VTC hãy tái sinh trong Đổi mới lần 2 của ngành TT&TT
Đổi mới lần 1 là hạ tầng viễn thông, Đổi mới lần 2 là hạ tầng số. Lần 1 là hạ tầng truyền hình quảng bá, lần 2 là hạ tầng truyền hình theo yêu cầu. Lần 1 là số hoá kỹ thuật, là đổi mới kỹ thuật từ analog sang số. Lần 2 là số hoá toàn diện, là đổi mới cách làm. Lần 1 là thông tin và IT, lần 2 là dữ liệu và AI. Lần 1 là phần mềm cho mình làm nghề, lần 2 là nền tảng cho người khác làm nghề của mình. Lần 1 thì cơ bản vẫn sống và làm việc trong thế giới thực. Lần 2 thì cơ bản sống và làm việc trong thế giới số.
Đó là một trong những nội dung phát biểu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT tại Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài VTC) diễn ra chiều 12/8/2024, tại Hà Nội.
Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu của Bộ trưởng.
Nói đến lĩnh vực truyền hình của Việt Nam thì không thể không nhắc đến Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ truyền hình mới, thúc đẩy cạnh tranh là đóng góp của VTC. Các bạn VTC hoàn toàn có quyền tự hào về sự đóng góp của mình cho lĩnh vực truyền hình Việt Nam. Bộ TT&TT luôn ghi nhận sự đóng góp này.
Nhưng nói đến Đài VTC thì phải nói tới Tổng công ty VTC.
Nói tới Tổng Công ty VTC thì phải nói tới sự dũng cảm và khát vọng đổi mới của cố Tổng giám đốc Thái Minh Tần, người đã đưa VTC tách khỏi Đài Truyền hình Việt Nam để đi con đường riêng về công nghệ số. Khi mà toàn bộ truyền hình thời đó vẫn coi công nghệ analog là "vùng an toàn" thì VTC đã khát khao phát triển truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Khát khao ấy, cộng với tầm nhìn xa của người đứng đầu ngành Bưu chính - Viễn thông khi đó là Bộ trưởng Đỗ Trung Tá đã cho ra đời "Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC". Nhờ quyết tâm tiến thẳng lên công nghệ số của các thế hệ lãnh đạo ngành Bưu điện từ những năm 90 của thế kỷ trước mà viễn thông Việt Nam có được vị thế và tiềm lực ngày hôm nay. Cũng nhờ tầm nhìn ấy mà lĩnh vực truyền hình Việt Nam có đơn vị đi tiên phong chọn công nghệ số làm lý do ra đời và phát triển. Bước đột phá này của VTC là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" để hiện đại hoá truyền hình Việt Nam.
Đài VTC ra đời khi Tổng công ty VTC đang có những năm tháng huy hoàng, khi mà doanh thu toàn Tổng công ty có lúc lên tới 9000 tỷ đồng một năm, đã mang đến 1 sự hỗ trợ lớn cho Đài VTC làm truyền hình kỹ thuật số và đổi mới. Công nghệ truyền hình số mặt đất, hình ảnh rõ nét, nhiều kênh chương trình mới hấp dẫn (nhất là về thể thao và giải trí), khi truyền hình quảng bá còn chưa nhiều sự lựa chọn, truyền hình cáp và vệ tinh còn chưa phát triển.
Đài VTC cũng tạo ra dấu ấn và lợi thế cạnh tranh thông qua việc thúc đẩy liên kết về công nghệ số và chia sẻ nội dung với các đài phát thanh, truyền hình địa phương. Đài cũng là đơn vị đầu tiên cho ra đời 3 kênh truyền hình chuyên biệt theo mô hình đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Đối với các tổ chức thì thường 10 năm là một giai đoạn. Đài Truyền hình VTC đã đi qua 2 giai đoạn. Có thăng, có trầm. Đây cũng là quy luật vô thường của Trời Đất.
10 năm đầu là khởi nghiệp, là lập nghiệp. Không có gì để mất. Không có gì trong tay nhưng giấc mơ thì lại lớn. Vật chất thì ít nhưng tinh thần lại có thừa. Công nghệ mới chỉ như ngôi sao nhỏ phía rất xa nhưng sự hấp dẫn lại như mê hoặc. Thu nhập thì thấp nhưng lao động lại không kể ngày đêm. Đây thường là giai đoạn phát triển lành mạnh nhất của một tổ chức. 10 năm này, Đài VTC là tác nhân thúc đẩy sự phát triển của truyền hình kỹ thuật số Việt Nam. VTC cũng to lên nhanh chóng. Đài VTC lọt vào nhóm top đầu các đài truyền hình.
10 năm sau, Đài VTC tách ra khỏi Tổng công ty VTC. Đang hoạt động trong một doanh nghiệp, đang cơ chế doanh nghiệp mà tách ra thành một đơn vị sự nghiệp với một cơ chế hoàn toàn khác thì hẳn là không đơn giản. Đài VTC đã tách ra như một doanh nghiệp, mang theo tài sản và nợ nần. Nhưng Đài VTC khi tách ra lại phải hoạt động như một đơn vị sự nghiệp, với nhiệm vụ chính trị là chính, chứ không phải kinh doanh. Bởi vậy, việc chia tách này đã không thể thực hiện nhanh và dứt khoát, mà đáng nhẽ là phải nhanh và dứt khoát. 10 năm qua, Đài VTC luôn phải mang theo gánh nặng của quá khứ để lại. Các bạn mà tồn tại được như vừa qua, vẫn tiếp tục phát triển, tiếp tục là một đài truyền hình lớn của đất nước thì đã là một kỳ tích. Nhà nước, trong đó có Bộ TT&TT phải có trách nhiệm giải quyết triệt để việc chia tách này một cách nhanh nhất có thể. Đài VTC muốn có một trang mới thì đó là việc đầu tiên.
Cũng theo quy luật vô thường thì 10 năm tới sẽ là một trang mới trong sự phát triển của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Trang mới ấy đang nằm trong tay của những người VTC. Tương lai luôn là do chúng ta tạo dựng nên. Hãy bắt đầu từ một giấc mơ lớn. Một giấc mơ lớn, một sứ mệnh lớn sẽ luôn có được năng lượng và sự mách bảo của Trời Đất.
Trời Đất sẽ mách bảo nếu chúng ta đau đáu, trăn trở ngày đêm về một việc. Ít người tin vào việc này. Nhưng thực tế là thế này, nếu ta đau đáu việc gì đó, suy nghĩ ngày đêm việc gì đó, suy nghĩ sâu đến mức bị ám ảnh, mà việc đó lại có sứ mệnh lớn lao thì cái ăngten của ta sẽ mở rộng búp sóng, độ nhạy tăng lên, vì thế mà thu được nhiều thông tin hơn, nhất là những thông tin rất nhỏ, chỉ như một ánh sáng nhỏ cuối đường hầm. Trong cả trăm ngàn thông tin ấy sẽ có cái mách bảo, sẽ có cái làm ta ngộ ra, có khi chỉ là một từ, chưa đến một câu, có khi đến từ một người vô danh, chứ không phải thánh hiền. Trong một trường hợp ngược lại, ta không suy nghĩ gì, không trăn trở điều gì, thì ngay cả khi có một người rất thông thái, thậm chí thánh hiền, dành cả tiếng đồng hồ giảng giải cho ta những điều đặc biệt thì sau cuộc gặp mọi sự lại như cũ.
Vậy là Trời Đất ngoài kia đã có sẵn mọi sự mách bảo rồi, chỉ cần búp sóng ăngten của bạn mở rộng, chỉ cần ăngten của bạn tăng độ nhạy. Nhưng điều này lại chỉ đến khi chúng ta suy nghĩ ngày đêm, trăn trở và khát khao về sự phát triển của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.
Cái tinh thần đã làm nên Đài VTC những ngày đầu sẽ là hành trang để các bạn viết nên một trang mới của mình trong 10 năm tới. Hãy kế thừa quá khứ và viết nên một trang mới của thế hệ mình, một trang mới trong lịch sử Đài VTC. Lúc khó khăn nhất lại là lúc cần quay về với những khát khao, ước nguyện ban đầu và tinh thần khởi nghiệp ngày ấy. VTC ra đời trong Đổi mới lần 1 của ngành TT&TT. Vậy, VTC hãy tái sinh trong Đổi mới lần 2 của ngành TT&TT. Đổi mới lần 1 là hạ tầng viễn thông, Đổi mới lần 2 là hạ tầng số. Lần 1 là hạ tầng truyền hình quảng bá, lần 2 là hạ tầng truyền hình theo yêu cầu. Lần 1 là số hoá kỹ thuật, là đổi mới kỹ thuật từ analog sang số. Lần 2 là số hoá toàn diện, là đổi mới cách làm. Lần 1 là thông tin và IT, lần 2 là dữ liệu và AI. Lần 1 là phần mềm cho mình làm nghề, lần 2 là nền tảng cho người khác làm nghề của mình. Lần 1 thì cơ bản vẫn sống và làm việc trong thế giới thực. Lần 2 thì cơ bản sống và làm việc trong thế giới số. Lần 1 thì kỹ thuật là quan trọng. Lần 2 thì đổi mới tư duy là quan trọng.
Cơ hội lớn nhất của Đài VTC lúc này là các bạn đang ở tận cùng của khó khăn. Lúc tận cùng khó khăn thì đổi mới sẽ dễ hơn rất nhiều so với lúc thành công. "Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu" - Đó là quy luật của Trời Đất.
Bộ TT&TT tin tưởng vào tương lai của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV đối với Đài VTC, tin tưởng vào truyền thống đổi mới sáng tạo của VTC, tin tưởng vào cán bộ nhân viên VTC. Bộ TT&TT luôn là nơi cần tìm đến đầu tiên của Đài VTC đối với các vấn đề thuộc quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình. Bộ TT&TT cũng là bạn đồng hành trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như các định hướng và cơ chế chính sách cho sự phát triển của Đài VTC.
Chúc các đồng chí Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC dám nhận lấy sứ mệnh viết nên một trang mới huy hoàng trong thập kỷ thứ ba của Đài VTC. Thời đại chuyển đổi số này thì cần nhất là một chữ "dám". Sau chữ "dám" ấy là sự lao động quên mình. Vì sự quên mình ấy mà sẽ có được năng lượng và sự mách bảo của Trời Đất. Và khi đó thành công sẽ đến./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông