Yêu cầu các sàn TMĐT, website bán hàng gỡ bỏ các thiết bị kích sóng, gây nhiễu sóng

16:39, 22/04/2024

Dù nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động, thế nhưng, một số website, ứng dụng bán hàng, sàn thương mại điện tử (TMĐT) đăng bán thiết bị gây nhiễu sóng và thiết bị kích sóng điện thoại di động, vi phạm quy định của pháp luật.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS - Bộ Công Thương) nhận được công văn số 20⁄CTS-TTra của Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) phản ánh về việc một số website, ứng dụng bán hàng, sàn TMĐT đăng bán thiết bị gây nhiễu (thiết bị phá sóng) và thiết bị kích sóng điện thoại di động không đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại Khoản 1 điều 47 Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 ngày 23/11/2009 quy định: “1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng thiết bị gây nhiễu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phòng ngừa ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Cơ quan, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp đặc biệt cần thiết sử dụng thiết bị gây nhiễu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định: “Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động”.

Nhằm ngăn ngừa việc gây nhiễu có hại tới mạng thông tin di động và thiết bị gây nhiễu (thiết bị phá sóng) không đúng quy định, Cục TMĐT&KTS yêu cầu các sàn TMĐT, ứng dụng, website bán hàng trực tuyến kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm; Triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm.

Trước đó, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 4, Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý nhiều trường hợp gây nhiễu sóng tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Các trường hợp này đều sử dụng các thiết bị gây nhiễu sóng không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường, không được chứng nhận hợp quy…

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), thiết bị kích sóng di động là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu, nhằm cải thiện cường độ sóng.

Theo quy định, chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần mới được sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động trong hệ thống mạng thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng.

Một số thiết bị kích sóng di động được bán trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Người dân không được tự ý lắp đặt hay sử dụng thiết bị kích sóng. Trường hợp tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng di động có thể sẽ gây can nhiễu, khó khăn trong việc kết nối các cuộc gọi của các thuê bao di động khác trong khu vực. Thậm chí, các thiết bị này có thể ảnh hưởng tới trạm thu phát sóng di động của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng... Sử dụng thiết bị kích sóng gây nhiễu có hại đối với mạng viễn thông di động công cộng, người lắp đặt trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện. Người kinh doanh thiết bị cũng bị xử phạt vi phạm hành chính đến 50 triệu đồng.

Được biết, thời gian qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã thanh kiểm tra sử dụng tần số do có nhiều vụ kẻ gian sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, hoặc người dân sử dụng các thiết bị không hợp quy, phát sóng gây nhiễu tín hiệu khóa thông minh.

Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm, đồng thời giải quyết nhiễu cho 108 đài vô tuyến điện bị nhiễu, chủ yếu là trạm gốc di động.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/yeu-cau-cac-san-tmdt-website-ban-hang-go-bo-cac-thiet-bi-kich-song-gay-nhieu-song-120129.html)