Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên

18:15, 06/12/2021

Trong buổi tổng kết chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế", do Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức sáng 5/12, các nhà khoa học báo cáo nhiều kết quả được thực hiện trong 5 năm qua.

Sáng 5/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 2016-2020).

Đây là chương trình khoa học tổng hợp liên ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, phòng tránh thiên tai, khoa học xã hội và an ninh quốc phòng; đồng thời là chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia lần thứ 4 về Tây Nguyên, được Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 cho biết, Chương trình tiếp nối Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011 - 2015, minh chứng cho chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ là xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm về kinh tế của cả nước.

Ông Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phát biểu tại hội nghị tổng kết.

Qua 5 năm thực hiện với phương châm bám sát mục tiêu, bám sát thực tiễn Tây Nguyên, Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 đã triển khai 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc 3 lĩnh vực: Khoa học công nghệ; khoa học tự nhiên và phòng tránh thiên tai; khoa học xã hội và an ninh quốc phòng. Các nhiệm vụ đã huy động được sự tham gia của 918 nhà khoa học thuộc 14 bộ, ngành, hội khoa học trên cả nước và từ Trung ương đến địa phương vùng Tây Nguyên. Trong đó, 7 nhiệm vụ khoa học do các trường, viện nghiên cứu đóng tại Tây Nguyên, khu vực Nam Trung Bộ triển khai thực hiện.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các nhà khoa học, các chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, thiên tai, dịch bệnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học với tất cả lòng đam mê, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao và vì sự phát triển của Tây Nguyên. 

Tại hội nghị, các nhà khoa học phụ trách 3 lĩnh vực nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 đã báo cáo các kết quả nghiên cứu của từng lĩnh vực. Theo đó, các nhiệm vụ khoa học tự nhiên đã phát hiện nhiều điểm mới phục vụ quản trị tài nguyên đất, nước và rừng liên vùng, xuyên biên giới. Thí dụ như nhiệm vụ nghiên cứu hang động núi lửa Krông Nô-Đắk Nông đã lần đầu tiên phát hiện di chỉ người tiền sử hiếm gặp ở Đông Nam Á.

Việc phát hiện di chỉ người tiền sử cùng với các giá trị đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo là một phần quan trọng của công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã được UNESCO công nhận vào tháng 7/2020. Mô hình quân, dân y chăm sóc sức khỏe đồng bào biên giới ứng phó với biến đổi khí hậu, biến động dân cư và kiểm soát dịch bệnh đã và đang phát huy tác dụng tích cực…

 

Một số sản phẩm của Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 được trưng bày tại hội nghị.

 

Các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã hoàn thiện, tích hợp các kết quả của giai đoạn trước và liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để triển khai, nhân rộng các mô hình kịp thời phục vụ phát triển kinh tế quốc phòng, an ninh biên giới. 

Các nhiệm vụ khoa học xã hội về đẩy mạnh liên kết vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ; giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai; bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ; hệ thống giải pháp giữ vững ổn định an ninh chính trị Tây Nguyên trong bối cảnh quốc tế mới… đã được tham khảo làm cơ sở định hướng cho chính sách phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn tới. 

Thông qua thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, các nhà khoa học đã hỗ trợ và đào tạo 29 tiến sĩ, 54 thạc sĩ và hàng chục kỹ thuật viên về ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ cho Tây Nguyên. Đây là nguồn lực tri thức trình độ cao phục vụ phát triển Tây Nguyên hiện tại và tương lai. 

Đặc biệt, tập Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên và phụ cận khổ A2, Atlas các hệ sinh thái núi Tây Nguyên khổ A3 lần đầu tiên được xuất bản là những bộ dữ liệu lớn từ các kết quả nghiên cứu về Tây Nguyên, có giá trị nhiều mặt phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên. 

Đáng chú ý, tại hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để ứng dụng kết quả nghiên cứu của Chương trình vào thực tiễn. Tiến sĩ, nghiên cứu viên chính Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm, Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 cho biết, gần 100 nhiệm vụ khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 đã đề xuất hàng trăm kết luận và kiến nghị khoa học tổng hợp, chuyên ngành, liên ngành thể hiện trong báo cáo tổng hợp, báo cáo kiến nghị, cơ sở dữ liệu GIS,… Các luận cứ khoa học, mô hình phát triển và quy trình sản xuất là khối tài sản trí tuệ rất lớn, cần được đầu tư khai thác phục vụ bổ sung chính sách, thể chế, thay đổi cơ chế và thiết chế văn hóa phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên theo kịp cuộc cách mạng 4.0, trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị tổng kết chương trình Tây Nguyên 2016-2020.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Ban Chủ nhiệm Chương, các nhà khoa học, nhất là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của các đề tài cần điều tra khảo sát và tập huấn thực tế tại địa phương.

Thứ trưởng Giang nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên. Ông dẫn minh chứng, ở nội dung khoa học công nghệ, đã xây dựng được mô hình bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các giải pháp công nghệ nhằm ứng phó với suy thoái tài nguyên, phòng tránh thiên tai theo định hướng phát triển bền vững.

"Chương trình xây dựng được mô hình về sử dụng năng lượng tái tạo, lưu trữ mặt nước và nước ngầm, công nghệ chế phẩm sinh học, công nghệ sau thu hoạch", Thứ trưởng nói.

Định hướng ở giai đoạn mới, Thứ trưởng Giang nhấn mạnh việc tiếp nhận kết quả của các nghiệm vụ và ứng dụng nhân rộng mô hình. Ông khuyến khích nguồn lực từ doanh nghiệp hay xã hội trong việc chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình và sản xuất sản phẩm hàng hóa.

Thứ trưởng Giang cũng gợi mở, giai đoạn mới các địa phương cần đề xuất đặt hàng, kết hợp với các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững Tây Nguyên.

Khôi Nguyên (T/h)