Vốn tài trợ startup công nghệ Việt Nam đứng thứ 51 toàn cầu

10:00, 03/02/2025

Việt Nam hiện đứng thứ 51 toàn cầu về tổng số vốn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ, xếp trên Iceland và Luxembourg (lần lượt ở vị trí thứ 52 và 53).

Theo "Báo cáo thường niên công nghệ 2024" của Tracxn, các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam đã huy động được tổng cộng 120,3 triệu USD trong năm 2024, giảm 38,7% so với 196 triệu USD năm 2023 và sụt giảm mạnh 77% so với mức đỉnh 518 triệu USD năm 2022.

Ảnh: Doanh nghiệp Hội nhập

Với tổng vốn tài trợ 120,3 triệu USD, Việt Nam hiện đứng thứ 51 toàn cầu về tổng số vốn tài trợ, xếp trên Iceland và Luxembourg (lần lượt ở vị trí thứ 52 và 53). Trong khi đó, các quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn tài trợ tiếp tục là những cái tên quen thuộc, bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh và Trung Quốc.

Riêng trong quý 4/2024, ghi nhận mức tài trợ 35,1 triệu USD, tăng mạnh 89,73% so với 18,5 triệu USD của quý 3 và tăng 68,75% so với 20,8 triệu USD trong quý 4/2023.

Theo báo cáo, các công ty công nghệ có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 56,59% tổng số vốn được huy động bởi các công ty công nghệ Việt Nam. Theo sau là Hà Nội với tỷ trọng 26,25% tổng tài trợ.

Năm 2024, hệ sinh thái công nghệ Việt Nam ghi nhận ba thương vụ mua lại, giảm nhẹ so với bốn thương vụ của năm 2023. Ba thương vụ này bao gồm Ngân hàng Công chứng khoán RHB Việt Nam được mua lại với giá 15,2 triệu USD, Nvidia thâu tóm VinBrain, và SCBX hoàn tất thương vụ mua lại Home Credit Vietnam.

CyberAgent Capital, 500 Global và Genesia Ventures tiếp tục là những quỹ đầu tư tích cực nhất trong hệ sinh thái công nghệ Việt Nam. Trong khi đó, Antler, Monk's Hill Ventures và Techstars là những nhà đầu tư hạt giống hàng đầu của hệ sinh thái công nghệ Việt Nam trong năm 2024. Vertex Ventures, Mitsubishi UFJ Capital và Inspire là các quỹ tích cực trong giai đoạn đầu.

Về hiệu suất ngành, công nghệ ô tô, cùng với vận tải và hậu cần công nghệ là những lĩnh vực dẫn đầu trong năm 2024.

Lĩnh vực công nghệ ô tô cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ, với tổng vốn tài trợ đạt 35,3 triệu USD vào năm 2024, tăng 1.078% so với 3 triệu USD năm 2023 và cao hơn 116% so với mức 16,4 triệu USD vào năm 2022.

Trong khi đó, ngành công nghệ vận tải và hậu cần thu hút tổng vốn 34,3 triệu USD vào năm 2024, tăng 1.045% so với mức 3 triệu USD của năm trước và cao hơn 58% so với 21,8 triệu USD huy động vào năm 2022.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong năm 2024, nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo ở nhiều nước còn suy giảm nặng hơn năm 2023. Do đó, dù vốn đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam suy giảm nhưng vẫn đang có xu hướng phát triển tốt. 

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã bước qua giai đoạn phát triển phong trào và đang bước sang giai đoạn mới, mở rộng cả về quy mô và chiều sâu.

Đây là giai đoạn hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cần có sự tăng cường liên kết cả trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có sự điều chỉnh, thay đổi vai trò và vị trí của các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò của Chính phủ trong xây dựng thể chế, nhất là các cơ chế và chính sách riêng phù hợp với đặc thù của khởi nghiệp sáng tạo. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cần phải là nơi đưa ra các đầu bài, nhu cầu, nhưng cũng phải là nhà đầu tư, người sử dụng các kết quả khởi nghiệp sáng tạo.