Xu hướng phát triển khoa học - công nghệ mật mã và thách thức đối với quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới (phần 2)

11:20, 27/09/2024

Các xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ mật mã đã đặt ra nhiều thách thức đối với quốc phòng - an ninh và ngành Cơ yếu Việt Nam trong giai đoạn mới.

Xu hướng phát triển khoa học - công nghệ mật mã và thách thức đối với quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới (phần 2)

Một số thách thức đặt ra đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới hiện nay

Sự xuất hiện của máy tính lượng tử và ảnh hưởng đối với an toàn, bảo mật cho các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia

Các biện pháp bảo mật công nghệ thông tin truyền thống đã phát triển đến mức có thể hoạt động đáng tin cậy trước các mối đe dọa an ninh mạng truyền thống. Ví dụ, thực hiện mã hóa dữ liệu với các khóa kỹ thuật số dài và phức tạp mà máy tính truyền thống phải mất nhiều năm mới giải mã được. Khả năng nổi bật của điện toán lượng tử là có thể giải mã các thông tin được mã hóa an toàn theo tiêu chuẩn ngày nay. Do đó, một máy tính lượng tử đủ tiên tiến có thể dễ dàng phá vỡ các biện pháp bảo mật truyền thống (chỉ trong vài phút cho đến vài giờ, so với hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ năm mà một máy tính truyền thống cần thực hiện).

Công nghệ lượng tử sẽ giúp tăng tốc đáng kể khả năng tính toán, mang lại lợi thế trong việc phân tích dữ liệu, mô hình hóa quy trình công nghiệp hoặc tối ưu hóa luồng lưu lượng thông tin mạng. Ngược lại, sức mạnh tính toán lượng tử sẽ dễ dàng phá khóa mật mã của các hệ mật dựa trên độ phức tạp tính toán như hệ mật RSA dựa trên bài toán phân tích ra thừa số nguyên tố lớn (đây vốn là một bài toán khó đối với máy tính truyền thống). Như vậy, máy tính lượng tử sẽ là mối đe dọa đối với các giải pháp mật mã được sử dụng rộng rãi như RSA hoặc ECC.

Ngày 24/10/2023, Tạp chí New Scientist đã công bố một kỷ lục mới về máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới có số qubit lượng tử vượt qua con số 1.000. Con số này lớn hơn gấp đôi số lượng qubit của cỗ máy đang giữ kỷ lục thế giới trước đó là máy tính Osprey của IBM (433 qubit). Những máy tính lượng tử lớn nhất như của IBM và Google sử dụng mạch siêu dẫn làm lạnh tới nhiệt độ cực thấp, nhưng cỗ máy lập kỷ lục đến từ công ty khởi nghiệp Atom Computing ở California sở hữu đến 1.180 qubit, sử dụng nguyên tử trung tính giữ cố định bởi laser trong mạng hai chiều. Theo dự đoán của NIST, đến năm 2030, máy tính lượng tử sẽ phá vỡ hoàn toàn các hệ mật dựa trên độ phức tạp tính toán, chẳng hạn như RSA hay ECC. Do đó, nhiều quốc gia và các tổ chức đã và đang có những kế hoạch chuyển dịch lượng tử của mình.

Thách thức của các nền tảng công nghệ mới đối với quốc phòng - an ninh quốc gia

Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng của các nền tảng công nghệ mới trong lĩnh vực viễn thông vệ tinh thế hệ mới và trí tuệ nhân tạo trong các hệ thống vũ khí, khí tài quân sự như robot chiến đấu tự động, drone tấn công, hệ thống vũ khí tự hành, các hệ thống giám sát, phân tích tình báo… một mặt mang lại nhiều cơ hội cho việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, nhưng đồng thời cũng gây ra những nguy cơ và thách thức mới đối với an ninh quốc gia.

Thách thức trong việc đảm bảo an toàn thông tin và quyền riêng tư: Các thách thức trong việc đảm bảo quyền riêng tư trước tiên thể hiện ở khía cạnh khả năng xâm nhập của các nền công nghệ mới được sử dụng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng vào quyền riêng tư cá nhân. Việc sử dụng các công nghệ giám sát và thu thập dữ liệu có thể xâm phạm vào quyền riêng tư của các cá nhân và tổ chức. Việc thu thập dữ liệu nhạy cảm về vị trí, hành vi và thông tin cá nhân có thể gây ra sự lo ngại về quyền riêng tư và tự do cá nhân. Sự thu thập và sử dụng dữ liệu quân sự có thể đặt ra những thách thức về đạo đức và pháp lý. Nhìn chung, nguy cơ mất quyền riêng tư và an toàn thông tin trong lĩnh vực quân sự đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận trong việc ứng dụng đồng thời yêu cầu triển khai các biện pháp kiểm soát và bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ. Đảm bảo rằng các hệ thống quân sự được sử dụng một cách an toàn và có ích cho an ninh quốc gia là một ưu tiên hàng đầu.

Thách thức về đạo đức và pháp lý: Thách thức về đạo đức và pháp lý là một phần quan trọng của việc xem xét và đối phó với sự phát triển của các công nghệ mới trong lĩnh vực quân sự. Đảm bảo rằng các biện pháp được thực hiện tuân thủ các quy định và nguyên tắc đạo đức và pháp lý là cần thiết để đảm bảo rằng việc sử dụng vũ khí và công nghệ quân sự được thực hiện một cách có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người. Sự phát triển của các công nghệ mới như hệ thống vũ khí tự hành, drone tấn công đặt ra những thách thức mới về việc áp dụng quy định quốc tế về chiến tranh. Bên cạnh đó, việc làm thế nào để đảm bảo rằng các quyết định liên quan đến việc sử dụng vũ khí công nghệ mới được đưa ra một cách đạo đức và hợp lý là một thách thức cho các quốc gia và các tổ chức quân sự.

Nguy cơ từ các cuộc tấn công có chủ đích sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại

Nguy cơ mất kiểm soát và lạm dụng: Đây là khả năng mất kiểm soát và lạm dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực quân sự, dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Các hệ thống quân sự sử dụng các công nghệ mới có thể trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công mạng. Các công nghệ mới khi được sử dụng trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng đòi hỏi phải được kiểm soát và quản lý hiệu quả, nếu không có các biện pháp kiểm soát và quản lý hiệu quả, các hệ thống quân sự có thể trở nên không ổn định và dễ bị kiểm soát bởi các thực thể không mong muốn, từ các hacker cá nhân đến các quốc gia hoặc tổ chức tội phạm.

Nguy cơ mất an ninh quốc gia đối với các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Trong môi trường công nghệ thông tin truyền thống, các vụ tấn công xâm nhập thường dẫn tới gián đoạn hoạt động, mất mát dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu cá nhân; còn trong môi trường OT, việc bị tấn công, xâm nhập dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng và trực tiếp hơn như cháy, nổ, mất điện trên diện rộng,… đe dọa trực tiếp sự sống của con người, an toàn môi trường và an ninh quốc gia.

Nguy cơ mất an toàn hệ thống thông tin quốc gia khi thực hiện xu hướng “tập trung hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia”.

Xu thế “tập trung hóa” việc xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia của Việt Nam để phục vụ cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đang là một xu hướng được triển khai quyết liệt tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề “tập trung hóa CSDL” có vẻ đi ngược với xu thế phát triển chung của thế giới là “phi tập trung” đang phát triển, công nghệ chuỗi khối Blockchain, công nghệ tài chính phi tập trung DeFi, công nghệ Internet thế hệ mới Web 3.0 dựa trên công nghệ phân tán,…. Giải quyết bài toán hiệu năng, hiệu suất và đặc biệt là vấn đề an toàn, bảo mật của các CSDL tập trung là một trong những nhiệm vụ khó và cần nhiều nguồn lực, đặc biệt đối với những CSDL có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như CSDL căn cước công dân nếu được tích hợp đầy đủ thông tin ADN công dân.

Về ảnh hưởng của hoạt động thương mại sử dụng tài sản ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương đối với an ninh kinh tế - xã hội

Với các hoạt động kinh doanh sử dụng tài sản ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số Ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC), Việt Nam sẽ không quản lý, kiểm soát được, Nhà nước sẽ thất thu thuế, nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn về kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Việt Nam chưa có các căn cứ về pháp lý cho công nghệ liên quan đến tài sản ảo - tài sản mã hóa, tiền ảo - tiền mã hóa, CBDC. Đây sẽ là rào cản cho phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế liên quan đến lĩnh vực này, dẫn đến nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia khác và cũng là nguy cơ gây bất ổn cho xã hội.

Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu về tiền mã hóa ngân hàng trung ương và đề xuất các mô hình, giải pháp có thể áp dụng cho Việt Nam. Đây là nhiệm vụ khó, nhạy cảm, cần phải thận trọng để bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn cho nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội.

Xu hướng phát triển khoa học - công nghệ mật mã và thách thức đối với quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới (phần 2)

Một số chính sách và giải pháp đặt ra trong giai đoạn mới

Trước những thách thức đặt ra ở trên, nhiệm vụ phát triển nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một số chính sách và giải pháp lớn cần được triển khai thực hiện là:

Thứ nhất, cần xác định định hướng phát triển khoa học - công nghệ mật mã ngành Cơ yếu trong từng giai đoạn, vừa phải phù hợp với khả năng của Ngành, vừa phải bắt kịp với những tiến bộ của thời đại, hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu của ngành như Bảo vệ bí mật nhà nước; giám sát an toàn thông tin, an ninh mạng; xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học - công nghệ mật mã theo từng giai đoạn. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhu cầu hiện đại hóa ngành Cơ yếu là rất cấp thiết, đòi hỏi chúng ta cần phải có những loại hình mật mã mới để bảo vệ thông tin cấp độ Tuyệt mật phù hợp triển khai trong các môi trường trực tuyến phục vụ công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, toàn diện.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tạo sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, trong thời gian tới, để xây dựng ngành Cơ yếu cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại theo Nghị quyết số 56-NQ/TW, bài toán phải giải quyết là việc xây dựng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thay đổi cả về “chất” và “lượng” của nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ mật mã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và có chính sách thu hút nguồn lực từ bên ngoài dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và thị trường khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế.

Thứ tư, hợp tác quốc tế là mục tiêu và phương thức để tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới, thu hút nguồn lực cho các hoạt động khoa học và công nghệ mật mã, trên cơ sở bảo đảm tính độc lập, tự chủ, chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác truyền thống, cũng như các đối tác chiến lược và tận dụng cơ hội từ các hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo, tư vấn với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, các chuẩn mực quốc tế.

Cuối cùng, cần tăng cường năng lực dự báo chiến lược về xu thế phát triển của khoa học - công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới; gắn nhiệm vụ phát triển khoa học -công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Ưu tiên nghiên cứu phát triển các hệ thống mật mã có khả năng kháng máy tính lượng tử, các giải pháp kỹ thuật nghiệp vụ mật mã đảm bảo an toàn trước những kỹ thuật tấn công, thám mã tiên tiến, hiện đại.