Xác minh loạt sữa bột trẻ em bị phát hiện có chất gây ung thư

13:44, 26/08/2020

Hội đồng Người tiêu dùng của Hong Kong hồi tuần trước đã thực hiện kiểm tra 15 loại sản phẩm sữa công thức bán tại đây, phát hiện một số vấn đề trong thành phần dinh dưỡng của nhiều mẫu thử nghiệm.

Cụ thể, theo Hội đồng Người tiêu dùng của Hong Kong, tất cả các mẫu được khảo sát đều cho chất 3-MCPD, một chất được tạo ra trong quá trình tinh chế chất béo thực vật dưới nhiệt độ cao. Nếu tiêu thụ quá mức, chất này sẽ làm hỏng các chức năng thận và hệ thống sinh sản ở nam giới, dựa trên kết quả thử nghiệm từ động vật thí nghiệm.

Các mẫu được phát hiện có từ 13 - 120µg 3-MCPD trên mỗi kg sữa công thức, nhưng tất cả đều đáp ứng các tiêu chuẩn của Ủy ban chuyên gia FAO/WHO về Phụ gia thực phẩm (Jecfa), trong đó quy định lượng chất này tối đa hàng ngày là 17,2µg/kg.

Tuy nhiên, khi tiêu thụ theo hướng dẫn được liệt kê, công thức sữa có nhiều 3-MCPD nhất là Công thức hữu cơ dành cho trẻ sơ sinh của Bellamy's Organic (Australia), được cho đã vượt quá giới hạn quy định của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu.

Một chất có thể gây ung thư khác là glycidol cũng được tìm thấy trong 9 mẫu thử nghiệm. Chất này có thể làm hỏng DNA của tế bào và gây đột biến. Tuy nhiên mức glycidyl este - dạng tồn tại trong thực phẩm - dao động trong khoảng 1,1 - 29µg/kg, thấp hơn nhiều so với mức tối đa của EU là 50µg/kg.

Ảnh minh hoạ.

Hội đồng đã gửi các kết quả của mình đến Trung tâm An toàn Thực phẩm - cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các quy định về thực phẩm. Trung tâm này cho biết TP không có luật để điều chỉnh 3-MCPD và glycidyl este trong sữa công thức trẻ em, nhưng kêu gọi các nhà sản xuất giảm tối đa hàm lượng này.

Hội đồng người tiêu dùng cũng phát hiện, một số nhà sản xuất đã phóng đại quá mức thông tin dinh dưỡng ghi trên nhãn thực phẩm, khi 6/15 loại sữa cho thấy có sự khác biệt vượt quá mức.

Trả lời câu hỏi liệu có nên ngừng cho trẻ uống sữa công thức hay không, Giám đốc Hội đồng Người tiêu dùng Wong Fung Han trấn an các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng vì Hong Kong đã tuân theo các yêu cầu của CAC.

Bà Wong cho biết: "Mặc dù không có quy định nào theo luật, nhưng phải chăng nên xem xét một giải pháp thay thế an toàn hơn? Hoặc nếu không muốn bỏ phí loại sữa mà bạn đang sử dụng thì bạn nên chú ý đến lượng ăn của trẻ để đưa ra quyết định phù hợp".

Trước đó, ngày 19/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi cơ quan chức năng Hồng Kông đề nghị được cung cấp thông tin liên quan về việc phát hiện 9 loại sữa bột trẻ em chứa chất gây ung thư tại Hồng Kông, do một số báo đăng tải.

Đồng thời, Cục ATTP cũng thông tin về việc Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) thông báo về việc Công ty Sainsbury's của Anh đang tiến hành thu hồi lô sản phẩm sữa tiệt trùng Semi-Skimmed less than 2% fat UHT milk, vì nhiễm vi sinh vật gây hư hỏng và sản phẩm không an toàn để tiêu thụ.

Sản phẩm bị cảnh báo có tên nhãn Sainsbury's semi-skimmed less than 2% fat UHT milk, bao gói 1 lít; hạn sử dụng 28.12.2020 và 29.12.2020; mã sản phẩm: SKU 6647140. Cục ATTP đã thông báo đến cơ quan quản lý có thẩm quyền của Bộ Công thương để tiếp tục tìm hiểu thông tin, theo dõi và tiến hành kiểm soát sản phẩm này.

PV (T/h)