Đà Nẵng: Những thế mạnh không nơi nào có - điểm đến hấp dẫn thu hút Fintech

13:31, 16/05/2022

Đà Nẵng là đô thị trẻ với cơ cấu dân số trẻ, tốc độ tăng dân số cao nhưng chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản không ngừng được cải thiện. So với hai trung tâm ở hai đầu đất nước, các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng có những thế mạnh riêng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế nếu “biết mình, biết ta” thu hút nguồn nhân lực cao theo xu thế phát triển các Fintech.

Lợi thế Đà Nẵng đang sở hữu sẽ trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo Tiến sỹ Huỳnh Huy Hòa- Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội Đà Nẵng cho biết, đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực hiện đang trình Chính phủ. Đề án đề xuất một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động FinTech được kỳ vọng sẽ tạo thành nền tảng để thúc đẩy Đà Nẵng trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của quốc gia và khu vực.

Khung kiến trúc chính của Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng được xác định gồm 3 trụ cột.

Trung tâm tài chính offshore: Tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính (mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực).

Trung tâm Fintech: Ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác.

Các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích vui chơi giải trí cao cấp.

Đà Nẵng đang ngày càng thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện môi trường sống…

Theo ông Hòa, thành phố Đà Nẵng đã và đang sở hữu nhiều điều kiện tốt. Đó là hạ tầng đô thị, trong đó, về hạ tầng truyền dẫn, Đà Nẵng vẫn đã có và đang hình thành thêm các trung tâm kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu số, trung tâm dữ liệu. Tỷ lệ người sử dụng internet và thuê bao băng rộng di động của Đà Nẵng hiện cao nhất toàn quốc.

Cùng với đó, tuyến cáp quang biển SMW-3 (cập bờ tại Đà Nẵng, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM), nối liền Việt Nam với hơn 30 nước trên thế giới, trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc qua Trung Quốc, Đông Nam Á tới Châu Âu. Trong đó, có một số nước, lãnh thổ Việt Nam thường xuyên kết nối là Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài tuyến SMW-3, Đà Nẵng còn có tuyến APG (do Viettel đầu tư).

“Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam (có hạ tầng kỹ thuật cũng như khả năng ứng dụng) công nghệ thông tin-truyền thông khá phát triển. Đây là một trong những yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu ICT-Index, ngoài ra vẫn đã và đang thực hiện các kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Đà Nẵng đã nhận nhiều giải thưởng, ghi nhận thành quả bước đầu của chuyển đổi số – thành phố thông minh.

Nhiều năm liền, Đà Nẵng giữ được vị trí dẫn đầu ICT index là một lợi thế rất lớn. Đà Nẵng đang hướng đến hình thành một trung tâm tài chính mà 1 trong 3 trụ cột dịch vụ là fintech, thì năng lực về sẵn sàng ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin – truyền thông là điều hết sức quan trọng, gần như là một nền tảng bắt buộc. Đà Nẵng còn được Chính phủ cho phép hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia. Các cơ chế, chính sách có tính ưu đãi dành cho trung tâm này bổ sung thêm những yếu tố “cần và đủ” về điều kiện ra đời và hoạt động của trung tâm tài chính dựa trên nền tảng công nghệ sáng tạo.

Tận dụng các lợi thể sẵn có của Đà Nẵng để “cấu hình” phù hợp trung tâm tài chính quốc tế

Trong và sau đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều chuyên gia hay nhân sự cấp cao trong lĩnh vực fintech đã chọn phương án về Việt Nam sống và vẫn làm việc online. Đà Nẵng có bãi biển đẹp tuyệt vời, không khí trong lành, không xa lắm với Hội An, Huế, Chính bởi vậy, Đà Nẵng xứng đáng là nơi chọn để sống và làm việc thật lý tưởng.

Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Đà Nẵng – Điểm đến hấp dẫn của Fintech”, các chuyên gia còn chia sẻ những “nhìn nhận và am tường” của mình về lợi thế của thành phố. Đó là giá cả không đắt đỏ, an ninh trật tự tốt, con người hài hòa và thân thiện. Đảng bộ và chính quyền, người dân thành phố đồng thuận cao và luôn hành động để quê hương mình, thực sự là một nơi “đáng sống – đáng đến”.

Ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng: "Đà Nẵng cần tận dụng tối đa lợi thế của một “thành phố đáng sống”, thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư tài chính, giới công nghệ (fintech) đến sống ở Đà Nẵng nhưng làm việc trong môi trường toàn cầu. Một khi đã hình thành cộng đồng chuyên gia fintech như thế, Đà Nẵng phải nghĩ đến việc hình thành các trung tâm sản xuất những dịch vụ, những sản phẩm cho môi trường phát triển fintech. Đà Nẵng phải hướng đến công nghệ, nền tảng mới nhất như blockchaint, NFT, Web 3., DeFi, kể cả không gian tương tác mới cho môi trường tài chính là Meta verse. Với tính cách của con người Đà Nẵng trong làm việc, trong lao động là cái vốn quý nhất mà Đà Nẵng cần  phát huy và Đà Nẵng cần lộ trình để không chỉ thu hút chuyên gia hàng đầu mà cần nhanh chóng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ để đáp ứng định hướng này".

Ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam.

Đồng tình quan điểm này, ông Trần Hữu Đức – Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam – chia sẻ câu chuyện “những ngày đi tuyển quân” để hình thành trung tâm phần mềm đầu tiên của FPT Sofware tại Đà Nẵng. Từng được làm việc với những “con người Đà Nẵng”, ông Đức nhấn mạnh “họ là những con người chịu khó, đầy trách nhiệm. Khách hàng chưa vừa lòng, họ sửa đến khi nào khách gật đầu với sản phẩm. Một đức tính đáng quý”.

Nguồn nhân lực IT đang được nhiều trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng đào tạo, có sự ổn định về số lượng, và bắt đầu đi vào những chuyên ngành hẹp mà thị trường lao động của ngành công nghiệp phần mềm đã và đang rất cần. Việc mở những ngành công nghệ cao, mang ý nghĩa đón đầu các cơ hội.

Theo ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc thường trực Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, sau nhiều quyết định, nghị quyết “định hình bộ khung chuyển đổi số tại Đà Nẵng”, kinh tế số của Đà Nẵng được nhận thức và tiếp cận theo khái niệm “Kinh tế số phạm vi rộng – Broad scope”, nghĩa là bao gồm cả ngành công nghiệp ICT, thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ,…

Liên quan đến sự ra đời của một “Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước đạt được tầm vóc của một trung tâm tài chính quốc tế” tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng khẳng định rằng “chuyển đối số chính là cơ hội giúp thành phố thực hiện được mục tiêu: Qua chuyển đổi mô hình phát triển lĩnh vực tài chính, từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên công nghệ số để đạt được các mục tiêu”.

Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc thường trực Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng bổ sung thêm nhiều tiêu chí, mục tiêu phấn đấu trong chương trình hành động chuyển đổi số.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ thực hiện chuyển đổi số ngành tài chính để (trước mắt) nâng tầm quản lý và cấp phát ngân sách. Song song, các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn sẽ cung cấp “dịch vụ ngân hàng số” theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình. Đây là nền tảng số quan trọng để đưa dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn những đối tượng chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ, dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay.

Được biết đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được chính quyền Đà Nẵng xác định là “một trong các dự án mang tính “động lực” cho sự phát triển của thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - ông Trần Phước Sơn cho hay: "Chúng tôi đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử. Đơn cử, đến năm 2025, tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp – khách hàng) chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố”.

Năm 2022, Đà Nẵng sẽ khai trương Khu công viên phần mềm số 2 với tổng mức đầu tư hơn 703 tỷ đồng bên cầu Thuận Phước, quận Hải Châu. Đây là một bước đi thiết thực để Đà Nẵng thu hút các Fintech và nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao tới Đà Nẵng làm việc và tận hưởng môi trường tốt nhất để sống và làm việc.

Đà Nẵng đã khẳng định” Sẽ xây dựng thành phố theo hướng bền vững (mọi quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế và các lĩnh vực nhạy cảm khác đều không được tác động đến chủ trương xây dựng Thành phố Môi trường). Vì vậy, kịch bản chuyển đổi số của Đà Nẵng, chính là kết gắn mật thiết hơn với mục tiêu “kinh tế xanh”. Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm (đảm nhận các dịch vụ) tài chính (như ý kiến các chuyên gia) cho cả khu vực, vừa là khát vọng, vừa là cái đích đến mà thành phố phải khẳng định sẽ sớm phải đặt chân đến.

Thùy Dung (T/h)