Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đã xác định phát triển công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá để phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 30/8/2024, lần đầu tiên “Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024” được tổ chức tại Đà Nẵng và cũng tại miền Trung Việt Nam. Sự kiện được đánh giá là một trong những cột mốc quan trọng, tạo xung lực mới phát triển thành phố.
Trong chuỗi hoạt động “Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”, hội nghị “Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng” diễn ra sáng 30/8/2024 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Hội nghị đã cùng trao đổi về các tiềm năng, lợi thế của Thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các giải pháp Đà Nẵng cần triển khai nhằm khai thác tối đa thế mạnh của mình.
Tại hội nghị, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Đà Nẵng đang thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ vị trí chiến lược, nhân lực chất lượng cao. Hoa Kỳ nhận thấy tầm quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và mong muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn của Đà Nẵng. “Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần lực lượng lao động đẳng cấp thế giới. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết thách thức mà ngành bán dẫn đang đối mặt hiện nay, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn bền vững sáng tạo”, bà Susan Burns nói.
Theo ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Công ty Qorvo Việt Nam, Đà Nẵng là nơi lý tưởng để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện nay phía Qorvo Việt Nam đang tiếp tục tìm hiểu, làm việc với thành phố trong việc phát triển vi mạch bán dẫn. "Điểm mấu chốt để Đà Nẵng thành công là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc kiên trì đào tạo sẽ giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của Việt Nam và xa hơn là thế giới", ông Huề cho biết.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, lưu ý nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Theo ông, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học… trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kỹ thuật về công nghệ mới, như vậy mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới.
Kiến tạo môi trường, phát triển nguồn nhân lực
Phát biểu tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết Nghị quyết 136 vừa được Quốc hội thông qua có các cơ chế chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo và Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được trao chính sách này. Các chính sách tập trung vào việc miễn thuế thu nhập cá nhân, chi phí đào tạo, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc tại thành phố, chính sách mua sắm thiết bị…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: “Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Cụ thể, thành phố đã và đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Lãnh đạo Đà Nẵng luôn nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, dài hạn để phát triển bền vững. Đây là lĩnh vực mới, phức tạp, nhưng với quyết tâm đạt được thì sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành phố”.
Sự chuyển mình và tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao của Đà Nẵng là kết quả của một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong suốt hơn 20 năm qua. Từ việc ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/10/2000 đến Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/3/2003 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp phần mềm, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và kinh tế số của thành phố, kết quả đã được ghi nhận bằng những con số biết nói.
Theo thống kê, đến nay tại Đà Nẵng đã có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC..., với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của Đà Nẵng chiếm khoảng 10%.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số, trung bình có 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ hai toàn quốc (chỉ sau TP.HCM) và gấp ba lần trung bình của cả nước. Tổng số nhân lực công nghệ số là 46.000 người. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 kinh tế số của Đà Nẵng đóng góp 19,76% GRDP của thành phố. Mục tiêu của Đà Nẵng đặt ra đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của thành phố.
Về công tác đào tạo, hiện Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin và các ngành gần có liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm ngành công nghệ thông tin và các ngành gần lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa...) là khoảng 5.700 người.
Từ tháng 8/2024 đã có ba trường đại học gồm: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư ngành thiết kế vi mạch, với gần 200 chỉ tiêu/năm. Đây là nguồn bổ sung nhân lực quan trọng cho phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Thành phố Đà Nẵng.
Hơn 500 đại biểu tham dự sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024".
Liên kết, hợp tác đào tạo nhân lực
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đã xác định nguồn nhân lực là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1-2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Từ tháng 9/2023, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với tuyên bố chung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới phát triển công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trong tháng 11/2023 và tháng 2/2024, lãnh đạo Đà Nẵng đã đến Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và trực tiếp làm việc với các tập đoàn hàng đầu về thiết kế vi mạch bán dẫn như Synopsys, Nvidia, Marvell, Ampere, Arm, Qualcomm, Intel, Qorvo, MediaTek... Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023 tại Hoa Kỳ, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Synopsys về những nội dung liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Cùng thời gian này, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo gấp rút thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 26/01/2024.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, DSAC là trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ngay sau khi thành lập, Trung tâm DSAC đã ký kết 2 hợp tác chiến lược với Synopsys và Intel của Hoa Kỳ để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cho thành phố Đà Nẵng.
Kể từ sau các chuyến công tác, làm việc trực tiếp của lãnh đạo Đà Nẵng với các đối tác nước ngoài, đã có nhiều đoàn lãnh đạo các tập đoàn lớn đến khảo sát môi trường đầu tư tại thành phố, như Synopsys, Intel, Qualcomm, Marvell, Nvidia... Các đối tác đánh giá cao tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng. Đồng thời, thống nhất đề xuất hợp tác, hỗ trợ kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại thành phố để đáp ứng sự phát triển của Đà Nẵng và nhu cầu nhân lực của chính các doanh nghiệp.
Việc xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thành phố được dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại Đà Nẵng; đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã khởi động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố và tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn về vi mạch, bán dẫn gồm 25 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng.
Thành phố cũng đã triển khai ba khóa chuyển đổi kỹ sư ngành sang lĩnh vực thiết kế vi mạch với khoảng 39 sinh viên, đồng thời kết hợp bồi dưỡng cho 43 giảng viên trong lĩnh vực này.
Trong quý 4/2024, Đà Nẵng sẽ tuyển chọn các giảng viên xuất sắc nhất để cử tham gia khóa bồi dưỡng giảng viên (train the trainer) tại Học viện Sicada (đơn vị hợp tác của Synopsys tại Đài Loan, Trung Quốc).
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang hợp tác với các tập đoàn lớn như Nvidia, Qualcomm, ARM để triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, thành phố đã khảo sát và xác định một số trường đại học quốc tế có kinh nghiệm cung cấp nhân lực đạt chuẩn của doanh nghiệp để kết nối với các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.
Các đại biểu trao đổi về công tác nghiên cứu, sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn. Ảnh: nhandan.cn
Thực hiện nhiều chính sách ưu đãi
Thực hiện Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng đã và đang xây dựng nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Theo Nghị quyết 136 của Quốc hội, có nhiều chính sách ưu đãi vượt trội thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, như: chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân; chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngành vi mạch, bán dẫn; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học; chính sách hỗ trợ chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp; chính sách cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá, thực hiện chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Để được hưởng các chính sách ưu đãi nói trên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ… còn phải ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố. Những chính sách ưu đãi này được kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng để thu hút sự đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với thành phố trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo...