Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): An toàn của người bị bạo lực gia đình là trên hết

07:14, 04/12/2022

Tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, trong đó đã thông qua 6 luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Báo Đại biểu Nhân dân sẽ lần lượt giới thiệu những nội dung chính và điểm mới của những đạo luật quan trọng này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết như vậy tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về các luật vừa được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Tư. Luật có 5 năm điểm mới cơ bản. 

“Trong phòng có chống, trong chống có phòng”

Cụ thể, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, Luật sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. 

Luật thực hiện “trong phòng có chống, trong chống có phòng” bằng cách sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục; rà soát, bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng. Đồng thời, sửa đổi quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự. Bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; bổ sung quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình. 

​Luật sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình, để khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Luật đã bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình; đơn giản hóa thủ tục; bổ sung quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; bổ sung biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình. Bỏ điều kiện “đã được Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải”, điều chỉnh độ tuổi của người có hành vi bạo lực gia đình và quy định các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”; bổ sung quy định để bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch Trịnh Thị Thuỷ trình bày những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch Trịnh Thị Thuỷ trình bày những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình 

Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả: quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. 

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình: bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thống kê và quản lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế trong bồi dưỡng nhân viên y tế thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình. Xác định trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hướng dẫn cơ sở giáo dục phát hiện, hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình, bổ sung trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ… Bổ sung quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức, thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Bổ sung trách nhiệm của công an xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình. 

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023. Để bảo đảm Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi của Luật, đặc biệt là nội dung mới trong các quy định về cấm tiếp xúc, góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, thực hiện công vụ phục vụ cộng đồng, xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình… Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng khắp để mọi người dân, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác. Bộ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư nguồn lực triển khai để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Theo Báo Đại biểu Nhân Dân