Xu hướng tin giả trên Facebook và Twitter ngày càng tăng
Trước cuộc bầu cử ở Mỹ, cả Facebook và Twitter đều cố gắng thực hiện các biện pháp chống thông tin sai lệch nhưng không thực sự mang lại hiệu quả.
Nghiên cứu mới công bố của German Marshall Fund cho thấy, vào năm 2020, mặc dù Twitter và Facebook đã nỗ lực hạn chế thông tin sai lệch, nhưng nội dung lừa đảo từ các trang web kém uy tín vẫn gia tăng.
Xu hướng nội dung lừa đảo gia tăng do chính sách kiểm soát nội dung kém?
Trên Twitter, sự lây lan của những trang web lừa đảo có “mức cao nhất trong lịch sử” vào quý 4 năm ngoái, khi nội dung của các trang này bị Twitter xóa 47 triệu lần. Nghiên cứu cho thấy: “So với các nội dung khác, nội dung của các trang web lừa đảo đã mở rộng phạm vi phủ sóng với tốc độ nhanh hơn”.
Một đại diện của Twitter xác nhận: “Báo cáo này nêu bật mối quan ngại của chúng tôi về sự gia tăng của tin giả, bao gồm việc các tổ chức, cá nhân có lượng theo dõi cao đang cố gắng khuếch đại thông tin sai lệch và gây hiểu lầm. Đó là lý do tại sao trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, chúng tôi đã đưa các biện pháp để hạn chế những tweet vi phạm quy định”.
Nhiều nhà nghiên cứu trên Facebook phát hiện ra rằng số lượng tương tác với các trang web lừa đảo vào năm 2020 cao gấp đôi so với trước cuộc bầu cử năm 2016. Con số này bao gồm 1,2 tỷ tương tác với các trang web lừa đảo trong quý 4 năm ngoái.
Trước cuộc bầu cử ở Mỹ, cả Facebook và Twitter đều thực hiện nhiều biện pháp chống thông tin sai lệch. Ví dụ: cả hai công ty đã gắn nhãn nội dung liên quan đến bầu cử để đánh dấu nội dung xuyên tạc tiềm ẩn. Theo đại diện của Twitter, khoảng 0,2% nội dung trên mạng xã hội này có liên quan đến cuộc tổng tuyển cử Mỹ (300 nghìn tweet) đã được gắn nhãn có thể gây hiểu lầm. Sau cuộc bỏ phiếu, Facebook cũng cấm quảng cáo chính trị, nhưng kết quả chưa được công bố.
Theo đánh giá của German Marshall Fund, nỗ lực cải thiện nội dung chính xác trong những tuần trước cuộc bầu cử năm 2020 là hữu ích, nhưng không ngăn được nội dung lừa đảo. Tác giả của báo cáo, Adrienne Goldstein, cho biết đã nhận thấy sự gia tăng lan truyền nội dung lừa đảo trên Twitter trong những tuần sau cuộc bầu cử, bao gồm cả tuyên bố vô căn cứ về hành vi gian lận cử tri.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra nhiều trang web lừa đảo trên Twitter và Facebook được đặt tại Mỹ, điều này làm dấy lên lo ngại về vấn đề thông tin sai lệch ngày càng tăng ở quốc gia này, cũng như trên toàn cầu.
Giá cổ phiếu Facebook giảm sau khi lên án chính sách dữ liệu của Apple
Ít ngày trước, sau khi Facebook công bố báo cáo thu nhập quý mới, Mark Zuckerberg lên tiếng chỉ trích những điều chỉnh sắp tới trong chính sách quảng cáo của Apple. Trọng tâm CEO Facebook nhấn mạnh là tính năng minh bạch theo dõi cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của họ đã được Apple công bố hồi năm ngoái.
Đối với Facebook, đây là một vấn đề khá hóc búa bởi mạng xã hội này đang kiếm lợi lớn từ các hoạt động quảng cáo nhắm mục tiêu. Chính sách mới từ Apple sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ.
Tháng 12/2020, Facebook tái khởi động cuộc “khẩu chiến” với Apple khi đăng một loạt quảng cáo toàn trang trên New York Times và Washington Post để chỉ trích chính sách của “nhà Táo”. Facebook cho biết, các doanh nghiệp nhỏ sẽ lo ngại về những thay đổi sắp tới đối với hệ điều hành di động iOS 14 của Apple. Sự thay đổi sẽ hạn chế khả năng của các công ty như Facebook trong việc thu thập dữ liệu người dùng di động và phân phối quảng cáo.
Trong rất nhiều lần, Tim Cook nhấn mạnh việc người dùng nên có quyền lựa chọn dữ liệu của riêng mình. Ngoài ra, chính sách dữ liệu mới của Apple vẫn cho phép Facebook tiếp tục theo dõi người sử dụng, nhưng cần có sự đồng ý của người dùng trước.
Cook chia sẻ trên Twitter: “Chúng tôi tin rằng người dùng có quyền lựa chọn dữ liệu nào được thu thập và cách sử dụng dữ liệu này. Facebook có thể tiếp tục theo dõi người dùng trên các ứng dụng và trang web như trước đây. Tính minh bạch theo dõi ứng dụng trong iOS 14 chỉ yêu cầu sự chấp thuận của người dùng có các hoạt động của nhà quảng cáo”.
Chưa rõ khi nào Apple dự định tung ra bản cập nhật này, nhưng Facebook dường như chưa dừng lại ở đó. Ngoài việc “khẩu chiến” giữa 2 người đứng đầu, có nguồn tin xác nhận Facebook đã thuê luật sư và chuẩn bị nộp đơn kiện chống độc quyền đối với Apple. Vụ kiện này nhằm cáo buộc Apple có những quy định không công bằng trên kho ứng dụng App Store, cụ thể là việc bắt buộc phải sử dụng hệ thống thanh toán của “nhà Táo”.
Năm ngoái, nhà phát triển Epic Games cũng đệ đơn kiện tương tự, yêu cầu tòa án buộc Apple phải thay đổi mô hình kinh doanh trên kho ứng dụng. Bên cạnh đó, Spotify Technology của Thụy Điển và trang mạng xã hội Match Group đã tham gia tổ chức phi lợi nhuận Liên minh vì sự công bằng ứng dụng (The Coalition for App Fairness), chuẩn bị thách thức mô hình hoạt động của App Store.
Tuy nhiên, việc lên án chính sách bảo mật sắp tới của Apple đã khiến các ông lớn công nghệ bị ảnh hưởng không nhỏ, khi cố gắng can thiệp vào quyền bảo mật riêng tư của người dùng. Không chỉ không kiểm soát được dữ liệu quảng cáo nhắm mục tiêu, người dùng có thể trở thành đối tượng bị tấn công bởi vấn nạn tin giả và thông tin lừa đảo. Hôm thứ Năm tuần trước, cổ phiếu Facebook đóng cửa ở mức 265 USD/cổ phiếu, giảm 2,6% và tiếp tục có dấu hiệu giảm trong những ngày tiếp theo.
Theo vietnamnet.vn