Lào Cai: Gắn kết chặt chẽ Cải cách hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử

15:54, 08/02/2020

Những năm qua, chỉ số phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Lào Cai luôn được đánh giá cao, nằm trong top 10 của cả nước. Điều đó thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh Lào Cai trong việc ứng dụng CNTT, thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), xây dựng Chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng dụng CNTT - Con đường ngắn nhất để CCHC

Để đẩy mạnh CCHC, Lào Cai đã đầu tư phát triển hạ tầng thông tin, ứng dụng CNTT từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thay đổi phương thức làm việc truyền thống sang môi trường làm việc điện tử hiện đại, công khai, minh bạch, trách nhiệm, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí, thời gian, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2019, điểm nổi bật trong công tác hiện đại hóa nền hành chính là việc công bố Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai; khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh; kết nối thành công nền tảng, tích hợp, chia sẻ (LGSP) tỉnh Lào Cai, phiên bản 1.0; tích hợp thành công ứng dụng Zalo vào Chính quyền điện tử…đã tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT, góp phần nâng tỷ lệ dịch vụ hành chính công mức 3, mức 4 lên 41%;  phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

Ứng dụng CNTT trong CCHC được triển khai sâu rộng với việc sử dụng đồng bộ 3 phần mềm dùng chung, liên thông cả 3 cấp và kết nối với Chính phủ. Hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đồng bộ. Đến nay, đã thực hiện việc kết nối liên thông văn bản điện tử trong nội tỉnh và kết nối Trục liên thông văn bản điện tử Quốc gia phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử, ký số văn bản 4 cấp hành chính. Hàng tháng có trên 81.000 văn bản điện tử gửi, nhận liên thông. Triển khai ứng dụng chữ ký số đến 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Tổng số chữ ký số được cấp và đưa vào sử dụng là 660 chữ ký số tổ chức, 1.698 chữ ký số cá nhân và 259 chữ ký số Sim CA.

Cổng hành chính công tỉnh Lào Cai trên ứng dụng zalo

Cổng Dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa liên thông được triển khai cho 18/18 sở, ban, ngành; 9/9 huyện thành phố, 164/164 xã, phường, thị trấn, kết nối công khai tiến độ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT của Chính phủ. Có 4 cơ quan thực hiện cung cấp dịch vụ công mức 3, mức 4 theo phần mềm trực tuyến chuyên ngành, đó là: Kế hoạch- đầu tư; Tài chính; Tư pháp; Giao thông vận tải với tổng số 76 dịch vụ. Đến nay cung cấp tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 của tỉnh là 850 dịch vụ/2.067 TTHC (đạt 41%); trong đó số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 là 544/2.067, đạt 26%; số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 820 hồ sơ, đạt tỷ lệ 13%. Thực hiện tiếp nhận hồ sơ/trả kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích, trung bình tiếp nhận trên 7500 hồ sơ/tháng. Kết nối với hệ thống quản lý của Kho bạc Nhà nước Việt Nam hỗ trợ cho thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai thí điểm chuyển bộ phận một cửa của các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương sang trụ sở Bưu điện huyện, bộ phận một cửa xã Bản Cái (huyện Bắc Hà) sang điểm Bưu điện -Văn hóa xã, bước đầu đã tạo thuận lợi cho người dân đến giải quyết các TTHC.

“Cổng hành chính công Lào Cai” trên ứng dụng zalo giúp người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến, chủ động tra cứu thông tin về TTHC, tình trạng xử lý hồ sơ, tra cứu các thông tin cần biết như Cơ sở y ‑ Phòng khám; cơ sở kinh doanh dược phẩm; các tuyến xe buýt; địa điểm du lịch; thông tin homestay; bảng giá đất đô thị; sản phẩm OCOP.... Ngoài ra, còn cung cấp kênh tương tác giúp người dân đánh giá chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng sau khi hoàn tất quá trình làm hồ sơ. Tính đến hết tháng 11/2019, số lượng người quan tâm đến dịch vụ là trên 7.000 người, trong đó tỉnh Lào Cai chiếm 65%.

Hệ thống giám sát, đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân đặt tại 100% bộ phận một cửa các cấp, các ngành. Hết năm 2019, hệ thống đã nhận được trên 16 nghìn ý kiến tham gia đánh giá với mức độ Rất hài lòng và Hài lòng đạt 96,6%.

Với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, tỉnh Lào Cai đã thử nghiệm thành công kết nối liên thông hệ thống dịch vụ công của tỉnh với các hệ thống thông tin của Trung ương qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh và nền tảng kết nối Quốc gia (NGSP). Đặc biệt đã kết nối Hệ thống CSDL về bảo hiểm của BHXH Việt Nam với hệ thống của Bộ Tư pháp phục vụ liên thông dịch vụ công trực tuyến cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, giảm thời gian xử lý TTHC từ 5 ngày xuống còn thực hiện trong ngày. Lào Cai là 1 trong 13 tỉnh trong cả nước triển khai thí điểm, đến nay đã cấp được 782 thẻ BHYT cùng với giấy khai sinh tại 9/9 huyện, thành phố. Hình thức cấp này thật sự có ý nghĩa đối với Lào Cai- một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Lào Cai cũng kết nối thành công kết nối thành công Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh với CSDL Quốc gia về doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thử nghiệm thành công đối với 10 dịch vụ hành chính công tại Sở Công thương để xác thực thông tin doanh nghiệp theo yêu cầu; hệ thống thông tin cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến của Bộ Tư pháp.

Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số trong xây dựng Chính quyền điện tử".

Năm 2019, đã khai trương và vận hành bước 1 Trung tâm điều hành đô thị thông minh, triển khai bộ 3 phần mềm du lịch (Cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch trên điện thoại thông minh, phần mềm quản lý lưu trú); tích hợp hệ thống camera quan sát du lịch tại 3 điểm du lịch của tỉnh. Triển khai thí điểm hệ thống camera giao thông tại thành phố Lào Cai. Triển khai đồng bộ phần mềm quản lý, lưu trữ và truyền tải hình ảnh đến các bệnh viện trên toàn tỉnh. Triển khai một số hạng mục về Giáo dục thông minh như: Lớp học thông minh; Thư viện học tập trực tuyến; Thẻ học sinh thông minh...Tích hợp các hệ thống như: Cảnh báo cháy tự động; cảnh báo thời tiết. Đồng thời xây dựng các dịch vụ nền tảng, các cơ sở dữ liệu dùng chung để tạo thành “Hệ sinh thái Chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai”, kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia.

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, đoàn thể. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của Hội tin học tỉnh Lào Cai trong việc tham gia vào các hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông. Với 67 hội viên, Chủ tịch Hội là đồng chí Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, năm qua, Hội đã phối hợp cùng sở Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ như: tập huấn về an toàn, an ninh thông tin; đào tạo sử dụng chữ ký số, kỹ năng sử dụng các phần mềm dùng chung; tham gia t­ư vấn, ý kiến chuyên ngành đối với các chương trình, dự án CNTT của tỉnh. Đặc biệt, Hội đã phối hợp triển khai phiên bản 2 của phần mềm đánh giá cán bộ công chức, phần mềm theo dõi thi đua khen thưởng, phần mềm theo dõi chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo tỉnh, hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ một cửa, các mô hình dịch vụ công, mô hình một cửa liên thông điện tử,...góp phần phục vụ CCHC, phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ của tỉnh.

Chú trọng giải pháp trọng tâm

Xây dựng trung tâm hành chính công; Phát triển Chính quyền điện tử, đô thị thông minh gắn với CCHC; vận hành và khai thác có hiệu quả Cổng dịch vụ Công quốc gia;….là những giải pháp trọng tâm được tỉnh Lào Cai triển khai trong năm 2020 nhằm tăng cường công khai minh bạch thông tin, thúc đẩy CCHC.

Năm 2020, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC; 100% các cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp duy trì tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng dịch vụ công tích hợp 1 cửa điện tử của tỉnh (I- gate); 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật); tối thiểu 80% hồ sơ công việc của các cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 30%; tỷ lệ dịch vụ công mức 3, mức 4 đạt 41%; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện TTHC; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; rút ngắn từ 30-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy, tăng cường sử dụng tài liệu điện tử; 100% các cơ quan từ tỉnh đến cấp huyện kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đề hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Lào Cai cũng đề ra giải pháp trọng tâm nhằm hiện đại hóa hành chính, đó là: Phát triển Chính quyền điện tử, đô thị thông minh gắn với CCHC. Phát triển hạ tầng CNTT đến các cơ quan cấp tỉnh, huyện đồng bộ, hiện đại, an toàn, an ninh thông tin, từng bước hiện đại đến cấp xã. Tăng cường gửi nhận văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng có ký số trên trục liên thông văn bản Quốc gia. Thực hiện có hiệu quả việc cung cấp, sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, kết hợp việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Triển khai và áp dụng một cửa, một cửa liên thông điện tử tại 100% bộ phận một cửa ở cả 3 cấp. Tuyên truyền, hướng dẫn để cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo sự đồng thuận của xã hội về phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI tại Bưu điện huyện Bảo Thắng

Đặc biệt, trong giai đoạn 2 của dự án xây dựng Chính quyền điện tử, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai tập trung vào 2 hạng mục chính, gồm: Kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của Trung ương đã triển khai kết nối với nền tảng NGSP Quốc gia; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và giám sát việc xử lý quy trình nghiệp vụ đối với việc thực hiện các thủ tục trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Năm 2020 sẽ ra mắt Trung tâm dịch vụ hành chính công gắn với Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ, tăng hiệu quả làm việc, tăng tính minh bạch, công khai, liên thông về TTHC; tiết kiệm thời gian, chi phí, thực hiện thủ tục đúng nghĩa liên thông một cửa điện tử.

Với mục tiêu xây dựng địa phương trở thành một trong những đô thị thông minh đầu tiên của khu vực vùng núi phía Bắc, Lào Cai đã và đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trên mọi mặt của đời sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quảng bá đưa Lào Cai trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Vương Trinh Quốc-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai

 

 

 

TIN LIÊN QUAN