Doanh nghiệp vận tải biển “vượt qua sóng lớn”

10:12, 14/02/2020

Việc công nghệ quản lý nước dằn được nghiên cứu, chế tạo thành công và phân phối phổ biến tại Việt Nam khi Công ước BMW có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp vận tải viển giảm thiểu các chi phí đồng thời giúp vận tải biển Việt Nam hội nhập hiệu quả hơn.

Tính đến ngày 7/8/2019, Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu 2004 (sau đây viết tắt là Công ước BWM) đã nhận sự phê chuẩn của 81 quốc gia đạt 80.76% tổng dung tích đội tàu thế giới (có danh sách các quốc gia gia nhập công ước kèm theo). Theo quy định, Công ước BWM sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có 30 quốc gia trở lên với 35% tổng dung tích đội tàu thế giới tham gia. Công ước BWM đã chính thức có hiệu lực vào ngày 8/9/2017 và theo MEPC.297(27) thông qua vào ngày 13/4/2018, đối với các tàu hiện có chưa được trang bị hệ thống quản lý nước dằn, thì phải lắp đặt hệ thống này tại đợt kiểm tra cấp mới giấy chứng nhận IOPP đầu tiên sau ngày 8/9/2019.

Hiện nay Việt Nam có một số doanh nghiệp lớn có tàu hàng tổng hợp đủ năng lực hoạt động khai thác trên các tuyến đến châu Mỹ, châu Âu, còn lại hầu hết đội tàu biển Việt Nam chạy các tuyến Đông Nam Á, Trung Quốc.

Tại khu vực châu Á đã có nhiều quốc gia đã tham gia Công ước, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… trong đó tại khu vực Đông Nam Á có mặt của 04 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Do đó, đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế phải đáp ứng các quy định của Công ước kể cả trong trường hợp Việt Nam không phải là thành viên.

Công ước có hiệu lực đã tác động rất lớn về vấn đề tài chính đến doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và nhất là đối với các tàu hiện có chưa được trang bị hệ thống quản lý nước dằn, thì phải lắp đặt hệ thống này tại đợt kiểm tra cấp mới giấy chứng nhận IOPP đầu tiện sau ngày 8/9/2019.

Theo quy định của Công ước BWM, các tàu tham gia hoạt động trong lãnh hải của quốc gia thành viên Công ước phải tuân thủ các quy định của Công ước và các sửa đổi có liên quan. Các tàu biển Việt Nam khi cập cảng của quốc gia thành viên Công ước BWM đều phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan kiểm tra nhà nước tại cảng biển (Port State Control) theo quy định của Công ước. Trong khi đó hiện nay, hầu hết các quốc gia mà đội tàu biển Việt Nam hoạt động trong lãnh hải của quốc gia này như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippine, Malaysia đều đã gia nhập Công ước.

Do chưa là thành viên của Công ước BWM nên Việt Nam sẽ không có quyền thực hiện kiểm tra nhà nước tại cảng biển đối với các tàu vào cảng của mình để xác nhận tàu thỏa mãn các yêu cầu tương ứng theo quy định của Công ước BWM khi Công ước có hiệu lực. Ngoài ra, đội tàu biển Việt Nam với hơn  500 tàu chạy tuyến quốc tế khi cập cảng của quốc gia thành viên Công ước sẽ chịu sự kiểm tra của các cơ quan kiểm tra nhà nước tại cảng biển đó theo quy định của Công ước BWM.

Trong đó, đội tàu biển Việt Nam đang hoạt động trên tuyến có các quốc gia là thành viên Công ước, khi Công ước có hiệu lực, để tiếp tục khai thác, đội tàu của Việt Nam phải thỏa mãn các yêu cầu của Công ước BWM, đặc biệt là đáp ứng quy định về việc phải lắp đặt hệ thống quản lý nước dằn (BWMS) và được cấp chứng nhận quốc tế quản lý nước dằn (International Ballast Water Management Certificate). Tuy nhiên, do Việt Nam chưa là thành viên của Công ước nên Việt Nam chỉ cấp giấy chứng nhận phù hợp quản lý nước dằn cho các tàu thỏa mãn các yêu cầu của Công ước.

Các Công ty vận tải biển sẽ cần phải tính toán chi phí cho hệ thống quản lý nước dằn chia bình quân hàng năm trên tổng tuổi thọ của tàu khoảng 15-20 năm và so sánh với chi phí do không thể kinh doanh được hay bị phạt do không tuân thủ khi không có hệ thống quản lý nước dằn. Thậm chí chi phí các Công ty vận tải biển phải bỏ ra khi tàu bị bắt giữ sẽ rất cao, gây tốn kém nhiều. Do đó, các Doanh nghiệp vận tải biển phải chủ động đầu tư, phát triển để bắt kịp với đội tàu biển trong khu vực và trên thế giới, cần xác định chi phí lắp đặt hệ thống quản lý nước dằn là một phần trong chi phí kinh doanh, qua đó giúp các Doanh nghiệp vận tải biển chủ động trong kinh doanh và sẽ giảm thiệt hại lâu dài khi mất nguồn hàng do bị phụ thuộc vào tuyến hoạt động đến các quốc gia là thành viên Công ước BWM.

Trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và theo dõi, Việt Nam sẽ phải đầu tư, phát triển hoạt động quản lý nước dằn, đồng thời nghiên cứu và theo dõi tính phân tích hiệu quả công nghệ, phương pháp áp dụng cho quản lý nước dằn.

Hiện tại trên thế giới có nhiều hệ thống quản lý nước dằn tàu đã được sản xuất, hầu hết là hệ thống của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và của một số quốc gia khác như Đức, Na Uy, Anh… Các hệ thống quản lý nước dằn tàu này được nghiên cứu, thiết kế với nhiều loại công nghệ khác nhau như: công nghệ sử dụng nhiệt, hóa chất; công nghệ kết hợp lọc, plasma, cực tím; công nghệ tia cực tím và lọc… Theo thống kê của IMO, cập nhật đến tháng 01/2019, đã có:

59 hệ thống được chứng nhận cơ bản của IMO (Basic Approved IMO)

43 hệ thống được chứng nhận hoàn toàn của IMO (Final Approved IMO)

76 hệ thống được chứng nhận bởi các chính quyền hàng hải.

Các hệ thống này được chứng nhận theo các hướng dẫn của chính quyền hàng hải và của IMO, qua nhiều bước phê duyệt (hướng dẫn G8, G9). Nhiều chủ tàu trên thế giới hiện đã, đang triển khai lắp đặt, chi phí của các hệ thống này phụ thuộc vào công nghệ được sử dụng. Nhiều hệ thống được thiết kế phù hợp cho các tàu nhỏ, các tàu có tuổi đời cao, đồng thời được tính toán phù hợp với các chi phí đầu tư tàu.

Ngoài ra, hiện nay trên thế giới có nhiều tổ chức phân cấp tàu biển (tổ chức đăng kiểm) cũng như có nhiều chuyên gia tư vấn độc lập có thể tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải biển có thể lựa chọn hệ thống quản lý nước dằn phù hợp với công suất cũng như thiết kế của tàu. Theo Nghị quyết A.1088 (28) ngày 04/12/2013 của IMO, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế có tổng dung tích trên 400 GT sẽ phải lắp đặt hệ thống xử lý nước dằn vào đợt kiểm tra cấp mới (Renewal survey) Giấy chứng nhận quốc tế ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra - IOPP sau ngày Công ước có hiệu lực.

Các hệ thống này luôn sẵn có trên thế giới và dễ dàng lắp đặt khi các Công ty vận tải biển có nhu cầu. Tại Việt Nam đã có một số nhà cung cấp, phân phối hệ thống quản lý nước dằn là: Công ty Alfa Laval Singapore và Công ty TNHH An Thi Việt Nam..v.v.

Ngoài ra, Hiện Việt Nam đã thành công trong việc thiết kế sản xuất hệ thống BWMS với tên gọi TLC-BWM của Công ty TNHH Phát triển Công nghệ hàng hải Thảo Linh phát triển và đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt và chứng nhận. Hiện hệ thống TLC-BWM đang được bán tại thị trường Việt Nam với giá thành rất cạnh tranh hơn nhiều so với các hãng sản xuất và chế tạo BMWS của nước ngoài, việc này đã tạo cơ hội cho đội tàu Việt Nam được lắp đặt hệ thống BWMS với chi phí phù hợp, giảm các chi phí phát sinh khi lắp đặt tại nước ngoài.

Việc công nghệ quản lý nước dằn được nghiên cứu, chế tạo thành công và phân phối phổ biến tại Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu các chi phí so với lắp đặt các hệ thống quản lý nước dằn do các hãng nước ngoài cung cấp. Việc gia nhập Công ước BWM cũng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội để các hãng sản xuất nước ngoài xem xét Việt Nam là nơi sản xuất, triển khai nghiên cứu, phát triển, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ về hệ thống quản lý nước dằn.

 Tú Anh

TIN LIÊN QUAN