Xuất hiện mã độc nguy hiểm âm thầm đánh cắp tiền điện tử

05:14, 09/02/2022

Trong đầu tháng 2, nhà nghiên cứu bảo mật 3xp0rt đã công bố những phân tích chi tiết về mã độc Mars Stealer. Dù có kích thước chỉ 95kb, thế nhưng mức độ nguy hiểm đáng báo động khi có thể tấn công loạt mục tiêu như các trình duyệt phổ biến, ví tiền điện tử và các trình xác thực hai lớp.

Theo đó, Mars Stealer là một bản nâng cấp của trojan Oski (2019) và có thể cướp được tiền điện tử lưu trữ trong ví người dùng bằng cách tấn công các tiện ích mở rộng trình duyệt của ví.

“Mars Stealer được viết bằng ASM/C sử dụng WinApi, kích thước khoảng 95kb. Sử dụng các kỹ thuật đặc biệt để ẩn lệnh WinApi, mã hóa chuỗi, thu thập thông tin trong bộ nhớ, hỗ trợ kết nối SSL bảo mật với C&C, không sử dụng CRT, STD”, 3xp0rt mô tả.

Mars Stealer - mã độc nguy hiểm âm thầm đánh cắp tiền điện tử - ảnh 1

Mars Stealer đáng quan ngại khi nhắm đến nhiều trình duyệt, trình bảo mật và ví tiền điện tử phổ biến

3xp0rt nhận định Mars Stealer có thể dễ dàng xâm nhập tiện ích mở rộng liên quan đến tiền điện tử, bao gồm các ví phổ biến như MetaMask, ví Nifty, ví Coinbase, ví Binance Chain và Tron Link. Mã độc này nhắm đến các tiện ích mở rộng nhân Chromium, vậy nên những trình duyệt như Google Chrome, Cốc Cốc hay Microsoft Edge (phiên bản chromium) sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Mars Stealer có thể trích xuất thông tin có giá trị liên quan đến máy tính như vi xử lý, tên máy tính, ID máy, GUID, phần mềm đã cài đặt và các phiên bản của chúng, tên người dùng và tên miền của máy tính.

Về cách thức hoạt động, mã độc này xâm nhập vào các tiện ích mở rộng của ví bằng cách lây lan qua nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các trang web lưu trữ tệp, ứng dụng torrent và các trang web không tin cậy. Sau khi xâm nhập được vào tiện ích mở rộng ví tiền điện tử, mã độc sẽ phá khóa cá nhân cũng như bảo mật hai lớp (Google Authenticator, Authy, GAuth Authenticator hay Trezor Password Manager), sau đó sẽ xóa mọi dấu vết trộm cắp rồi thoát khỏi tiện ích mở rộng.

Minh Thùy (T/h)