Xây dựng lợi thế cạnh tranh trên chuỗi cung ứng toàn cầu
18:35, 18/12/2015
Để thành công trong môi trường kinh tế nhiều biến động, Việt Nam cần phải giải quyết những khoảng trống trong lĩnh vực sản xuất của mình.
Nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào một giai đoạn phát triển mới, với hai bước tiến quan trọng – Hiệp định Đối tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Nhiều người lạc quan rằng Việt Nam đã được “gài số” để tăng tốc. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự đoán kim ngạch xuất khẩu của Việt nam sẽ tăng 31,7% , trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 6,3% trong năm 2016 và 2017. Đây là những con số đáng kể đặc biệt là khi tính tới các biến động về tài chính của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, để thành công trong môi trường kinh tế nhiều biến động như vậy, Việt Nam cần phải giải quyết những khoảng trống trong lĩnh vực sản xuất của mình. Điều này bao gồm nắm bắt các tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật mới, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng và theo kịp tốc độ dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tin tốt là các doanh nghiệp trong nước không đơn độc trong những nỗ lực của mình và họ có thể cộng tác với các nhà cung cấp dịch vụ logistics để xác định các công cụ và giải pháp giúp họ tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Mang đến những chuyên gia về lĩnh vực hải quan
Khi hiệp định TPP và AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước có thể phải tuân thủ những tiêu chuẩn và quy phạm pháp luật mới. Đây là một quá trình hòa nhập tự nhiên vì ngành công nghiệp xuất nhập khẩu của các thị trường khác nhau có trình độ công nghệ và năng lực khác nhau. Tuy nhiên, theo một số cuộc thăm dò gần đây, chưa tới 30% doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ về TPP, và chưa tới 20% các doanh nghiệp ASEAN sẵn sàng cho AEC.
Các quy định mới do các thỏa thuận này đưa ra có thể gây áp lực lên doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) thường bị hạn chế về tài nguyên và chỉ tập trung vào các hoạt động thường ngày. DNVVN có thể thấy các yêu cầu về thủ tục thông quan khó hiểu và phức tạp, và việc thiếu nhân lực cũng như chuyên môn trong nội bộ công ty có thể hạn chế họ hiểu về sự ảnh hưởng của các hiệp định kinh tế.
Nhưng các DNVVN không đơn độc – họ có thể tin tưởng vào các bên thứ ba cung cấp dịch vụ logistics có sẵn các giải pháp đầu-cuối. Một đối tác giỏi có thể giúp các DNVVN sắp xếp hợp lý và tối ưu hóa các quy trình nhằm phục vụ tốt hơn thị trường xuất khẩu mục tiêu. Ví dụ, UPS có trong tay các chuyên gia về hải quan có thể tư vấn cho khách hàng của chúng tôi từ các yêu cầu nhập khẩu bước đầu đến các thị trường, các rào cản mà sản phẩm của họ có thể phải đối mặt, và làm thế nào để vận động điều chỉnh chính sách mà vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định của doanh nghiệp.
Hơn nữa, các công ty logistics nước ngoài có công nghệ và quy trình hỗ trợ các DNVVN cải tiến năng suất. Ví dụ Hệ thống Hóa Đơn Điện Tử của UPS giúp khách hàng gửi thông tin thương mại tới cơ quan hải quan và hợp lý hóa quy trình thông quan. Các khách hàng của UPS có thể cài đặt Worldship, một phần mềm thiết kế trên nền tảng Windows, giúp đơn giản hóa việc vận chuyển nhờ hệ thống tích hợp đơn hàng, dịch vụ khách hàng và các hệ thống kế toán. Những công cụ như vậy rất phù hợp với các DNVVN còn thiếu nhân lực, giúp họ phân bổ nhân lực cho các công việc đem lại hiệu suất cao hơn.
Đặt “Khách hàng là trung tâm”
Công nghệ đã trở thành công cụ xóa dần các rào cản gia nhập và rút ngắn quá trình học hỏi, cho phép những thành viên mới gia nhập lặp lại thành công của các “lão làng” và đưa ra được mức giá thấp tương đương. Điều này đã tạo nên thay đổi mang tính nền tảng trong cách các công ty làm kinh doanh vì giờ đây họ có thể lựa chọn nhà cung cấp họ mong muốn, nhất là khi cần sản xuất với chi phí thấp. Với môi trường kinh doanh hay thay đổi, các nhà cung cấp cần cho thấy họ có nhiều thứ hấp dẫn hơn ngoài chi phí thấp.
Trong nghiên cứu “Made in China 2.0” (MiC 2.0), chúng tôi đã phỏng vấn 1,000 lãnh đạo cấp cao khắp Trung Quốc về việc làm thế nào để các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc –nổi tiếng với chiến lược “giá thành rẻ, giá trị thấp, số lượng lớn” –đối phó với tiến trình phát triển tự nhiên của ngành. Với tình hình nhu cầu đang giảm sút khi chi phí nguyên vật liệu và nhân công lại tăng lên và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nhà cũng cấp giá rẻ khác, nhiều nhà sản xuất của Trung Quốc nhận ra doanh nghiệp của mình cần thay đổi cách thức kinh doanh.
Nghiên cứu cũng tìm ra rằng những công ty đạt được thành công nhất là các công ty nuôi dưỡng quan hệ thân thiết với các khách hàng. Điều này có thể được thực hiện theo các cách khác nhau: một số nhà sản xuất đã nỗ lực để hiểu hơn về môi trường vận hành của khách hàng, một số khác cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng ví dụ như cải tiến sản phẩm.
Các doanh nghiệp Việt cần phấn đấu hơn nữa và không mắc phải lỗi chủ quan cho rằng mình đã hiểu rõ khách hàng. Thường xuyên hỏi thăm khách hàng: Họ gặp phải những thách thức gì? Họ đang làm việc trong môi trường vận hành hoặc pháp lý như thế nào? Khách hàng của họ là ai? Hiểu biết về nhu cầu khách hàng tốt hơn đem lại lợi ích gấp đôi: giúp các nhà sản xuất bán dịch vụ cho các khách hàng tiềm năng tốt hơn, và duy trì lượng khách hàng đang có bằng việc thể hiện tinh thần chủ động. Thêm vào đó, nghiên cứu MiC 2.0 cho thấy các doanh nghiệp đặt yếu tố khách hàng làm trung tâm thường có xu hướng gia tăng được lợi nhuận, doanh thu, thị phần và năng suất so với các đối thủ.
Bài học từ các nhà sản xuất Trung Quốc rất quý giá đối với các nhà cung cấp Việt Nam: tuy giá rẻ có vẻ đang là yếu tố quan trọng, nhưng các doanh nghiệp không cải tiến sẽ vẫn tụt hậu. Những chiến lược này sẽ giúp Việt Nam đi trước các đối thủ ở Campuchia và Myanmar.
Hãy nhanh nhẹn và liều lĩnh
TPP và AEC hoàn tất mở ra kì vọng sẽ đem lại cơ hội phát triển cho Việt Nam, tuy nhiên đồng thời khiến thị trường trở nên đông đúc và cạnh tranh hơn. Ở UPS, chúng tôi làm việc với các khách hàng ở nhiều lĩnh vực, khu vực khác nhau, chúng tôi cũng đã chứng kiến tốc độ thương mại thay đổi như thế nào trong những năm qua. Vòng đời sản phẩm ngắn lại và danh tiếng công ty phụ thuộc vào khả năng có thể hoàn thiện (hoặc sửa chữa) sản phẩm trong thời gian ngắn nhất có thể. Để thành công, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần phải chứng minh rằng họ có thể hội nhập thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng được những kỳ vọng này.
Là một mắt xích trong chuỗi cung cấp đồng nghĩa với việc phải kết nối với hàng loạt doanh nghiệp cách xa về địa lý. Thời gian thực sự là yếu tố cốt yếu và khả năng giảm thiểu các thách thức về khoảng cách là điều sống còn để cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt – điểm này khiến vai trò của logistics nổi bật rõ rệt.
Bằng việc sử dụng một tập hợp các công cụ, nhà cung cấp dịch vụ logistics có thể giúp tạo ra quy trình vận chuyển sản phẩm trơn tru hơn, đơn giản hóa thủ tục hoàn trả, và đảm bảo hàng hóa được vận chuyển với thời gian thuận tiện cho người nhận. Trên thực tế, một nhà cung cấp với giải pháp logistic hoàn thiện có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng từ xa tốt hơn so với nhà cung cấp ở gần hơn nhưng thiếu một kế hoạch rõ ràng.
Ở bước cuối này, UPS đã phát triển một loạt các công cụ nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các doanh nghiệp. Dịch vụ UPS Returns được tối giản hóa để khách hàng của các nhà cung cấp có thể gửi trả lượng hàng tồn đọng, hoặc dễ dàng điều chỉnh lượng hàng hóa sẵn có. Thêm vào đó, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm UPS Quantum View giúp bên giao và nhận hàng theo dõi vị trí các kiện hàng trong quá trình vận chuyển tốt hơn, giúp các nhà sản xuất có thể đẩy công suất khi gần thời điểm giao hàng. Vì vậy, bằng việc hợp tác với nhà cung cấp giải pháp logistics chuyên nghiệp, các DNVVN của Việt Nam có thể tập trung vào các vấn đề kinh doanh cốt lõi và để các chuyên gia giải quyết các vấn đề logistics.
Một tương lai tươi sáng
Môi trường kinh tế thay đổi sẽ làm tình hình cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp trong nước phải phát huy lợi thế cạnh tranh để dẫn trước cuộc chơi. Bằng cách phối hợp chặt chẽ với các bên thứ ba cung cấp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp có thể tận dụng kiến thức, công nghệ, mạng lưới cho chính họ. Chúng tôi tin rằng bằng những công cụ và các giải pháp phù hợp, DNVVN trong nước sẽ tự tin tiếp cận các thị trường mới và hội nhập nhanh chóng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.