẽm nhúng nóng, công suất 60.000 tấn/năm trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với 3 công ty thành viên, năng lực sản xuất đạt 1,3 triệu tấn/năm, với doanh thu 9 tháng đầu năm tăng khoảng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái; duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động, với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 13 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Thể, những tháng cuối năm là giai đoạn nước rút để các doanh nghiệp đạt, vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đề ra và xây dựng kế hoạch, mục tiêu mới cho năm tới, do đó, công ty sẽ linh hoạt, triển khai áp dụng tốt Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Chỉ thị số 18 của UBND tỉnh để bảo vệ sản xuất, người lao động, tạo ra những bứt phá mới ngay đầu năm mới 2022.
Xác định công tác phòng chống dịch bệnh Covi-19 vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu để phát triển trong bối cảnh hiện nay, Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, khu công nghiệp Bình Xuyên II đã linh hoạt triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19 như: Thành lập các tổ an toàn Covid-19 theo từng phân xưởng; tổ chức cho 100% công nhân ký cam kết trong việc chủ động tự bảo vệ mình khi thực hiện phương án làm việc “1 cung đường, 2 điểm đến"; theo dõi sức khỏe hàng ngày của người lao động; thường xuyên khử khuẩn nơi làm việc; xây dựng tủ thuốc, phòng y tế, khu cách ly tạm thời, khu vực riêng cho lái xe. Đồng thời, áp dụng phần mềm khai báo điện tử qua mã QR code giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp, dễ dàng nắm rõ lịch sử đi lại của từng lao động.
Ông Bùi Xuân Trường, Trưởng phòng Hành chính công ty cho biết: Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được chứng nhận doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, công ty không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, trở thành đối tác tin cập của các tập đoàn lớn như Sam Sung, Apple, LG. Để duy trì sản xuất, xây dựng và giữ vững “vùng xanh” doanh nghiệp, công ty luôn thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh; chia 3 ca sản xuất, chủ động xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn sản xuất, sức khỏe cho người lao động. Đến nay, gần 100% nhân viên, người lao động công ty hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Theo ông Trường, nhờ thực hiện song hành 2 nhiệm vụ phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất, 10 tháng năm 2021, công ty TNHH Young Poong Electronics Vina đã có mức tăng trưởng tốt, với tổng doanh thu trên 6.400 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, công ty luôn duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động, với mức lương bình quân từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng và dự kiến tháng 10/2022, công ty sẽ đưa nhà máy thứ 3 tại cụm công nghiệp Đồng Sóc, huyện Vĩnh Tường đi vào hoạt động.
Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp luôn chung tay cùng chính quyền tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Các doanh nghiệp FDI đạt chỉ tiêu kinh tế tăng 3%-7% so với cùng kỳ; nhiều doanh nghiệp DDI do điều kiện tài chính, năng lực thị trường còn hạn chế, phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giảm công suất sản xuất và tiêu thụ nên các chỉ tiêu kinh tế giảm 12%-23% so với cùng kỳ năm 2020.
Thực hiện Chỉ thị số 18 của UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan: “các doanh nghiệp phải chủ động các phương án phòng ngừa và tự phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh để thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là phòng, chống dịch bệnh tốt và phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững”, Ban quản lý các khu công nghiệp đã thành lập 3 tổ kiểm tra, thường xuyên đánh giá hoạt động của các Tổ an toàn Covid-19 tại doanh nghiệp.
Giữa tháng 11, Đoàn kiểm tra số 10 của tỉnh đã kiểm tra việc chấp hành cấc quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại 15 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Qua kiểm tra, đoàn yêu cầu các doanh nghiệp tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tiếp tục phát huy tốt vai trò của Tổ an toàn Covid-19, xây dựng ý thức phòng dịch ngay từ bên trong nhà máy; chủ động xây dựng tủ thuốc, phòng cách ly y tế tạm thời; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh; khắc phục một số tồn tại trong việc bố trí phòng ngủ riêng cho lái xe; lưu lại thông tin phiếu xét nghiệm Covid-19 đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng; thực hiện khai báo y tế đầy đủ qua phần mềm…Đồng thời, khuyến khích người lao động thực hiện tốt phương châm “một cung đường 2 điểm đến”, chủ động ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đặc biệt, hiện nay, trước tình hình một số lao động trong khu công nghiệp là các F1, F2, các doanh nghiệp kịp thời phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, chính quyền các địa phương nhanh chóng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng.
Với những tín hiệu tích cực, dự kiến 3 tháng cuối năm, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp tục hoạt động hiệu quả, doanh thu của các doanh nghiệp FDI sẽ đạt 1.895 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt trên 1.056 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước đạt 1.108,35 tỷ đồng; các doanh nghiệp DDI đạt doanh thu khoảng 3.711 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 15 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 130 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho khoảng 3.000 lao động trong và ngoài tỉnh, nâng tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp lên khoảng hơn 109 nghìn lao động.
Theo vinhphuc.gov.vn