Xe máy điện: Cuộc đua khốc liệt

14:07, 21/11/2024

Việc Hà Nội dự kiến từ đầu năm 2025 sẽ hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại 5 khu vực, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà sản xuất xe máy điện.

Hạn chế xe máy xăng sẽ tăng xe máy điện

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Thành phố, nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Theo đó, những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí, bao gồm hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận.

Người sử dụng xe máy điện chưa được khuyến khích bằng chính sách hỗ trợ như với ô tô điện.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện ô tô và xe máy, trong đó hơn 6,7 triệu xe máy. Các phương tiện này chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu nên khí thải khi vận hành là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí.

Cùng với Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác đang thúc đẩy giao thông xanh, kỳ vọng sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra cú huých cho ngành xe điện, trong đó có xe máy.

Hiện tại, hơn 90% hộ gia đình Việt Nam có xe máy và hai phần ba trong tổng dân số 100 triệu người sở hữu xe máy (theo ước tính của Motorcycles Data), phần lớn là xe máy xăng.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần Phương tiện điện Thông minh Selex (Selex Motors), nếu có một quyết định rõ ràng và thời gian hạn chế xe máy xăng cụ thể sẽ tạo một cú huých lớn không chỉ từ phía người dân, mà cả hệ sinh thái doanh nghiệp, các nhà đầu tư mạnh mẽ rót vốn vào lĩnh vực xe máy điện như Trung Quốc năm 2008 (Bắc Kinh quyết định không cho xe máy xăng chạy vào nội đô đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường xe máy điện ngay sau đó).

Hơn 2 năm trước, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông - vận tải. Trong đó, mục tiêu đến năm 2040 là từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất xe máy xăng và đến năm 2050 có 100% xe máy điện tham gia giao thông.

Áp lực xe giá rẻ đến từ Trung Quốc

Trước triển vọng phát triển của thị trường xe máy điện, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia như VinFast, Sơn Hà (thương hiệu xe máy điện EVGO), Selex Motors, Đạt Bike… Mới đây, tại triển lãm Việt Nam Motor Show, Honda công bố gia nhập thị trường xe máy điện Việt Nam.

Các doanh nghiệp xe máy điện Việt Nam đang gặp áp lực trước các dòng xe máy điện Trung Quốc có giá rẻ.

Công nghệ mở tương lai là một chủ đề được quan tâm tại Triển lãm Ô tô, xe máy Việt Nam 2024, trong đó nhiều dòng xe điện được ra mắt. Các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã giới thiệu các mẫu xe điện tiên tiến nhất, công nghệ xanh hiện đại và đa dạng các dòng xe máy, từ những chiếc xe phân khối lớn mạnh mẽ đến các dòng xe phổ thông linh hoạt, phù hợp với nhiều phong cách sống.

Ông Okutani Masahiro, Tổng giám đốc Yamaha Motor Việt Nam chia sẻ: “Thị trường xe máy Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, Yamaha kỳ vọng vào sự bền vững nhờ tính tương thích cao và sự gắn bó sâu sắc của xe máy với đời sống người Việt. Chúng tôi luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp đa dạng nhằm hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về trung hòa các-bon vào năm 2050, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn xã hội”.

Mặc dù dư địa phát triển của thị trường xe máy điện Việt Nam rất lớn, nhưng các doanh nghiệp đang gặp áp lực trước các dòng xe máy điện Trung Quốc có giá rẻ. Xe máy điện do các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất hiện có giá phổ biến từ 20 - 40 triệu đồng/xe, gấp 2 - 3 lần so với xe máy điện Trung Quốc cùng phân khúc.

Theo ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, doanh nghiệp phải bán giảm giá để giữ thị trường và kiên định với chiến lược sản xuất phương tiện thân thiện với môi trường. Trong khi đó, người sử dụng xe máy điện chưa được khuyến khích bằng chính sách hỗ trợ như với ô tô điện.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết, ở phân khúc xe máy điện truyền thống, 80 - 90% xe có nguồn gốc từ Trung Quốc (bao gồm xe nhập nguyên chiếc và xe nhập linh kiện Trung Quốc về lắp đặt).

Doanh nghiệp Việt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông Phước Nguyên đánh giá, ở phân khúc khác, không phải truyền thống, doanh nghiệp Việt vẫn có thế mạnh như Selex Motors, VinFast, Dat Bike đang làm, tức có hệ sinh thái, có đổi pin, hiệu năng của xe tốt.

Phân tích kỹ hơn về thế mạnh của doanh nghiệp sản xuất xe máy điện Việt Nam trên sân nhà, ông Phước Nguyên cho rằng, thứ nhất là hiểu thị hiếu người dùng, đáp ứng nhu cầu xe máy điện có thể đi 100 km, thiết kế kiểu dáng phù hợp. Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp mới, có khả năng về công nghệ và sáng tạo không thua kém các hãng nước ngoài. Thứ ba là khả năng thích ứng, xoay xở.

Hiện nay, ngoài Trung Quốc, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã tuyên bố gia nhập thị trường xe máy điện tại Việt Nam. Thừa nhận doanh nghiệp Nhật Bản là thách thức lớn với doanh nghiệp nội trong sản xuất xe máy điện, bởi họ cũng rất hiểu thị trường Việt Nam, nhưng vị giám đốc Selex Motors nhận xét: “Họ có nhược điểm là doanh nghiệp lớn, xoay xở chậm hơn, tư duy mô hình cũ, trong khi xe điện cần tiếp cận mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp Việt đang tạo ra lợi thế riêng khác biệt trong cuộc cạnh tranh này từ cách tiếp cận, chính sách hậu mãi…”.

Để doanh nghiệp Việt phát triển hơn nữa trong sản xuất xe máy điện, CEO Selex Motor cho rằng, chủ trương, chính sách của Nhà nước có vai trò quan trọng, từ chủ trương phát triển xe máy điện đến mục tiêu năm 2030 đạt số lượng xe máy điện bao nhiêu, chính sách hỗ trợ chuyển đổi về thuế, phí với xe máy điện (như Thái Lan có chính sách trợ cấp thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng, phí biển số). Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng năng lượng, ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp sản xuất xe máy điện (giảm thuế nhập khẩu linh kiện, không thu lệ phí trước bạ xe điện), bởi họ đang ở giai đoạn đầu tư, cần được khuyến khích.

Để thúc đẩy lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, chuyển từ xe xăng sang xe điện, nhiều nước trong khu vực có chính sách hỗ trợ người dân như Ủy ban Chính sách xe điện của Thái Lan đã thông qua Gói biện pháp thúc đẩy thị trường xe điện 3.5 giai đoạn 2024 - 2027, bao gồm trợ cấp từ 5.000 - 10.000 baht (tương đương 3,5 - 7 triệu đồng) đối với người mua xe máy điện có giá bán dưới 150.000 baht (khoảng 100 triệu đồng) và sử dụng bộ pin có công suất tối thiểu 3kWh.

Tại Indonesia, chính phủ nước này ban hành chính sách trợ giá cho người dân mua xe máy điện, mức hỗ trợ lên tới 7 triệu rupiah, tương đương gần 11 triệu đồng/xe.