Hải Dương săn sàng đón chào Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 24 - năm 2020

20:59, 14/02/2020

Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam là là hội thảo thường niên do Bộ thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam tổ chức. Hội thảo nhằm xây dựng mối liên kết và hợp tác giữa các tỉnh/thành, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT tạo sự thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT-TT phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.Tại Hội thảo hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông lần thứ 23 năm 2019 tại Phú Yên, Tỉnh Phú Yên đã trao cờ đăng cai Hội thảo CNTT-Truyền thông lần thứ 24 năm 2020 cho tỉnh Hải Dương.

Để chuẩn bị tổ chức Hội thảo, tỉnh Hải Dương đang tích cực, chủ động triển khai các hoạt động về công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tập trung phát triển chính phủ điện tử và đô thị thông minh, tạo ra những kết quả điểm nhấn nổi bật để đón chào Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 24 - năm 2020.

Ông Nguyễn Cao Thắng – GĐ Sở TTTT Hải Dương nhận cờ đăng cai Hội thảo CNTT-Truyền thông lần thứ 24

Trong thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã quan tâm và xem việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT là nhiệm vụ trọng tâm, là công cụ cốt lõi để xây dựng Chính quyền điện tử. Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong công tác ứng dụng và phát triển CNTT, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Trong năm 2019, tỉnh đã tập trung triển khai rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật như: đầu tư hạ tầng CNTT, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương và hệ thống "Một cửa điện tử" dùng chung trong toàn tỉnh; Xây dựng và bước đầu đưa vào sử dụng “Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu - LGSP” của tỉnh; Xây dựng giải pháp và tổ chức họp không giấy tờ đối với các kỳ họp của HĐND tỉnh, nâng cấp, mở rộng các chức năng của Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương, nâng cấp, tích hợp ký số và xây dựng phiên bản di động cho hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc... Năm 2019, theo đánh giá chỉ số ICT index, Hải Dương xếp thứ 19/63 tỉnh thành, tăng 7 bậc so với 2018; Chỉ số ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử 2018 xếp thứ 18/63 tỉnh/ thành phố, tăng 13 bậc so với 2017.Có thể thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh trong quản lý, điều hành đã được triển khai và có những kết quả nhất định, tuy nhiên việc này vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử và Đô thị thông minh trở thành một xu thế tất yếu, chủ đạo để phù hợp với bối cảnh chung của tiến trình chuyển đổi số, xã hội số. Hải Dương cũng không nằm ngoài xu thế đó. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương xác định việc xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương là nhiệm vụ trọng tâm, chủ đạo trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực  cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần nâng cao thứ hạng về CNTT- TT của tỉnh, tạo ra những kết quả và giá trị đích thực để chào đón Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 24 - năm 2020.

Về mục tiêu, Hải Dương là một tỉnh đang phát triển, hạ tầng và ứng dụng CNTT-TT đang trong giai đoạn từng bước hoàn thiện... Chính vì thế, việc xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương cần tập trung huy động và tranh thủ nhiều nguồn lực. Với quan điểm“xây dựng Đô thị thông minh phải gắn kết, không được tách rời việc phát triển Chính quyền điện tử; lấy Chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng Đô thị thông minh”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Việc xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng CNTT - TT và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển thành công Chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương và xây dựng thành phố Hải Dương và Thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương cơ bản trở thành một đô thị thông minh của khu vực.

Bí thư Tỉnh ủyHải Dương phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TTTT

Ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giữa Bộ thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh Hải Dương

Để làm được điều này, tỉnh Hải Dương sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự giúp đỡ, song hành của Bộ Thông tin và Truyền thông và dựa trên phân tích những điều kiện đặc thù của tỉnh, để xác định các yêu cầu trong ngắn hạn và chiến lược phát triển dài hạn để xây dựng lộ trình hình thành Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh theo nhiều giai đoạn phù hợp với nhu cầu, điều kiện, tiềm năng của tỉnh và xu thế phát triển của khu vực và cả nước. Lấy cải cách hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp, du khách làm trung tâm của chiến lược xây dựng chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh. Tham khảo xu hướng thời đại trên thế giới, kinh nghiệm thực tiễn tại các địa phương có đặc điểm, quy mô tương tự như tỉnh Hải Dương để triển khai kế hoạch xây dựng. Xác định các giải pháp có tính khả thi cao để triển khai ngay, sớm mang lại lợi ích thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ  người dân, doanh nghiệp, du khách. “Quyết tâm sớm triển khai xây dựng đô thị thông minh tỉnh Hải Dương” là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển tại Hội thảo xây dựng đô thị thông minh tỉnh Hải Dương và mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh, do tỉnh Hải Dương tổ chức vào chiều 7/8/2019. Đồng thời, tại Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 10/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030”. Đề án đã được HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI thông qua tại kỳ họp thứ 12 ngày 12/12/2019.

Đề án xác định và đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương như: Xây dựng hạ tầng CNTT Đô thị thông minh, Xây dựng trung tâm dữ liệu, Xây dựng trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC), Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (UBND) tỉnh Hải Dương, Xây dựng Trung tâm điều hành, giám sát thông minh tại Tỉnh ủy, UBND, HĐND tinh, Xây dựng điểm đô thị thông minh thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh, xây dựng hệ thống Y tế, Giáo dục, Giao thông, Du lịch, Quan trắc môi trường thông minh… Các ứng dụng sẽ được xây dựng với nền tảng công nghệ hiện đại, đồng bộ, kế thừa và phát huy tối đa kết quả của các dự án đã được đầu tư, có khả năng kết nối cao, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật.Đảm bảo đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ như hệ thống pháp lý, cơ chế tài chính, chính sách khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Tỉnh Hải Dương cũng xác định cần phải thiết lập nền tảng mở, dữ liệu mở để khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia. Chính quyền điện tử phục vụ cho doanh nghiệp, người dân; Đô thị thông minh cũng phục vụ cho đối tượng này. Rõ ràng phải tích hợp tất cả các ứng dụng để làm sao thống nhất, đến một giai đoạn nào đó thì cả 2 phải là một. Chính quyền điện tử sẽ tăng khả năng dự báo tình hình và có giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra thông qua các công cụ công nghệ thông tin, để từ đó nâng cao hiệu quả, hoạch định chính sách đầu tư. Khi các chính sách công khai thì người dân chia sẻ, đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân làm, dân kiểm tra thông qua chính quyền điện tử của thành phố thông minh. Người dân, doanh nghiệp có thể tương tác để giám sát, tìm kiếm thông tin liên quan đến Nhà nước, chính quyền và ngược lại. Tất cả mọi văn bản sẽ được lưu hành trên môi trường mạng, cắt giảm thời gian, minh bạch giải quyết các thủ tục hành chính sẽ đạt được mục tiêu khi phần lớn công việc được giải quyết trên môi trường mạng. Xây dựng các Trung tâm điều hành, giám sát đô thị thông minh cũng rất cần thiết để thực hiện 3 nhiệm vụ: tiếp nhận, phân phối và giám sát việc xử lý thông tin hiệu quả. Các địa phương, các sở ngành có bộ phận giám sát điều hành phục vụ cho chuyên môn ngành, địa phương.

Đoàn công tác Bộ TT&TT thăm quan Trung tâm điều hành thông minh đặt tại Tỉnh ủy Hải Dương.

Về định hướng trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương xác định phải tăng cường kết nối giữa các lĩnh vực: tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, kênh tương tác... nhằm kết nối chặt chẽ, kịp thời giữa chính quyền, người dân, du khách và doanh nghiệp để tận dụng, tối ưu nguồn lực, sử dụng các công cụ, ứng dụng kết nối xuyên suốt.Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc: thông qua kết nối và cung cấp thông tin, dữ liệu theo thời gian thực giúp chính quyền, người dân, du khách và doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định chính xác, cho phép người dân và doanh nghiệp tương tác với chính quyền và xã hội dễ dàng, thuận tiện nhất. Phân tích các thông tin chính xác, kịp thời giúp chính quyền các cấp dự báo, định hướng, tiên lượng nhằm xây dựng kế hoạch phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình thực tế.Tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, thiết lập các kênh kết nối phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, du khách và doanh nghiệp đối thoại với chính quyền, tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ,... thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh.Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững của địa phương: đẩy mạnh hợp tác giữa chính quyền, người dân, du khách và doanh nghiệp; kiến tạo môi trường sáng tạo và khởi nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Có thể  khẳng định với sự quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh, việc xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh sẽ mang lại những kết quả đột phá, phát huy hiệu quả, tiện ích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương và dự kiến sẽ tạo ra mô hình sản phẩm tiêu biểu để có thể giới thiệu với các địa phương tại Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 24 - năm 2020./.

Nguyễn Cao Thắng - Giám đốc Sở TTTT Hải Dương

TIN LIÊN QUAN