Blue Zone hoàn thành “sứ mệnh”

06:08, 30/11/2020

“Cho đến nay, Bluezone là phần mềm truy vết hiệu quả nhất. Phần mềm này kết hợp với phần mềm khai báo khác đang hoạt động ở Việt Nam sẽ trở thành hệ sinh thái với độ truy vết rất cao”. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TTcuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 8/2020.

“Giải tỏa” nỗi lo mất dữ liệu

Từ đầu tháng 3/2020, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp: Chống dịch như chống giặc, Bluezone ra đời và  mang một “sứ mệnh lịch sử” trong công tác phòng chống dịch.

Ý tưởng sử dụng Bluetooth để xác định các ca tiếp xúc gần ở Việt Nam được hình thành từ sớm, gần như cùng lúc với nhiều nước khác trên thế giới.

Phần mềm “Made in Vietnam” này được đánh giá đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải.

Ứng dụng này tiềm năng trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích cho ngành y tế trong phòng, chống dịch, giúp xã hội và nền kinh tế duy trì hoạt động ngay cả khi chưa hết dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nguyên tắc của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Hồ sơ về lịch sử tiếp xúc được mã hoá và lưu trữ cục bộ trên điện thoại, không chuyển lên hệ thống cũng như không đòi hỏi danh tính, không thu thập vị trí của người dùng đã giúp giải tỏa nỗi lo mất dữ liệu của người dùng.

Tại Lễ Khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và Ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng, chống Covid-19 hồi tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cũng có nhắc tới tính ưu Việt của ứng dụng này.

“Bluezone là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch. Đột phá ở chỗ, chính quyền không thu thập thông tin của người dân, các thông tin chỉ được lưu trên máy điện thoại của cá nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Có lẽ cũng chính vì sự “an toàn” nên chỉ sau hơn 4 tháng triển khai Bluezone đã hỗ trợ cơ quan y tế địa phương truy vết phát hiện 1.391 trường hợp nghi đã từng ở gần người nhiễm hoặc người nghi nhiễm mới (ngoài danh sách truy vết truyền thống) đồng thời ghi nhận hơn 20 triệu lượt tải. Tuy nhiên, mục tiêu không dừng lại ở đó, nếu con số lên tới 50 triệu lượt cài đặt và sử dụng thì Bluezone sẽ đạt hiệu quả bảo vệ cho cả cộng đồng.

Kỳ vọng về phần mềm mở nguồn để toàn cầu sử dụng

Tuy Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên dùng ứng dụng này, nhưng phần mềm của chúng ta đã được giải quyết được cơ bản các lỗi của phần mềm trước đây đã được phát triển.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, cho đến nay thì đây là phần mềm truy vết hiệu quả nhất. Phần mềm này kết hợp với phần mềm khai báo khác đang hoạt động ở Việt Nam sẽ trở thành hệ sinh thái với độ truy vết rất cao.

Bên cạnh đó, Bluezone được đánh giá sẽ mang tính toàn cầu, sẽ được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ, các công ty, các hãng công nghệ lớn như Apple và Google sẽ cùng chung tay phát triển, và để người dân được giám sát phần mềm mình đang dùng có an toàn không.

Chia sẻ về “sứ mệnh” của Bluezone, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng cho biết, phần mềm được sinh ra là để chống dịch.

“Trước mắt chúng ta tập trung cho mục tiêu chống dịch và làm thế nào chống dịch hiệu quả để chúng ta có thể có một cuộc sống bình thường mới, dựa vào các nỗ lực, các chính sách chống dịch cũng như công nghệ như là Bluezone. Bluezone là một dự án không vụ lợi. Tôi nghĩ, hạnh phúc của chúng tôi là được tham gia, không nói đến chuyện tiền nong hay kinh doanh ở đây, anh em được tham gia là cảm thấy hạnh phúc rồi”, ông Quảng nói.

Từ những thành công bước đầu của Bluzone, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Hai lĩnh vực được đánh giá có những bước tiến quan trọng trong Covid-19 là y tế và công nghệ số. Covid-19 tạo ra cơ hội 'trăm năm' cho chuyển đổi số, cho các doanh nghiệp công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ và cùng chung tay, đồng hành cùng đất nước tạo ta các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số".

Lê Liên