Bao giờ Việt Nam có vệ tinh Vinasat-2

00:00, 20/04/2009

Sau đúng một năm (19/4/2008) kể từ ngày đưa vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam – Vinasat-1 lên quỹ đạo, đến nay hiệu quả thực tế cũng như khả năng khai thác và ứng dụng vệ tinh này đã được chứng minh đúng như kế hoạch ban đầu đề ra. Thành công của Vinasat-1 sẽ giúp Việt Nam tự tin hơn trong việc xây dựng một Vinasat-2 tiếp theo nhằm phát triển một chiến lược không gian lâu dài và bền vững.

Trải qua bao khó khăn, vất vả...

Dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-1 “phôi thai” từ năm 1998, và phải mất 10 năm mới hoàn thành sau muôn vàn khó khăn, chủ yếu là đàm phán về quỹ đạo. Để có được quỹ đạo, Việt Nam phải phối hợp với từ 10 đến 20 nước cho mỗi vị trí quỹ đạo xin đăng ký. Do mỗi nước có khoảng từ 5 đến 40 hệ thống nên đây là công việc cực kỳ khó khăn và vất vả.

Việc đàm phán khó khăn nhất phải kế đến là đàm phán với Nhật Bản, Tonga, Trung Quốc, Indonesia, Nga - những quốc gia đã có vệ tinh hoặc đã đăng ký quĩ đạo cùng vị trí hoặc ở vị trí lân cận quĩ đạo 132 độ Đông. Tới tận tháng 2/2005, việc đàm phán với những nước này mới cơ bản hoàn tất. Thời gian 3 năm còn lại quá ít cho một dự án tầm cỡ như Vinasat-1 với hàng núi công việc cần hoàn thành.

... đến thời khắc lịch sử

Đúng 5 giờ 17 phút, giờ Việt Nam, ngày 19/4/2008 tại Kourou, tên lửa đẩy Arian 5 đã rời bệ phóng để đưa 2 vệ tinh viễn thông, một của Bazil – StarOne2, và một là Vinasat-1 của Việt Nam vào quỹ đạo. Đúng 20 phút sau (lúc 5h37), đại diện Lockheed Martin tại Mỹ điện thoại cho tổ phóng vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam tại Kourou thông báo rằng vệ tinh Vinasat-1 đã gửi tín hiệu đầu tiên về trái đất, báo hiệu việc phóng vệ tinh đã thành công.

Tại buổi truyền hình trực tiếp phóng vệ tinh Vinasat-1 tại Trung tâm hội nghị quốc tế, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng khẳng định ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn của sự kiện này. Thủ tướng cho rằng việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 sẽ giúp khẳng định chủ quyền không gian của Việt Nam.
 
Đây cũng sẽ là cầu nối truyền thông quan trọng giữa Việt Nam với khu vực và thế giới, giúp đưa viễn thông nước nhà lên một tầm cao mới. Vinasat-1 sẽ giúp đưa dịch vụ viễn thông và công ích tới các vùng núi xa xôi và hải đảo, hỗ trợ thông tin cho ngư dân, thúc đẩy kinh tế biển và giúp phòng chống thiên tai.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi của Ban chỉ đạo Quốc gia dự án phóng vệ tinh Việt Nam Vinasat và các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua. Các đơn vị này đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán để có được vị trí 132 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh.

Ngay tại Kourou, Guyana - lãnh thổ thuộc Pháp tại Châu Mỹ, nơi phóng vệ tinh Vinasat-1, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết ông cảm thấy tự hào với thành công của Vinasat-1. Bộ trưởng tin rằng Vinasat-1 sẽ được khai thác, vận hành và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì mục tiêu dân sinh, hòa bình và phát triển. Bộ trưởng cũng tin rằng Việt Nam sẽ có thêm những vệ tinh Vinasat -2, 3... để đưa đất nước trở thành quốc gia có khả năng làm chủ không gian, vũ trụ.

Gần như ngay lập tức, các tờ báo lớn của nước ngoài như AFP, AP, Reuters, Bloomberg... cũng có những bài viết về sự kiện phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 và nhận định rằng nó sẽ giúp thúc đẩy ngành viễn thông của Việt Nam tiến xa hơn và nhanh hơn trong lộ trình cạnh tranh viễn thông với các quốc gia khác trên thế giới.

8 ngày sau khi phóng, vệ tinh Vinasat-1 đã được đưa vào quỹ đạo 132 độ Đông, và hoạt động ổn định từ đó cho tới nay. Vinasat-1 là vệ tinh địa tĩnh nằm cách mặt đất 36.000km, ngay trên bầu trời của nước ta. Với việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam đã trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 tại Đông Nam Á có vệ tinh riêng. Sự kiện này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chiếc lược phát triển lâu dài và bền vững của ngành viễn thông nước nhà.

Một năm nhìn lại

Mặc dù đã một năm trôi qua nhưng cảm nhận của Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT tại buổi lễ kỷ niệm 1 năm phóng vệ tinh Vinasat-1 (ngày 19/4/2009) vẫn rất bồi hồi và xúc động. Ông tự hào với thành công của Vinasat-1 và cho rằng đó là bước tiến đầu tiên trong công cuộc chinh phụ vũ trụ của đất nước. Sự thành công của Vinasat-1 là sự đền đáp công sức 10 năm của biết bao cá nhân, cơ quan và tổ chức tham gia vào dự án này, đặc biệt là những khó khăn về quá trình đàm phán, những rào cản kỹ thuật, đào tạo nhân lực...

* Hoạt động tốt: Sau 1 năm hoạt động, tất cả các thông số của Vinasat-1 đều được kiểm nghiệm đạt hiệu quả tốt, và thậm chí một số thông số còn tốt hơn mức ban đầu đề ra. Vinasat-1 được theo dõi 24/24 bởi một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật lành nghề của Việt Nam với sự tư vấn cũng như hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.

Thời gian đầu, việc điều hành Vinasat-1 do các chuyên gia nước ngoài phụ trách, nhưng sau đó nó nhanh chóng được chuyển cho các kỹ sư Việt Nam. Đến nay thì các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ hệ thống điều khiển này. Các chuyên gia nước ngoài chỉ tham vấn và đóng góp kinh nghiệm cho những tình huống cực kỳ phức tạp.

Tại Trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương, Hà Nội, luôn có 22 kỹ sư túc trực làm nhiệm vụ theo dõi, đánh giá, phân tích số liệu của vệ tinh Vinasat-1. Các kỹ sư này được đào tạo bài bản tại Mỹ và Luxembourg. Trước khi gửi lệnh thực thi lên vệ tinh, luôn có một vệ tinh giả lập để thực hiện các lệnh này nhằm đảm bảo độ chính xác đến tuyệt đối.

* Khai thác, kinh doanh dịch vụ: Theo ông Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế (VTI), thì cho tới nay đã có tới 70% dung lượng của Vinsat-1 được sử dụng. Trong năm nay, VTI – đơn vị quản lý Vinasat-1 dự kiến sẽ đưa dung lượng khai thác của vệ tinh này lên 100% thông qua việc đẩy mạnh hoạt động tiếp thị khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời, VTI đang cân nhắc mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nhằm tạo ra sự linh hoạt cho cả khách hàng và nhà cung cấp.

Về giá cả, ông Cường cho rằng giá dịch vụ Vinasat-1 hiện nay là hợp lý nếu xét trên các yếu tố chất lượng dịch vụ, hiệu quả sử dụng, và quy mô triển khai. Ông Cường cũng khẳng định rằng VTI sẽ cố xây dựng một khung giá cước phù hợp hơn nữa để đảm bảo rằng dịch vụ cung cấp có tính cạnh tranh nhất.

Về khách hàng sử dụng, ngoài các khách hàng ban đầu là Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, ngành dầu khí..., VTI còn ký thỏa thuận cung cấp dung lượng vệ tinh Vinasat-1 cho VTC, Viettel, Gtel, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Ngoại giao... Ngoài các khách hàng lớn, VTI còn hướng tới những doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu sử dụng dịch vụ vệ tinh với các chính sách đãi.

Ngoài khách hàng “nội”, VTI còn hướng tới khách hàng “ngoại”, cụ thể là với các đối tác tại Thái Lan, Singapore, Indonesia và Lào. Dựa trên năng lực phủ sóng thì Vinasat-1 còn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng không chỉ tại Đông Nam Á mà còn ở những thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc Nhật Bản, và thậm chỉ là cả vùng Hawaii của Mỹ. Dựa trên khả năng thực tế này, VTI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác nước ngoài khác như: SES ASTRA - hãng khai thác vệ tinh của Luxembourg (hợp đồng đào tạo); ABS – Hongkong (hợp tác kinh doanh và trao đổi lưu lượng vệ tinh); và Universal Telecom Services – Mỹ (hợp đồng làm đại lý bán lại băng tần vệ tinh Vinasat-1).

*Sẽ tính tới Vinasat - 2: Vẫn theo ông Cường, nếu dựa trên thực tế khai thác vệ tinh Vinasat-1 như hiện nay thì đến năm 2010 sẽ sử dụng hết 100% dung lượng của vệ tinh này. Ông Cường cũng cho rằng năm 2010 là thời điểm tốt để cân nhắc về một vệ tinh Vinasat-2 tiếp theo.

Còn Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng sẽ căn cứ trên những điều kiện cụ thể, và kế hoạch do chính phủ đề ra để tiến tới việc xây dựng thêm một vệ tinh viễn thông tầm cỡ mới.
 
Theo Vnmedia

 

TIN LIÊN QUAN