Virus Ebola có lây lan qua bàn phím hay tiền không?

09:24, 08/08/2014

Bệnh virus Ebola lây lan như thế nào, có phải như nhiều người cực đoan đến mức tránh xa cả tiền và bàn phím vì sợ bị nhiễm virus Ebola?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải đưa ra khuyến cáo về tình trạng của đại dịch Ebola  là “ngoài tầm kiểm soát”. Tính đến ngày 4/8, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch virus Ebola bùng phát tại các quốc gia Tây Phi đã khiến 887 người tử vong với 1.603 trường hợp mắc bệnh và đang có xu hướng tăng lên. Đây là đợt dịch Ebola tồi tệ nhất từ trước đến nay. Mới đây, 2 nhân viên cứu trợ Mỹ cũng đã bị lây nhiễm, và báo chí truyền thông thế giới hiện nay đang tràn ngập các thông tin về Ebola. Câu chuyện về Kent Brantly cho chúng ta thấy có những hiểu nhầm về Ebola. Kent Brantly là một bác sỹ từng bị nhiễm virus Ebola trong khi đang làm việc tại một bệnh viện ở Liberia, đã được chuyển đến trường Đại học Emory của Atlanta. Giới truyền thông đã báo cáo rất sát sao về nơi ở, kế hoạch di chuyển của ông, sát sao đến từng khoảnh khắc, chi tiết khi ông ra khỏi phòng cấp cứu.


Virus Ebola dường như có thể lây nhiễm bất cứ ai, và nó thực sự khiến chúng ta phải quan tâm. Không phải quan tâm về Ebola hay về những người bị nhiễm Ebola, mà là quan tâm đến bản thân chúng ta và việc liệu chúng ta có chết vì Ebola không. Internet càng khiến thông tin về Ebola lan rộng hơn, đồng nghĩa với mối quan tâm và nỗi lo ngại cũng nhân lên, thậm chí nhiều người còn sợ đến mức tránh xa cả tiền và bàn phím vì sợ bị lây nhiễm virus Ebola.

Thực tế, Ebola chỉ lây lan qua các chất dịch cơ thể của người bị nhiễm virus, hoặc từ những vật như kim tiêm dính chất dịch cơ thể đó. Ebola không lây lan qua không khí, thức ăn, nước hay qua việc chạm tay vào tiền và bàn phím. Thảm cảnh Ebola lây lan qua các hành khách trên các máy bay hầu như không thể xảy ra, trừ phi có một người bị nhiễm Ebola hoặc có triệu chứng bị Ebola được phép bay, và sau đó làm rơi vãi nước bọt hay dây máu lên các hành khách khác.


Các nhà khoa học đã giải thích rằng có những yếu tố văn hoá, xã hội góp phần gây ra những trường hợp tử vong vì dịch Ebola ở Tây Phi. Các quốc gia hiện có dịch là Liberia, Sierra Leone, và Guinea chưa từng trải qua sự bùng nổ dịch này trước đây, vì thế các bác sỹ có thể không được đào tạo để chẩn đoán hay điều trị căn bệnh nay, và các công dân có thể không nhận ra các triệu chứng bệnh. Ngoài ra, theo phong tục, các gia đình tổ chức tang lễ cho bệnh nhân tử vọng lại yêu cầu mọi người chạm vào thi thể người bệnh, vì thế có thể điều đó đã gây ra dịch. Ở một số nơi, người dân còn chống đối các nhân viên y tế cộng đồng vì họ sợ rằng những nhân viên này sẽ mang dịch bệnh đến hoặc họ nghe tin đồn về các phương pháp điều trị lang băm.

Bạn có thể nghe nói rằng virus Ebola lây lan qua động vật. Nhiều người trích dẫn một nghiên cứu năm 2012 nói các nhà khoa hoạc đã làm lây lan dịch bệnh này từ lợn trong phòng thí nghiệm sang khỉ. Nhưng không có lý do gì phải hoảng sợ. Bởi vì dù nghiên cứu là quan trọng, song chưa rõ phòng thí nghiệm được quản lý như thế nào và kịch bản lây lan ra thế giới thật ra sao. Chúng ta là con người, không phải khỉ. Hiện chưa có bằng chứng gì cho thấy lợn hay Tây Phi đã bị lây nhiễm virus Ebola, và dù có như thế, Tây Phi cũng không phải là nơi có ngành kinh doanh thịt gia súc phát triển trên toàn thế giới. Hơn nữa, Ebola không lây lan qua thức ăn, vì thế không có rủi ro gì nếu ăn phải thịt nhiễm Ebola.

Tất nhiên, Ebola đáng sợ, song không có lý do gì để hoảng sợ. Các chuyên gia y tế và các quan chức chính phủ đang hy vọng họ có thể kiểm soát tình huống ở Tây Phi. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về vaccine Ebola. Trong khi đó, nếu bạn vẫn thấy lo ngại, hãy bắt tay làm vệ sinh sạch sẽ bàn phím. Miễn là bạn tránh các chất dịch cơ thể của người khác như là tinh dịch, máu hay nước bọt, bạn sẽ ổn.

Bệnh virus Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại một ngôi làng gần sông Ebola ở Congo và một ngôi làng khác ở vùng Sudan. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các triệu chứng điển hình của bệnh Ebola là sốt đột ngột, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu và đau cổ họng, tiếp theo là ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan và trong một số trường hợp chảy máu cả bên trong lẫn bên ngoài. Thời gian ủ bệnh của bệnh virus Ebola khoảng từ 2 đến 21 ngày, kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh cho tới khi có những triệu chứng bệnh đầu tiên.

Tại Việt Nam, từ ngày 31/7, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã cung cấp thông tin và khuyến cáo một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola tới người dân; đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch.

Cục Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) hy vọng phải đến cuối năm 2015 mới có vắc xin phòng bệnh Ebola.

Hoàng Hải (Tổng hợp)