Xử phạt thuế thương mại điện tử với hơn 30.000 cá nhân
Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính.
Truy thu xử phạt là 1.225 tỷ đồng
Năm 2024, ngành Tài chính đã có những thành tựu vượt bậc, ấn tượng khi cán đích nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trước 2 tháng và kết thúc năm 2024, số thu NSNN lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 19,1% so với dự toán được giao. Kết quả thu NSNN tăng cao góp phần đảm bảo nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…
Thành công này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngành Tài chính kiên trì thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tổng quy mô gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 lên đến khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Nhiều chính sách nổi bật, có tác động lan tỏa lớn như: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực thuế đã được đặt ra. Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý đó là vấn đề thu thuế đối với người nổi tiếng tham gia thương mại điện tử (TMĐT).
Về vấn đề này, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết theo quy định, không phân biệt người nổi tiếng hay không, mà cứ phát sinh thu nhập thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế của mình: tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm.
Cơ quan thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ và thực hiện các giải pháp thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có để đảm bảo công bằng trong hoạt động của doanh nghiệp, đồng tời hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình.
Đối với người nổi tiếng tham gia livestream bán hàng, tiếp thị liên kết, ông Mai Sơn cho biết đã có giải pháp chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý: tuyên truyền, hỗ trợ, xây dựng TMĐT dành cho cá nhân kinh doanh trong nước, các tài liệu hướng dẫn kèm theo, đồng thời thực hiện xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu từ các bộ ngành, các sàn TMĐT để đảm bảo có cơ sở dữ liệu của người nộp thuế.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có thế mạnh, có nhiều người nổi tiếng tham gia kinh doanh TMĐT trên nền tảng số. Như cục thuế TP. Hồ Chí Minh đưa vào danh sách có 300 người cá nhân người nổi tiếng có hoạt động TMĐT và đưa vào danh sách kiểm tra trong năm 2025. Danh sách những người nộp thuế lớn cơ quan thuế đã phân loại theo tiêu chí rủi ro để thanh kiểm tra.
“Hiện cả nước đưa cá nhân kinh doanh TMĐT vào diện rà soát có tổng số 76.428 cá nhân. Qua rà soát kiểm tra, hơn 30.019 cá nhân bị xử lý do có sai phạm, truy thu xử phạt là 1.225 tỷ đồng. Các sàn TMĐT lớn như Sendo, Lazada, Shopee, Tikok… chúng tôi đều đã có số liệu để kiểm soát thuế, các số liệu để đối chiếu, xử lý vi phạm nếu có, đồng thời tạo môi trường cho những người nộp thuế cả trong và người nước, các cá nhân tham gia để thực hiện nghĩa vụ thế theo quy định”, ông Sơn nói.
Ngành thuế đã ra quyết định xử phạt thuế thương mại điện tử với hơn 30.000 cá nhân.
Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh
Một vấn đề được đặc biệt quan tâm đó là câu chuyện về Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, đặc biệt là về các ý kiến nâng mức giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh lạm phát tăng gây khó khăn cho người nộp thuế.
Về vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết về tiến độ xây dựng dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ lộ trình sửa đổi luật thuế này. Tháng 11/2024, Bộ Tài chính đã có công văn gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của Bộ về các nội dung dự kiến sẽ sửa luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Về các nội dung dự kiến sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi tổng thể, căn bản với 7 nhóm chính sách liên quan nội dung thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh, biểu thuế, thuế suất… Hiện nay, Bộ Tài chính đã tổng hợp các ý kiến, góp ý của các bộ, ngành, địa phương. Sau 60 ngày, Bộ Tài chính sẽ gửi hồ sơ dự án luật đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định theo trình tự. Dự kiến, dự thảo luật thuế TNCN sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tháng 5/2026.
Còn về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, ông Tuấn cho biết theo Luật thuế TNCN hiện hành, CPI biến động 20% so với lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của CPI. Hiện nay, Bộ Tài chính theo dõi sát sao diễn biến chỉ số CPI thời gian qua, từ khi UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất là 2020 đến nay thì biến động CPI chưa vượt ngưỡng 20% như quy định trong luật.
“Song, chúng tôi dự báo đến 2025 mà CPI có biến động thì có thể dẫn đến việc Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ báo cáo UBTVQH có nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”, ông Tuấn thông tin.