Cuộc cách mạng số hóa trong nhà trường

11:48, 29/12/2020

Những thành tựu vượt bậc của công nghệ đã chứng minh khả năng làm thay đổi một cách cơ bản, thậm chí toàn diện phương thức sản suất, phương thức hoạt động của hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong đó có giáo dục. Việc đẩy mạnh số hóa trong trường học được kỳ vọng sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của giáo viên cũng như khả năng thích ứng công nghệ của các thế hệ học sinh ngay từ trên ghế nhà trường.

Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo. Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cáo chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” (Đề án 117) đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Việc số hóa các hoạt động dạy - học và quản lý trong nhà trường đã đem lại nhiều tín hiệu đáng mừng.

Sự bùng nổ của Cuộc cách mạng 4.0 đã đặt ra những yêu cầu tất yếu về xu thế tất yếu phải xây dựng nền giáo dục trong thời đại 4.0. Có thể nói, giáo dục 4.0 có sự thay đổi lớn trong mục tiêu và cách thức đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phóng tiềm năng, thúc đẩy sự sáng tạo, tính độc lập, chủ động trong học sinh sinh viên. Bằng việc số hóa các phương thức truyền thống, nhiều trường học trên cả nước đã triển khai ứng dụng sổ liên lạc điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử, bài giảng điện tử, sách điện tử, ứng dụng quản lý điểm danh học sinh, lớp học ảo…

Chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo: Tạo lập môi trường học tập số và  học liệu số - Báo Đại Đoàn Kết

Nhờ đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã, đang có những chuyển biến mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng các công nghệ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điển hình là việc ứng dụng big data khi xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành nhằm hệ thống thống nhất quản lý bằng việc số hóa thông tin của gần 53 nghìn trường học từ mầm non đến trung học phổ thông với gần 25 triệu học sinh và khoảng 1,5 triệu cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành thông qua mã định danh. Bước đi này cũng được coi là nền tảng dữ liệu số hóa quan trọng để ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp Chính phủ điện tử, hướng đến vận hành theo mô hình Chính phủ số đến năm 2025.

Bên cạnh đó, các trường học trên cả nước đang từng bước đưa công nghệ, số hóa để thay đổi phương thức giảng dạy, làm sinh động hơn các bài giảng trên lớp. Điển hình trong giai đoạn cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệch Covid-19 từ đầu năm, việc chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá thông qua hình thức trực tuyến đã giúp nhiều trường học trên cả nước đảm bảo được tiến độ và chương trình dạy - học giữa nhà trường và học sinh. Với những hiệu quả đạt được, ngành Giáo dục và đào tạo đã tập trung xây dựng và nhanh chóng ban hành các quy định về mô hình dạy học trực tuyến trong trường học, kèm theo các hướng dẫn về quy trình tổ chức cũng như khung quy chế quản lý tổ chức dạy học trực tuyến; qua đó tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể để các địa phương phối hợp với nhà trường tổ chức triển khai phương thức dạy học trực tuyến đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Phương tiện truyền đạt bài giảng hiện nay cũng có sự tác động không nhỏ của công nghệ. Học sinh được tiếp cận qua nhiều cách thức hơn với các bài giảng thông qua các thiết bị công nghệ hiện đại như máy chiếu, máy tính, các mô hình công nghệ, các chương trình học ứng dụng công nghệ trực quan như STEM, Robotics… Môn Tin học cũng trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3, trong đó, một trong những nội dung chính của môn học là khoa học máy tính với nhiều công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 được lồng ghép với mục tiêu hình thành kỹ năng số trong mỗi học sinh.

Một trong những thành tựu đáng kể góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhà trường đó là kho bài giảng điện tử E-Learning được Bộ Giáo dục và Đạo tạo xây dựng từ năm 2010. Kho bài giảng E-Learning là nơi lưu trữ hệ thống hàng nghìn bài giảng theo từng chủ đề của các môn học từ lớp Nhà trẻ đến lớp 12 và các chủ đề Dư địa chí. Với mong muốn xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở phục vụ dạy, học cả trong và ngoài nhà trường, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp giảng dạy, vì mục đích học tập suốt đời, mọi lúc, mọi nơi, kho bài giảng E-Learning tập hợp những bài giảng chất lương tốt nhất từ các giáo viên trong cả nước thông qua cuộc thi Quốc gia Thiết kế bài giảng E-Learning được tổ chức hàng năm phục vụ các nhà quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh tham khảo.

Thêm vào đó, việc số hóa sổ sách, hồ sơ cũng chứng minh được tính hiệu quả cao khi không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc ứng dụng sổ điểm điện tử, như SMAS, vnEdu, eNetViet, Pino, eSchool… như nhiều trường đang triển khai hiện nay mang lại khá nhiều tiện ích, cụ thể: Giúp phụ huynh được cập nhật kết quả học tập của con em nhanh chóng, kịp thời; đảm bảo sự tính xác và hạn chế tối đa tiêu cực về điểm số do mọi thao tác nhập, sửa điểm trên sổ điện tử đều được lưu vết và hiển thị; việc tính toán, đánh giá, xếp loại học sinh cũng nhanh chóng và tính chính xác cao. Hiệu trưởng các trường sẽ tiến hành kiểm tra sổ điểm, sau đó mới xuất sang học bạ điện tử nên đảm bảo tính chính xác và đúng kỳ hạn. Việc sử dụng học bạ điện tử giúp kết nối thông tin đầy đủ và kịp thời giữa lãnh đạo với nhà trường, nhà trường với phụ huynh và học sinh; giúp cán bộ quản lý các cấp nắm được tình hình dạy và học của các nhà trường kịp thời; mặt khác, sẽ góp phần giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên

Ngoài ra, thay vì quản lý học sinh bằng sổ liên lạc giấy giữa nhà trường và gia đình, ngoài sổ liên lạc điện tử, giáo viên có thể kết nối với toàn bộ phụ huynh trong lớp thông qua các nhóm chat facebook, zalo… Qua đó, thông tin và tình hình học tập của học sinh được cập nhật nhanh chóng, kịp thời; giáo viên và phụ huynh cũng có thể tương tác bất cứ lúc nào để trao đổi tình hình học tập của con em.

Để thực hiện được những kỳ vọng với cuộc cách mạng số hóa toàn diện trong nhà trường cần có sự quyết tâm của các cấp quản lý nhà trường cùng những bước đi tiên phong trong cuộc chiến chuyển đổi số. Đội ngũ giáo viên cần phải thay đổi để có thể thích ứng, làm việc trong môi trường số. Bên cạnh đó cần thường xuyên trau dồi, bồi dưỡng nghiệp vụ, các kỹ năng ứng dụng công nghệ 4.0 và các công nghệ khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của mình với tinh thần: Làm chủ được công nghệ, sử dụng công nghệ hiệu quả và không bị lạm dụng công nghệ.

Đứng trước những thành tựu to lớn có thể đạt được trong chuyển đổi số trong nhà trường, trên cơ sở thực hiện các chỉ thị, điều hành của Chính phủ, ngày 07/10/2020 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Văn bản số 4003/BGDĐT-CNTT gửi các Sở giáo dục và đào tạo trên cả nước hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2020-2021. Trong đó đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Một là, triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong ngành Giáo dục; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục và đào tạo theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025". Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên; triển khai kết nối liên thông dữ liệu, tích hợp các hệ thống thông tin vào cơ sở dữ liệu ngành. Ba là, tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, thi và kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; áp dụng dạy, học trực tuyến; phát triển kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa./.

Minh Hà