‘Xanh hóa’ xe buýt là xu hướng tất yếu
Nhìn nhận "xanh hoá" xe buýt là xu hướng tất yếu, theo các chuyên gia, để một doanh nghiệp đang chạy xe truyền thống chuyển sang xe xanh, công nghệ mới, vừa cần thay đổi phương tiện, vừa cần thay đổi tư duy con người.
"Xanh hoá xe buýt" là xu hướng tất yếu. Ảnh: Internet
Xanh hóa xe buýt mạnh mẽ từ 2025
UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố". Cụ thể, đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Theo đó, giai đoạn 2026-2035, thành phố Hà Nội sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe.
Trong đó, năm 2025, Thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch và vận hành (Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội), vận tải hành khách công cộng đã tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải.
Đến nay, Thành phố có 10 tuyến xe buýt điện đang khai thác, vận hành. Theo lộ trình, dự kiến tháng 2/2025, Hà Nội sẽ đưa vào vận hành 4 tuyến sử dụng năng lượng điện loại buýt trung bình và nhỏ, nâng đoàn phương tiện điện lên 379 xe (chiếm 19,5% tổng lượng xe buýt của Thành phố); tới năm 2035 có 128-153 tuyến buýt điện.
Trong đề án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, Sở Giao thông vận tải đã tính toán phát triển từng loại hình phương tiện xanh đối với từng tuyến. Trong đó, các tuyến nằm trong nội đô sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Các tuyến ngoại vi, kết nối ngoại thành đến điểm tiếp chuyển sẽ sử dụng xe buýt năng lượng xanh như CNG/LNG.
Giai đoạn trước mắt, Thành phố sẽ tập trung các tuyến buýt điện kết nối đường sắt đô thị. Giai đoạn 2031-2035 định hướng phát triển hỗn hợp phù hợp với hạ tầng, các tuyến trục công suất lớn, phù hợp với quy hoạch của thành phố; kết nối trực tiếp trung tâm của đô thị vệ tinh tới các điểm trung chuyển ở khu vực vành đai, đô thị, kết nối các điểm danh lam thắng cảnh. Khi năng lực các tuyến đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT tăng lên, xe buýt điện, buýt xanh sẽ đóng vai trò là tuyến gom.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mêtan của ngành Giao thông Vận tải. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án phát triển vận tải công cộng xanh.
Đến nay, đề án đã được HĐND Thành phố thông qua và UBND thành phố phê duyệt. Có thể nói, vận tải hành khách công cộng đã tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông Vận tải.
Theo lộ trình, tới năm 2035, thành phố Hà Nội sẽ có 128-153 tuyến buýt điện. Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể triển khai. "Chúng tôi xác định để chuyển đổi được cần có sự tham gia của các cấp, ngành. Trên cơ sở đó sẽ có bước đi, lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể", ông Phạm Đình Tiến nói.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, để "xanh hoá" xe buýt theo như lộ trình được nêu trong đề án, Hà Nội cần hơn 48.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Thành phố cần gần 36.000 tỷ đồng, còn lại hơn 12.600 tỷ do doanh nghiệp cân đối bố trí.
Cần tạo chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, chuyển đổi xanh mới được khởi động mấy năm gần đây nhưng các doanh nghiệp vận tải đã bước đầu tiếp cận được.
Với công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, có wifi, camera AI, sàn xe có thể nâng hạ hỗ trợ cho người yếu thế, khuyết tật, thông qua công nghệ có thể kiểm soát được lái xe, an ninh trật tự trên xe, được ứng dụng thẻ vé điện tử… xe buýt điện dù đang chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn (trên 14% tổng số phương tiện hiện nay) nhưng đã mang lại bức tranh mới về dịch vụ vận tải công cộng cho Thành phố, tạo nên sức hấp dẫn, tư duy mới cho hành khách.
Khẳng định quyết tâm chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh, song các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn còn không ít băn khoăn về cơ chế, chính sách tiếp cận nguồn vốn đầu tư; vấn đề hạ tầng trạm sạc; đơn giá định mức cho xe buýt điện…
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, để một doanh nghiệp đang chạy xe truyền thống chuyển sang xe xanh, công nghệ mới, vừa cần thay đổi phương tiện vừa cần thay đổi tư duy con người. Doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là cơ hội để thay đổi chất lượng dịch vụ, đổi mới lực lượng quản lý, lái xe, nhân viên phục vụ và có thêm hành khách. Bởi theo thống kê, hành khách xe buýt điện chủ yếu là người đi làm, rất khác so với xe buýt truyền thống chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Muốn vậy, các doanh nghiệp buýt truyền thống cần có quyết tâm, tìm nguồn lực để vận hành ổn định ngay từ giai đoạn đầu để đi được dài hơi, cùng đồng hành với thành phố Hà Nội để công cuộc chuyển đổi xe buýt xanh được nhanh chóng, tích cực nhất. Song song với đó, cần sự hỗ trợ của Chính phủ về các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi.
Đại diện doanh nghiệp tiên phong của Hà Nội và cả nước đưa vào thí điểm vận hành loại hình xe buýt điện, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, để chuẩn bị hệ thống trạm sạc cần xuất phát từ thiết kế tuyến (tuyến xa hay gần, cần bao nhiêu năng lượng).
Nếu như xe diesel chỉ cần đổ dầu là lăn bánh mà không cần phải lo lắng thì với xe buýt điện cần phải tính toán khá kỹ lưỡng cho từng tuyến (sạc lúc nào, dung lượng bao nhiêu?) Đây là bài toán khó và khác biệt hơn so với xe diesel.
Vinbus đã tính toán kỹ cho vấn đề này và triển khai lắp đặt hệ thống trạm sạc ở 2 depot: Ocean Park (quận Long Biên) và Smart City (quận Nam Từ Liêm), đáp ứng được nhu cầu của hệ thống buýt điện.
Đối với lo lắng về nguồn cung năng lượng điện, xe buýt điện chỉ sạc vào giờ thấp điểm (từ 21h đến 4h sáng hôm sau). Đây là ưu thế khi khai thác năng lượng điện dư thừa vào giờ thấp điểm. Các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể tính toán để đáp ứng hạ tầng trạm sạc phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp.
Đại diện Sở Giao thông vận tải cho hay, Luật Thủ đô đã có riêng Điều 28 đề cập đến chính sách chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Sở Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo quy định về vấn đề này, trình HĐND TP. Hà Nội. Ngoài hỗ trợ lãi suất, còn chính sách khác. Dự kiến 2025, sẽ báo cáo thông qua HĐND Thành phố. Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi mang tính khả thi.