WHO sử dụng ứng dụng WhatsApp để thông tin chính thức về dịch COVID-19
Do tính hiệu quả và tiện dụng của nền tảng trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sử dụng nền tảng WhatsApp có tên gọi Cảnh báo Y tế của WHO
Ứng dụng này do Quỹ Praekelt - tổ chức phi lợi nhuận chuyên về công nghệ có trụ sở tại thành phố Johannesburg của Nam Phi phát triển và đang được Bộ Y tế nước này sử dụng để thông tin về dịch COVID-19 tới hơn 2,6 triệu người dùng ở "đất nước Cầu Vồng".
Tại Nam Phi, WhatsApp sử dụng công nghệ máy học Turn.io cung cấp phản hồi tự động miễn phí các thông tin về virus SARS-CoV-2. Người dùng WhatsApp tại Nam Phi chỉ cần gửi tin nhắn “Hi” (Xin chào) tới tổng đài dịch vụ do Bộ Y tế Nam Phi quản lý và sẽ nhận được phản hồi gồm danh mục các truy vấn cho phép nhắn các từ khóa để tiếp tục nhận được các thông tin chính thức, bao gồm tư vấn đi lại, số ca nhiễm cập nhật, triệu chứng, biện pháp phòng chống, cơ sở xét nghiệm COVID-19 và những kiến thức cần thiết để loại bỏ những lầm tưởng và hiểu sai về đại dịch này.
Dịch vụ WHO Health Alert đang cung cấp thông tin bằng tiếng Anh tới người sử dụng và sẽ tiếp tục ra mắt bằng tiếng Arab và Tây Ban Nha trong tuần này.
Do tính hiệu quả và tiện dụng của nền tảng trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sử dụng nền tảng WhatsApp có tên gọi Cảnh báo Y tế của WHO (WHO Health Alert) từ ngày 20/3 và số lượng người dùng đạt hơn 10 triệu chỉ sau 3 ngày.
Dịch vụ WHO Health Alert đang cung cấp thông tin bằng tiếng Anh tới người sử dụng và sẽ tiếp tục ra mắt bằng tiếng Arab và Tây Ban Nha trong tuần này, cùng với hơn 20 ngôn ngữ khác như tiếng Kiswahili (ngôn ngữ phổ biến tại Đông Phi và được Liên minh châu Phi công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức của AU), tiếng Ba Tư (Farsi - được sử dụng tại nhiều nước như Iran, Afghanistan, Tajikistan) và tiếng Italy sẽ được giới thiệu trong thời gian sắp tới.
Theo Quỹ Praekelt, việc phát triển ứng dụng cảnh báo sức khỏe liên quan đến đại dịch COVID-19 sử dụng nền tảng WhatsApp xuất phát từ nhiều lý do. Một trong những thách thức lớn nhất đối với các chính phủ, cơ quan y tế nhà nước và người dân trên toàn thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 là phải tiếp nhận và xử lý lượng thông tin hằng ngày quá lớn liên quan đến dịch bệnh này. Ngoài ra, thách thức không nhỏ khác là khả năng có thể phân biệt được thông tin từ các nguồn chính xác, đáng tin cậy so với thông tin không chính xác và sai lệch khác.
Trong thời đại truyền thông xã hội với sự tiếp cận của hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới vào các nền tảng như Twitter, Facebook và WhatsApp, ngay cả các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng gặp khó khăn trong việc hiểu đầy đủ về quy mô của đại dịch, khiến các nguồn thông tin đáng tin cậy càng có vai trò quan trọng, thậm chí liên quan đến sự sống còn của rất nhiều người.
Bên cạnh đó, WhatsApp - nền tảng thuộc sở hữu của Facebook, rất phổ biến ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, các nước Mỹ Latinh và châu Phi với hơn 2 tỷ người dùng trên toàn cầu. WhatsApp là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại châu Phi.
Minh Phương ( TH)